.

Điều kỳ diệu của cuộc sống

.

Sự chia sẻ, hỗ trợ từ các tổ chức phi chính phủ đang góp phần giúp người khuyết tật (NKT) có cơ hội được học, làm việc và cống hiến. Qua đó chứng minh rằng: mặc dù có khác biệt trong hành trình đi đến thành công nhưng NKT có thể làm được mọi việc. Sự kiên trì, lạc quan, ý chí mạnh mẽ của họ còn lan tỏa niềm tin yêu cuộc sống đến với mọi người.

Nguyễn Đại Dương bên bức tranh thêu cầu Sông Hàn về đêm.
Nguyễn Đại Dương bên bức tranh thêu cầu Sông Hàn về đêm.

Học là một hành trình hạnh phúc

Liên tục suốt một tháng nay, bất kể trời nắng gắt hay xối xả mưa, cứ 6 giờ sáng lại có chiếc xe lăn cần mẫn nhích từng chút một để leo lên dốc cầu Thuận Phước. Chủ nhân của chiếc xe là Nguyễn Đại Dương. Mồ côi cha mẹ từ lúc sinh ra, lại bị bệnh viêm não Nhật Bản nên mặc dù đã 22 tuổi, vóc dáng của Dương chỉ giống như trẻ lên 10. Hai chân em bị co rút nên chỉ có thể di chuyển bằng nạng hoặc xe lăn. Mặc dù tiết trời buổi sáng se lạnh nhưng chiếc áo mỏng Dương mặc vẫn đầm đìa mồ hôi.

Thở dốc suốt chặng đường từ 74 Bùi Dương Lịch (quận Sơn Trà) đến Hội Bảo trợ NKT và trẻ em mồ côi (548 Trần Cao Vân, quận Thank Khê), Dương cho biết, đây là quãng đường xa nhất em tự đi được cùng chiếc xe lăn. Gần 2 giờ đẩy xe liên tục khiến Dương gần như kiệt sức, thế nhưng đây vẫn là hành trình hạnh phúc nhất, bởi: “Lần đầu tiên mình có cơ hội được làm quen và học tiếng Anh”.

Lớp học tiếng Anh này là kết quả của dự án “Dạy ngoại ngữ cho NKT, trẻ mồ côi và con gia đình nghèo” do tổ chức Associazione Azione Per Famiglie Nuove-Onlus (AFN), Ý tài trợ. Dương và 9 học viên còn lại trong lớp được học từ vựng, cách phát âm và những cấu trúc tiếng Anh cơ bản nhất. Không chỉ vậy, các nhóm tình nguyện viên của Úc còn trực tiếp sang thăm và trò chuyện cùng lớp học. Môi trường đàm thoại thoải mái, thân thiện cùng các tình nguyện viên đến từ quốc gia nói tiếng Anh hứa hẹn sẽ giúp những học viên đặc biệt này rèn được khả năng phản xạ, sự tự tin và cách phát âm chuẩn mực.

Theo ông Vũ Hoàng Thương, Phó văn phòng Hội Bảo trợ NKT và trẻ em mồ côi, giảng viên chính của lớp học, 10 học viên là 10 hoàn cảnh riêng biệt, mỗi người có một nỗi đau, bất hạnh riêng nhưng tất cả gặp nhau ở điểm chung: “Chuyên cần, ham mê học tập”. Chính sự yêu thích con chữ này nên quãng đường dài dằng dặc được tính bằng vòng xe lăn, bằng giọt mồ hôi giữa trưa hè đổ nắng, bằng những bậc cầu thang phải “đi” bằng 2 tay… đã không làm tắt đi nụ cười, sự háo hức được đến lớp của Dương và bạn bè.

May mắn được cô Nguyễn Thị Liền, chủ xưởng thêu Thanh Ngọc Minh nhận làm con nuôi, đến nay Dương đã trở thành một trong những thành viên có tay nghề cao nhất tại xưởng. Bức tranh thêu cầu Sông Hàn về đêm của Dương vừa được Công ty cổ phần tư vấn đầu tư Bông Sen Vàng mua với mệnh giá 105 triệu đồng. Từ lâu, Dương đã nhận ra các tác phẩm thêu tay có giá khá cao và thường phù hợp với túi tiền, sở thích của người ngoại quốc.

Dương hiểu được rằng ngoại ngữ là cầu nối duy nhất giúp mình trò chuyện và kể cho khách hàng nghe về ý nghĩa, quá trình tạo tác nên bức tranh. “Không có hai bức tranh giống nhau bởi mỗi tác phẩm là kết tinh của sự sáng tạo, thăng hoa trong từng đường kim, mũi chỉ và tâm trạng của người thêu. Mình muốn người mua tranh không phải vì họ có tiền mà bởi họ hiểu được giá trị mỹ thuật cũng như sự cần mẫn, chăm chút và cả tâm hồn người đã thêu nên tranh”, Dương chia sẻ.

Chỉ kéo dài 3 tháng nhưng lớp học là tất cả những gì Dương cần để tự mình vượt qua “nỗi sợ” mang tên tiếng Anh, để tự đưa ra khái niệm về tiếng Anh cho bản thân, hiểu được cách học để sau đó có thể tiếp tục hành trình tự học. Chỉ với một cánh tay trái, Dương luồn kim, xỏ chỉ, tỉ mỉ trong từng mũi thêu, trong việc phối màu sáng tối cho bức tranh. Cũng cánh tay đó, Dương gò mình trên từng nét chữ với niềm tin sắt đá rằng, một ngày không xa sẽ giới thiệu tranh của mình bằng tiếng Anh. Bởi: “Chỉ người không tin vào khả năng của bản thân mới là NKT”.

Không khuất phục ông trời

Khác với trường hợp của Nguyễn Đại Dương bị khuyết tật ngay từ bé, gia đình ông Nguyễn Thành Ôn, bà Lê Thị Nga (thôn Dương Sơn, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang) là một trường hợp hy hữu khi nhà có 5 người, thì 4 người bị sét đánh trong ngày định mệnh 14-9-2000.

Gia đình ông Ôn từng có nền tảng kinh tế tương đối ổn định bởi ông siêng năng, cần cù với nghề thợ nề. Bà đảm đang, khéo léo nên hàng may luôn luôn đông khách. Trong một buổi sáng mưa lâm thâm, cả gia đình quây quần bên cậu con trai 15 ngày tuổi thì bất thần một tia sét lớn đánh thẳng vào nhà. Tỉnh dậy trong Khoa bỏng Bệnh viện Đà Nẵng với nửa người bị cháy sém, ông Ôn đau đớn khi biết tin vợ mình cũng bị bỏng nặng, đôi mắt có nguy cơ mù vĩnh viễn. Con trai nhỏ đang nằm ở khoa Nhi và đang lên cơn co giật từng hồi, sự sống mong manh. Mẹ già vì tuổi cao sức yếu lại bị bỏng nên đã ra đi sau 10 ngày nhập viện.

Từ đó, gia đình ông Ôn bắt đầu với hành trình làm quen với cuộc sống và danh xưng “Người khuyết tật”. 14 năm sau ngày định mệnh đó, ông Ôn không nhớ nổi mình đã trải qua tổng cộng bao nhiêu cuộc phẫu thuật lớn nhỏ. Phần da bị hoại tử cứ mở rộng miệng, rỉ máu và mủ buộc ông phải mặc áo quần dài tay bất kể thời tiết.

Ông còn phải đều đặn nhập viện để lấy thịt nơi phần da lành lặn “vá” vào vết thương hở miệng. Rụng tóc, tay chân co rút, bước đi tập tễnh, thị lực giảm sút khiến ông không thể tiếp tục nghề thợ nề, bà không thể tiếp tục nghề may. Thời gian ông bà sống ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà, lượng thuốc phải uống mỗi ngày nhiều hơn ăn cơm. Người con út năm nay 14 tuổi, chịu di chứng của điện giật cũng bị co rút tay chân, cả thể xác lẫn tinh thần bị “nhốt” trong hình hài một đứa bé lên 5. Kinh tế gia đình vì thế cứ rơi dần xuống tận đáy mặc dù có sự hỗ trợ nhiều của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thành phố và các nhà hảo tâm.

Một vật dụng không tồn tại trong ngôi nhà nhỏ này là gương soi. Khuôn mặt biến dạng khiến ông Ôn và bà Nga không đủ tự tin để nhìn vào gương. Những cơn đau nhức quanh năm suốt tháng khiến ông bà từng nghĩ đến khả năng uống thuốc trừ sâu để kết thúc tất cả. Tuy nhiên, ý nghĩ đó chỉ còn là quá khứ, bởi giờ đây ông bà Ôn được tham gia vào chương trình do Chính phủ Hoa Kỳ và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) hỗ trợ.

Chương trình cung cấp dịch vụ chăm sóc, điều trị và các hỗ trợ toàn diện, tích hợp đa ngành giai đoạn 2012-2015 cho NKT tại Đà Nẵng. Bằng nguồn vốn hỗ trợ từ chương trình, giờ đây, nếu không nằm viện thì dù nắng hay mưa, dù bước thấp bước cao, người vẹo sang một bên, ông Ôn vẫn rong ruổi đi bán vé số, bà Nga bán thức ăn gia súc và ngày ngày bầu bạn với đàn gà quanh sân.

Theo ông bà Ôn, có việc làm lương thiện, không bị cô lập, định kiến bởi làng xóm láng giềng là điều vô cùng may mắn. “Mãi nằm trong danh sách hộ đặc biệt nghèo và nhận tiền trợ cấp không phải là điều đáng tự hào. Tự lao động mới mang lại sự tự tin, niềm vui sống. Tin rằng, với sự sẻ chia của xã hội, nỗ lực của bản thân và nguồn vốn hỗ trợ ban đầu, gia đình tôi sẽ không nằm trong danh sách những NKT bần cùng, không có tương lai do không có cơ hội tiếp cận với thông tin, nguồn vốn và sự định hướng đúng”, ông Ôn khẳng định.

Thông qua nội dung trao đổi, thỏa thuận giữa thành phố Đà Nẵng với các tổ chức phi chính phủ, các dự án lớn hỗ trợ người khuyết tật được hình thành, như “Chương trình toàn diện và tích hợp trợ giúp người khuyết tật tại Đà Nẵng” giai đoạn 2013 - 2015 do USAID tài trợ; Dự án “Phát huy năng lực cho người khuyết tật tại thành phố Đà Nẵng” (2010 - 2014) do FIDA International tài trợ hay dự án “Hệ thống chăm sóc hy vọng cho trẻ khuyết tật” trên địa bàn các quận Ngũ Hành Sơn (2013 - 2015), Cẩm Lệ (2011 - 2014), Hải Châu (2012 - 2015) do tổ chức Children of Vietnam tài trợ.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.
.