.

Nỗi lòng 20-11

.

Ngày 20-11, không ít phụ huynh khó khăn mang hoa tươi biếu tặng thầy cô tỏ lòng tri ân một cách chân tình, nhưng cũng có nhiều phụ huynh khá giả tặng quà “trên mức tình cảm”. Sự “phân cấp” trong ứng xử đã khiến cho một số nhà giáo phải đóng cửa không tiếp khách trong ngày 20-11, ngày mà đối với họ vô cùng thiêng liêng, cao quý…

Nhiều thế hệ học trò đã đi qua quãng đời dạy học của thầy Hùng, cô Tuấn, tất cả đều nguyên vẹn một chữ “tình” với niềm tin yêu, trìu mến của đạo nghĩa thầy trò. Ảnh: V.T.L
Nhiều thế hệ học trò đã đi qua quãng đời dạy học của thầy Hùng, cô Tuấn, tất cả đều nguyên vẹn một chữ “tình” với niềm tin yêu, trìu mến của đạo nghĩa thầy trò. Ảnh: V.T.L

Nguyên vẹn một chữ “tình”

Được cán bộ Phòng GD&ĐT huyện Hòa Vang giới thiệu, chúng tôi về Hòa Tiến gặp nhà giáo Nguyễn Đình Hùng, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức huyện, nguyên Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Phú Hường, ngôi trường ra đời năm 1977 với tên gọi ban đầu là Trường cấp 2 Hòa Tiến. Một ngôi nhà xinh xắn nằm bên đường nối từ trung tâm xã đến trung tâm hành chính huyện. Một người phụ nữ đứng tuổi ra chào, có vẻ như là một nhà giáo. Và đúng vậy, cô là Tô Thị Minh Tuấn, người bạn đời – bạn nghề của thầy Hùng gần 40 năm nay.

Thầy và cô gặp nhau trong những năm tháng mà nghề “trồng người” còn quá khó khăn, nhất là đối với một vùng nông thôn như Hòa Tiến. Rất nhiều giáo viên lúc đó trụ lại với nghề nhờ vào sự bảo bọc của HTX Nông nghiệp và tấm chân tình của phụ huynh. Thầy Hùng kể, trên cương vị phó hiệu trưởng, thầy tham mưu chính quyền địa phương để HTX hỗ trợ giáo viên mỗi tháng thêm mấy cân gạo, tết nhứt, lễ lạt có thêm cân nếp, con vịt hay mấy lạng thịt heo... Những thầy, cô giáo ở xa đến được bố trí ở nhà dân hoặc ở nhà tập thể của trường được lợp bằng tranh tre, nứa lá do HTX hỗ trợ.

Nhà trường như một đại gia đình, mọi thành viên chia sẻ nhau từng món quà quê được phụ huynh gửi tặng. Nhà nào gặt lúa xong, lựa hôm trường nghỉ dạy là làm một bữa mì cúng lúa mới và trịnh trọng mời quý thầy, quý cô đến dự. Mùa mưa, nước lắp xắp ngoài đồng, ai vớt được con tép con tôm hay hái được bó rau chục ớt cũng mang đến trường biếu thầy cô lấy thảo. Thấy em nào học lực còn yếu là thầy cô cho gọi tới dạy thêm vào buổi tối, cả giáo viên lẫn phụ huynh ngày đó đều không biết đến khái niệm “học phí dạy thêm” là gì.

Trong ký ức của thầy Hùng, đó là quãng thời gian đẹp nhất của những người mang thiên chức làm thầy.

Ngày 20-11 năm 1982 lần đầu tiên cả nước tổ chức Ngày Nhà giáo Việt Nam. Thầy Hùng nhớ mãi hình ảnh trò mang đến lớp tặng thầy, cô giáo mấy lon bắp hạt (có lẽ là loại ngon nhất ở nhà) rồi rụt rè thưa gởi: Thưa thầy/cô, nhà em không có gì, chỉ chừng đây thôi, mong thầy/cô nhận cho ba mẹ em vui lòng. Vậy là quá quý rồi. Hôm đó cả trường giòn tan thanh âm và sâu lắng hương vị của bắp rang, một lần 20-11 để lại dấu ấn trong lòng những người làm thầy ngày đó.

Cô Tuấn (quê Quế Sơn) dạy bồi dưỡng học sinh giỏi, nhiều em giờ đã thành đạt. Năm cô gần nghỉ hưu, có em trước khi ra nước ngoài du học đã đến thăm cô, hứa sẽ học hành thật tốt rồi rưng rưng: Con đi, sợ lúc về thì cô không còn khỏe. Có em gặp cô trong buổi họp lớp, nói đi qua đi lại trước nhà cô mấy lần mà không dám vào. Sao vậy em? Dạ, em sợ làm cô buồn, em chỉ là một tài xế thôi, không thành đạt như mấy bạn. Em đừng nghĩ vậy, xã hội đâu phải ai cũng như ai, em biết nhớ đến cô vậy là quá tốt rồi.

Các thế hệ học sinh những năm đầu giờ đã trưởng thành, về thăm trường lớp xưa, thầy cô cũ. Có em thổ lộ: Ngày ấy nếu không được quý thầy, quý cô thương yêu thì em đâu được như bây giờ. Theo thầy Hùng, đó là một chia sẻ đơn sơ, giản dị nhưng đong đầy nguyên vẹn một chữ “tình” với tất cả niềm tin yêu, trìu mến của đạo nghĩa thầy trò.

Mong đừng đóng cửa...

Thời đổi mới, nền kinh tế mở cửa, đời sống người dân khá lên, chân dung người thầy cũng dần được định hình và có một chỗ đứng xứng tầm trong xã hội. Đồng tiền đã chen chân vào giáo dục và có lẽ đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến một cách nhìn khác về giáo dục, sự phân hóa giàu nghèo trong giáo giới ngày một rõ hơn và người ta nhắc đến cụm từ “kinh doanh giáo dục” mà không ngần ngại bị cho là xúc phạm nghề giáo.

Nhà giáo Lê Thí từng dạy học qua suốt hai thời “bao cấp” và “đổi mới” ở các trường THPT ngay nội thành Đà Nẵng. So với thời bao cấp, thầy thấy nhà giáo thời đổi mới giàu hơn về kinh tế, đẹp hơn về hình thức nhưng lại bị mặc cảm và dằn vặt về mặt thu nhập, mức sống, bởi họ thấy nhiều người có “đẳng cấp” và “sự cống hiến” như mình (có khi không xuất sắc gì hơn mình) nhưng được vô một số ngành nghề quá “béo bở” nên có thu nhập rất “khủng”.

Việc tặng quà trong ngày 20-11 phần lớn không xuất phát từ tình cảm thực sự mà mang tính hình thức, như thầy Thí phân tích: “Phụ huynh tốn kém quá nhiều cho việc học của con em (học phí, học thêm, các khoản lạm thu...) nên việc học trở thành chuyện “mua bán” hoặc ít ra là “trao đổi”, không còn nặng đạo lý như trước nữa. Một số thầy/cô (một số thôi) cảm nhận được sự không thực lòng của học sinh và phụ huynh, bản thân các thầy/cô giáo này đã “thoát nghèo” nên trước quà tặng nặng vật chất mà nhẹ hẫng tinh thần đó họ cảm thấy bị “xúc phạm”, buồn lòng và có lẽ cả “sự cảm thấy có lỗi” nên tìm cách tránh đi bằng việc đóng cửa, về quê, không tiếp...”.

Trước sự cám dỗ của kim tiền, một số nhà giáo đã đánh mất ý nghĩa thiêng liêng của nghề, để lại cái nhìn không mấy tốt đẹp trong mắt phụ huynh và học sinh. Trước hiện tượng học trò lên “phây” mắng chửi thầy/ cô mình, nhà giáo Nguyễn Hoàng Thọ, nguyên Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi, cho rằng: “Thầy bị trò đưa lên bêu riếu trên mạng là một bi kịch xã hội. Thầy hãy khoan trách trò mà hãy xem lại mình. Người thầy đàng hoàng, tử tế sẽ không bao giờ bị học trò cư xử bi thảm như vậy, trước sau các em vẫn Tuổi thơ con gọi thầy cô/ Bạc đầu con vẫn thưa cô lạy thầy”.

Khi giá trị vật chất tăng dần lên thì giá trị tinh thần dường như giảm xuống. Cái “bi kịch” đó, với nghề giáo, có lẽ diễn ra ở phố nhiều hơn ở quê. Với Hòa Tiến, theo thầy Hùng, phụ huynh những năm gần đây chính là học trò của hơn hai mươi năm trước. Họ, các thế hệ phụ huynh Hòa Tiến ngày nay, đã rất mực kính trọng, yêu thương thầy cô mình trong những ngày khó khăn xưa thì lẽ nào lại nỡ làm tổn thương lòng tự trọng của thầy cô con mình bằng cách “mua khéo” bằng quà cáp?!

Ngày 14-11 này, những người từng đứng trên bục giảng của các trường học trên đất Hòa Tiến hẹn nhau về chốn xưa, hàn huyên chuyện nghề, chuyện đời trong 39 năm qua, như một cuộc “tổng duyệt” để chuẩn bị cho năm 2015, một năm có nhiều ngày lễ lớn của quê hương, đất nước. Hôm đó sẽ có những vần thơ, những câu hát, những lời tự tình… và hơn nữa, mọi người cảm thấy lòng nhẹ tênh bởi nhà mình đã không hề đóng cửa vào ngày 20-11 trong suốt quãng đời đứng trên bục giảng …

VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.