.

Trái tim người thầy

.

Ở đâu đó trong mối quan hệ thầy – trò, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh người thầy, người cô hết lòng vì đàn em thân yêu. Đằng sau cách ứng xử nhân văn và đầy trách nhiệm đó là những câu chuyện cảm động, nhiều yêu thương.

Gần 60 tuổi, thầy Mai Xuân Mùi vẫn thường xuyên mặc áo trắng, khăn quàng đỏ. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Gần 60 tuổi, thầy Mai Xuân Mùi vẫn thường xuyên mặc áo trắng, khăn quàng đỏ. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Gần 60 vẫn áo trắng, khăn quàng đỏ

Những tưởng độ tuổi Đoàn, Đội đã “chia tay” thầy Mai Xuân Mùi, Phó Giám đốc Nhà Thiếu nhi TP. Đà Nẵng từ lâu nhưng thỉnh thoảng, học trò vẫn thấy ông trong trang phục áo xanh, khăn quàng đỏ đứng giữa vòng tròn hướng dẫn thầy, cô phụ trách Đội các động tác múa, hát, sinh hoạt ngoài trời. Gần 60 tuổi, ông vẫn uyển chuyển theo từng động tác tay, chân linh hoạt, xoay chuyển cùng giai điệu, ca từ khi sôi động, khi trầm ấm qua những ca khúc  thiếu nhi của các tác giả Phạm Tuyên, Nguyễn Ngọc Thiện,
Hoàng Long – Hoàng Lân…

Bén duyên với công tác Đội từ cuối những năm 70 của thế kỷ trước, sau khóa học tại Trường Trung học Sư phạm Thanh Khê (cũ), Mai Xuân Mùi được Ban Giám hiệu nhà trường giữ lại dạy múa, bồi dưỡng công tác Đội cho giáo viên các trường tiểu học, trung học cơ sở trên địa bàn tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng. Nghề nghiệp như “chạm” đúng vào năng khiếu và đam mê, ông ra sức rèn luyện kỹ năng, biên đạo nhiều bài hát múa tập thể dành cho học sinh (HS), phổ biến trong nhà trường phổ thông.

Năm 1990, khi đang giảng dạy tại khoa Tiểu học Trường CĐ Sư phạm Hòa Khánh, Ban thường vụ Tỉnh đoàn Quảng Nam mời ông về phụ trách công tác Đội, xây dựng phong trào ca múa nhạc, sinh hoạt truyền thống ngoài trời, dưới cờ cho thanh thiếu nhi toàn tỉnh. Từ đó, những chuyến đi thực tế về địa phương của ông nhiều hơn, có chuyến kéo dài mười ngày, nửa tháng. Mỗi lần đi là mỗi lần trưởng thành, gần hơn và chia sẻ nhiều hơn với HS của mình.

Gần một đời gắn bó với nghề giáo, bằng tình yêu và nhiệt huyết của mình, thầy Mai Xuân Mùi được nhiều thế hệ học trò, cán bộ Đoàn, Đội khắp tỉnh, thành khu vực miền Trung gọi bằng cái tên rất ấm: Bố Mùi. Có lẽ, người đàn ông lập gia đình ở tuổi 40, hiếm muộn đường con cái như thầy Mùi cảm thấy rất hạnh phúc bởi từ “bố” mang lại cho ông nhiều ý nghĩa trong cuộc đời. Ông bảo, “Tôi cảm nhận được sự tôn trọng và tình người trong cách xưng hô của học trò dành cho mình, còn gì vui hơn khi đi đâu
mình cũng có con”.

Dưới con mắt của nghiệp “trồng người”, thầy Mùi đã góp phần định hướng cho nhiều thế hệ học trò trở thành thầy, cô giáo đầy tâm huyết với nghề như trường hợp của thầy Trần Gia Tín, hiện là Hiệu trưởng Trường Chuyên biệt Hy vọng Quy Nhơn là một ví dụ. Dạo ấy, học xong lớp 12, Tín xin làm công nhân tại cảng Đà Nẵng.

Trong lần xem văn nghệ bên bờ sông Hàn, Tín may mắn đứng cạnh thầy Mùi và sau vài ba câu trò chuyện, ông thấy Tín có “ngoại hình, hát hay, giọng nói hiền hòa rất hợp với nghiệp làm thầy” nên hướng dẫn làm hồ sơ nộp vào học tại Trường Trung cấp Sư phạm Thanh Khê. Sau 2 năm, Tín ra trường xin về giảng dạy tại trường tiểu học rồi theo gia đình về quê vợ Quy Nhơn sinh sống, dạy học. Học trò của Tín bây giờ là những em bại não, thiểu năng trí tuệ, tự kỷ…, nếu không có tình yêu thương con trẻ vô bờ bến thì khó trụ lại với nghề.

Gần về hưu, ông tự nhận mình là “thiếu nhi già” khi ngày ngày đến Nhà Thiếu nhi làm việc, nghe bài hát thiếu nhi rồi luyện tập, làm biên đạo múa. Nhiều đồng nghiệp của ông nhận xét, dù ở tuổi xưa nay hiếm trong công tác Đội, nhưng thầy Mùi vẫn giữ vững vị trí anh cả trong phong trào Hội đồng Đội thành phố, góp phần tích cực vào việc xây dựng trường học tích cực, HS thân thiện theo chủ trương của Bộ Giáo dục & Đào tạo.

Tâm thư của thầy Sơn đã giúp học trò nghèo có thêm chăn, áo ấm vào mùa đông. Ảnh: HUỲNH TẤN THƯỞNG
Tâm thư của thầy Sơn đã giúp học trò nghèo có thêm chăn, áo ấm vào mùa đông. Ảnh: HUỲNH TẤN THƯỞNG

Yêu thương hơn cả tấm lòng

Trong môi trường giáo dục hiện nay, ở trường nào, lớp nào cũng có vài HS được xếp vào diện “HS cá biệt”. Tuy nhiên không thể cảm hóa HS hư bằng nguyên tắc cứng nhắc, cố phân thắng – thua hoặc phản ứng tức thời theo cảm xúc. Bởi như vậy các em có thể làm theo nhưng dễ nảy sinh tư tưởng chống đối ngầm, không tự nguyện. Ngược lại, khi thầy đến với trò bằng sự yêu thương, gần gũi, biết lắng nghe và giúp các em thấy mình đang được tôn trọng, chia sẻ, các em sẽ thay đổi.

Cô giáo Trần Thị Huệ, công tác tại Trung tâm GDTX, Kỹ thuật tổng hợp - Hướng nghiệp và Dạy nghề quận Sơn Trà là người có nhiều kinh nghiệm trong việc cảm hóa HS. Nói về trường hợp N.N.H.L (lớp 11/2), cô Huệ cho biết: Khi đang học lớp 10 tại Trường PTDL Hermann Gmeiner (quận Ngũ Hành Sơn), vì ngỗ nghịch và không chuyên cần, em bị nhà trường cho thôi học. Thương con, chờ năm học mới, ba mẹ L. chủ động xin cho con được học lại lớp 10 nhưng L. vẫn chứng nào tật nấy, kết thúc học kỳ 1, L. tiếp tục bị trường đuổi.

Lo con nghỉ học giữa chừng ảnh hưởng đến tương lai, ba mẹ L. tìm đến Trung tâm GDTX quận Sơn Trà xin cho L. tiếp tục học lại lớp 10. Tại đây, bằng tình thương và sự quan tâm đặc biệt của thầy cô, L. dần có sự tiến bộ trong học tập và cách ứng xử với mọi người xung quanh. Cuối năm học, L. đạt HS tiên tiến, được thầy cô cho giữ vị trí lớp trưởng đầu năm lớp 11. Để thay đổi và giúp đỡ L., cô Huệ đọc rất kỹ sơ yếu lý lịch, cố gắng làm quen một số bạn của L. để hiểu thêm tính cách và con người em, thường xuyên điện thoại liên lạc với ba mẹ L…  “Thời gian đầu, chào cờ đầu tuần nào L. cũng bị nhắc nhở, khiển trách nhưng sang kỳ 2 em có sự tiến bộ vượt bậc, được nhà trường khen thưởng dịp bế giảng năm học 2013 – 2014. Sự thay đổi của L. là niềm vui của người thầy, người cô như chúng tôi”, cô Huệ chia sẻ.

Trong bài viết này, tôi xin kể thêm một câu chuyện khác về tình yêu của một người thầy dành cho học trò nghèo. Chuyện rằng, cuối tháng 8 vừa qua, thầy giáo Phạm Duy Sơn, Hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc bán trú THCS Ngọc Tem, xã Ngọc Tem, huyện Konplông, tỉnh Kontum đã gửi lá thư kêu gọi giúp đỡ HS đến nhóm ACE Thiện Văn tại Đà Nẵng.

Trong thư có đoạn: “Năm học 2014 – 2015, trường có 206 HS, hầu hết là người dân tộc thiểu số Cadong có hoàn cảnh khó khăn, nhiều hộ không có tiền mua sách vở. Bên cạnh đó, các vật dụng phục vụ sinh hoạt như chăn, chiếu, màng và các nhu yếu phẩm như cá khô, mì chính, dầu ăn cho các em thiếu hụt dẫn đến bữa ăn không đủ chất. Trường THCS Ngọc Tem rất mong nhận được sự chia sẻ, giúp đỡ để các em có đủ sách vở và các vật dụng cần thiết phục vụ học tập trong dịp Lễ khai giảng năm học mới 2014 – 2015”.

Sau khi nhận tâm thư, nhóm ACE Thiện Văn đã vận động và thực hiện chuyến từ thiện lên Ngọc Tem, mang theo quần áo, chăn ấm, khăn mặt, vở, dụng cụ nhà ăn, hàng nhu yếu phẩm, thực phẩm phục vụ bếp ăn bán trú với tổng trị giá khoảng 30 triệu đồng. Đặc biệt hơn, trong đoàn đi xuất phát từ Đà Nẵng, có nhiều nhà giáo, có người đang công tác, có người đã về hưu.

Bên cạnh những tấm lòng của thầy Mùi hay cô giáo Huệ thì lá thư ý nghĩa của thầy Sơn góp phần mang lại cho HS thêm ít sách vở, quần áo, giá trị vật chất có thể không nhiều nhưng giá trị tinh thần lại vô cùng lớn. Chắc chắn sau câu chuyện này, các em sẽ có thêm một kỷ niệm đẹp trong đời, sẽ ý thức hơn trong việc học và sẽ nỗ lực bám trường, bám lớp giữa cuộc sống còn nhiều khó khăn.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.