.

Những người giữ "lửa" dân ca

.

Đến giờ hẹn, một người đàn ông trung niên mặc bộ áo quần sờn cũ tất tả rời khỏi xe nước mía trong chợ, niềm nở tiếp chuyện người viết. Ông say sưa kể những câu chuyện ca hát suốt mấy chục năm qua. Phút chốc, người đàn ông bán nước mía lam lũ, nơi chợ quê như “lột xác”, trở thành một nghệ sĩ thực thụ, với ánh mắt lấp lánh cháy bỏng đam mê.

Gặp mặt, tôn vinh các nghệ nhân ưu tú.(Ảnh do Phòng VH-TT huyện Hòa Vang cung cấp)
Gặp mặt, tôn vinh các nghệ nhân ưu tú.(Ảnh do Phòng VH-TT huyện Hòa Vang cung cấp)

Ông là nghệ nhân Lê Văn Dân (tên gọi khác: Thế Dân, trú thôn Túy Loan Đông 1, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang), một trong 5 nghệ nhân ưu tú (NNƯT) của huyện Hòa Vang, vừa được Nhà nước vinh danh đầu năm nay.

Tiếng hát từ tấm lòng

Ngoài nghệ nhân Lê Văn Dân, 4 nghệ nhân khác ở huyện Hòa Vang cũng được phong danh hiệu NNƯT trong đợt này là: Đỗ Hữu Quế (trú thôn Dương Lâm 1, xã Hòa Phong), Hồ Thanh Châu (thôn Tân Ninh, xã Hòa Liên), Phạm Hồng Thái (thôn Dương Lâm II, xã Hòa Phong) và Võ Thị Ninh (thôn Quan Nam 5, xã Hòa Liên). Mỗi người vào nghề với một năng khiếu, sở trường khác nhau (diễn viên ca kịch, nhạc công…), song điểm chung các nghệ nhân vừa được phong danh hiệu lần này là đều đến với dân ca bằng khả năng trời phú và niềm đam mê đặc biệt.

Từ những năm sau giải phóng, đến thời kỳ hợp tác xã, những năm đầu đổi mới cho đến nay, họ là thành viên nòng cốt trong các đội tuyên truyền, phong trào ca hát, văn nghệ quần chúng, đặc biệt là dân ca tại địa phương. Họ cũng là những người trực tiếp truyền dạy cho các thế hệ trẻ tại địa phương qua nhiều phong trào tự phát hoặc có tổ chức như các lớp tập huấn nghiệp vụ, “Đưa dân ca vào trường học” của huyện Hòa Vang.

Theo nghệ nhân Lê Văn Dân, những năm 80 thế kỷ trước phong trào ca hát ở huyện Hòa Vang nói riêng, Quảng Nam-Đà Nẵng nói chung rất mạnh. Khi đó, 16 xã thuộc huyện Hòa Vang bấy giờ đều có các đội thông tin lưu động về tận các thôn biểu diễn văn nghệ, ca hát mừng lúa mới, lễ ra quân, chuyển quân… Và điều đặc biệt, các diễn viên, nhạc công khi đó, chỉ “diễn chay”,  không một đồng thù lao, nhưng vẫn “cảm thấy vui và vinh dự vô cùng!”.

Có tuổi đời cũng như kinh nghiệm ca hát dày dặn nhất trong số các nghệ nhân vừa được vinh danh, nghệ nhân Đỗ Hữu Quế - Chủ nhiệm CLB Bài chòi Sông Yên cho rằng, chỉ có tấm lòng và sự say mê mới đủ thôi thúc các “nghệ sĩ dân gian” như ông “giữ lửa” dân ca cho mảnh đất này suốt mấy chục năm qua. Từ khi thành lập đến nay, thu nhập của các thành viên trong Câu lạc bộ Bài chòi Sông Yên được cải thiện nhiều.

Song, “chưa bao giờ chúng tôi nghĩ nghiệp ca hát này có thể nuôi sống bản thân và gia đình”, nghệ nhân Đỗ Hữu Quế nói. Để có thể sống và hát, nghệ nhân Hữu Quế đã từng không từ một nghề nào có thể kiếm tiền chân chính: từ buôn bán đến dẫn chương trình, thậm chí đi bán kem. Hay như “thú nhận” của nghệ nhân Thế Dân, thu nhập chính của gia đình ông hơn hai mươi năm nay là nhờ vào gánh bánh xèo, bánh gói của vợ và xe nước mía của bản thân.

Nhạc công dân ca Phạm Hồng Thái, “anh Hiệu” Hồ Thanh Châu, “chị Hiệu” Võ Thị Ninh để có thể cất cao tiếng hát nơi sân khấu đều phải bươn chải bằng nhiều nghề nghiệp khác nhau để kiếm sống.

Theo chị Nguyễn Thị Lệ, cán bộ Trung tâm Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang, chính các nghệ nhân đã gieo trong chị tình yêu dân ca và đam mê công tác văn nghệ quần chúng hơn 10 năm nay. “Mỗi cô, chú có sở trường riêng và tôi may mắn được học cả 5 người. Nhờ vậy, càng ngày tôi càng nhận thấy thật nhiều màu sắc, nhiều vẻ đẹp của dân ca quê mình.

Điều đáng quý là, hễ khi nào Trung tâm cần, phong trào cần, các em học sinh cần thì các cô chú lập tức có mặt, dù đường xa, đêm tối, tuổi cao”, chị Lệ xúc động chia sẻ. Cũng theo chị Lệ, trên địa bàn huyện Hòa Vang bây giờ, có khá nhiều người có khả năng hát dân ca, nhưng kỹ năng truyền dạy như ông Quế, ông Thái, ông Dân, ông Châu, bà Ninh thì rất hiếm. Tuy nhiên, hiện nay ngoài thù lao trực tiếp từ việc biểu diễn hoặc truyền dạy, các nghệ nhân không có chế độ, trợ cấp thường xuyên.

Mảnh đất của bài chòi

Điều đáng nói, cả 5 nghệ nhân của huyện Hòa Vang vừa được vinh danh đều được ghi nhận là những người đang nắm giữ, truyền dạy, phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể bài chòi. Dù bên cạnh bài chòi, họ là những bậc thầy về nghệ thuật trình diễn dân gian, có thể thuộc và hô hát các làn điệu dân ca Khu 5, trình diễn sân khấu kịch và kịch dân ca… Phải chăng, Hòa Vang là mảnh đất của dân ca bài chòi? Hay trong tất cả các loại hình dân ca Khu 5, thì bài chòi có giá trị và sức hút khác biệt, nổi trội?

Theo một số tài liệu, bài chòi xuất hiện ở miền Trung từ khoảng thế kỷ XV, song không ai biết chính xác bài chòi phát triển ở Đà Nẵng từ khi nào, chỉ biết từ những năm 80 thế kỷ XX, loại hình dân ca này đã phát triển rầm rộ cùng các loại hình dân ca khác.

Riêng ở Hòa Vang, vào những năm 90, lúc cao điểm, toàn huyện có đến 30 đội dân ca bài chòi. Cho đến ngày nay, trong 8 đội, câu lạc bộ bài chòi của toàn thành phố thì có đến 4 đội thuộc huyện Hòa Vang, gồm: đội bài chòi Hòa Khương, Hòa Bắc, CLB dân ca xã Hòa Liên và CLB Bài chòi Sông Yên (thuộc Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Hòa Vang).

Ngày còn nhỏ, các nghệ nhân như Hữu Quế, Thế Dân thường nghe các bà, các cô hát bài chòi chỉ với một điệu Xuân nữ, sau phát triển lên thành 4 làn điệu cho đến bây giờ là: Xuân nữ (diễn tả cảm xúc buồn), Hò Quảng (vui nhộn), Xàng xê (nóng nảy, căm giận), Cổ bản (thâm sâu).

Vì 4 làn điệu này diễn tả một cách cô đọng, đầy đủ nhất các cung bậc cảm xúc của con người nên nó có mặt ở hầu hết các vở diễn, kịch dân ca từ xưa đến nay. Các điệu lý, điệu hò khác trong dân ca Khu 5 nói chung vì những đặc thù và yêu cầu kịch bản chỉ có thể xuất hiện lúc này hoặc lúc khác, còn 4 làn điệu bài chòi thì bất di bất dịch ở các sân khấu dân ca lớn nhỏ. Theo các nghệ nhân, đó chính là một trong những lý do căn bản khiến bài chòi, qua bao thăng trầm, vẫn đầy sức sống cho đến ngày nay.

Không chỉ dừng lại ở giai điệu, bài chòi còn cuốn hút các tầng lớp nhân dân từ xưa đến nay bởi nội dung ca từ mộc mạc, bình dị nhưng không kém phần sâu sắc, đặc biệt yếu tố hài hước gần như là yêu cầu bắt buộc.  

Thời gian gần đây, bài chòi tiếp tục “làm mới” mình bởi việc lồng ghép các nội dung tuyên truyền về lối sống văn minh, phê phán các hủ tục, tệ nạn xã hội như: “Cờ bạc là bác thằng bần/ Tan nhà nát cửa ra thân ăn mày/ Đến sòng cờ bạc mà coi/ Kẻ thắng thì hí hố người thua âu sầu/ Kẻ sinh nói láo nói bừa/ Người ngồi khoanh tay rế bần ơi là bần… Ới bà con ơi, cái con xa rế, xa rế nó ra rồi…”.

Theo nghệ nhận Đỗ Hữu Quế, để viết được lời mới cho một thẻ cờ, anh em CLB Bài chòi Sông Yên phải nghĩ đến “bạc tóc”. Hiện, cách thức phổ biến được CLB áp dụng vẫn từ việc lượm lặt các câu ca dao, tục ngữ, rồi tìm cách cải biên, lồng ghép phù hợp. Thiếu người viết kịch bản bài chòi mới, thiếu những công trình nghiên cứu bài chòi bài bản chính là một trong những nỗi trăn trở của các nghệ nhân trong công tác trao truyền, phát huy giá trị văn hóa phi vật thể quý giá này.

Nghị định số 62/2014/NĐ-CP quy định các tiêu chuẩn bắt buộc xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân ưu tú” cho cá nhân trong lĩnh vực văn hóa phi vật thể: Có tài năng nghề nghiệp đặc biệt xuất sắc, có cống hiến to lớn, tiêu biểu cho sự nghiệp bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể của địa phương, thể hiện ở việc nắm giữ kỹ năng, bí quyết thực hành di sản văn hóa phi vật thể, có thành tích, giải thưởng, sản phẩm tinh thần hoặc vật chất có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học, nghệ thuật, thẩm mỹ, kỹ thuật; có thời gian hoạt động trong nghề từ 15 năm trở lên.

THANH TÂN

;
.
.
.
.
.