.

Cho và nhận lại

.

Sống trong đời sống cần có một tấm lòng. Để làm gì em biết không? Để gió cuốn đi, để gió cuốn đi… Đoạn nhạc chờ trong điện thoại chưa dứt, đã nghe bên kia có giọng trầm ấm của một phụ nữ. Chị tự giới thiệu là nghệ sĩ Kim Sinh, Chủ nhiệm CLB Từ thiện “Nốt nhạc Yêu thương”. Có người cho rằng, nhạc chờ điện thoại của ai thế nào thì tâm tính người đó cũng thế ấy. Liệu người phụ nữ đứng đầu nhóm người hoạt động từ thiện có tên gọi liên quan đến tình yêu âm nhạc này có như thế không?

Nhóm Thiện nguyện Từ Tâm tặng quà người dân huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Nhóm Thiện nguyện Từ Tâm tặng quà người dân huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Sẻ chia tình thương

Kim Sinh tên thật là Nguyễn Thị Sinh, từng là tay trống của Đoàn ca kịch Quảng Nam. Nghỉ hưu, chị nay vừa là nhạc công đàn ghi-ta, vừa cho thuê âm thanh, ánh sáng phục vụ hội nghị, đám tiệc. Trên đường mưu sinh của mình, chị gặp biết bao mảnh đời khó khăn, bất hạnh…

Với khả năng và nghề nghiệp của mình, chị đứng ra vận động thành lập CLB Từ thiện “Nốt nhạc Yêu thương”, kêu gọi bạn bè thân hữu, những người có cùng chí hướng làm việc thiện, khơi dậy tinh thần vì cộng đồng của mọi người.

Ngày 1-1-2015, CLB chính thức ra đời với phương châm “Sẻ chia tình thương cho người là mang lại niềm vui cho mình”, tập hợp gần 40 thành viên (hầu hết là nữ) có lòng hướng thiện, tình nguyện làm nhịp cầu chuyển tải tình thương và sự giúp đỡ của mọi người đến với những địa chỉ khó khăn cần được giúp đỡ.

Để có kinh phí cho hoạt động thiện nguyện, chị tổ chức các chương trình ca nhạc, hát giao lưu, khiêu vũ… tại Da Nang By Night Café (số 627 Nguyễn Tất Thành, quận Thanh Khê, Đà Nẵng) với mức giá cao nhất cũng chỉ 100.000 đồng/vé để mọi người có thể tham gia chương trình ủng hộ gây quỹ từ thiện. Mỗi vé trừ tất cả chi phí (mặt bằng, phục vụ, in vé, pa-nô, áp-phích…) còn được “lãi” khoảng từ 20.000 - 30.000 đồng.

Mỗi chương trình ca nhạc khoảng 150 vé thì chị phải chạy ngược chạy xuôi bán hơn 100 vé nhờ vào mối quan hệ của mình. Mỗi chương trình còn “lãi” thêm được gần 2 triệu đồng, đó là tiền chị ủng hộ dàn âm thanh và tiền công chơi ghi-ta của chính mình.

CLB chỉ mới thành lập, nhưng đã có nhiều kỷ niệm khó quên. Chị Trần Thị Ngọc Lan, Phó chủ nhiệm phụ trách truyền thông của CLB, cho biết, vui nhất, chan chứa tình người nhất là chương trình trao quà Tết Bính Thân vừa rồi cho 225 người tàn tật bán vé số dạo tại Trung tâm Thể dục thể thao người lớn tuổi Đà Nẵng, số 5 Lý Tự Trọng.

Hôm đó, các chị có mặt từ 5 giờ 30 sáng, chờ xe đến để bốc xếp gạo, mì tôm, dầu ăn xuống; tất cả 225 suất, mỗi suất trị giá 200.000 đồng. Chị Sinh lo chở dàn âm thanh, thử máy móc các loại chuẩn bị cho buổi hát giao lưu và tặng quà. Trong tiếng đàn ghi-ta của chị, tiếng hát từ trái tim của những cảnh đời không may mắn được cất lên.

Nhiều người hát rất hay, chia sẻ rằng chưa bao giờ được hát một cách tự tin, trọng thị đến thế. Rất tiếc, thời gian có hạn nên tất cả các “ca sĩ” đã đăng ký trong danh sách không thể lên sân khấu…

Một chị bán vé số say sưa ca hát tại buổi trao quà Tết Bính Thân do CLB Từ thiện  “Nốt nhạc Yêu thương” tổ chức. (Ảnh do đơn vị cung cấp)
Một chị bán vé số say sưa ca hát tại buổi trao quà Tết Bính Thân do CLB Từ thiện “Nốt nhạc Yêu thương” tổ chức. (Ảnh do đơn vị cung cấp)

Gieo duyên thiện cho cộng đồng

“Già” hơn CLB Từ thiện “Nốt nhạc Yêu thương” 6 tuổi là nhóm Thiện nguyện Từ Tâm do chị Nguyễn Thị Dân, một công chức ở Đà Nẵng làm trưởng nhóm. “Tác phẩm đầu tay” của Từ Tâm là “Nồi cháo tình thương” được thực hiện thường xuyên tại Bệnh viện Đà Nẵng vào năm 2009, sau đó là Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng.

Tiếng lành đồn xa, dần dà “Nồi cháo tình thương” không dừng lại ở một số cá nhân phát tâm thiện nguyện, mà qua mạng xã hội như Facebook, đã lan tỏa rộng lớn hơn, cả trong và ngoài nước. Đà Nẵng có khá nhiều nhóm thiện nguyện hoạt động, nên Từ Tâm, với sự đóng góp của cộng đồng, đã quyết định đi đến những nơi xa hơn, cần hơn. Hiện nay, mỗi sáng chủ nhật, nhóm lại có mặt tại Bệnh viện Đa khoa khu vực miền núi phía Bắc Quảng Nam (đóng tại thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc) để cấp phát cho bệnh nhân 3 thùng cháo, 8 thùng sữa và 600 ổ bánh mì.  

7 năm qua, các chị đã đến nhiều nơi ở Đà Nẵng, Quảng Nam, Huế... Chuyến đi vất vả, để lại nhiều kỷ niệm nhất là đến huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam, nhằm thực hiện chương trình “Áo ấm mùa đông 2014”. Sau 2 lần trì hoãn vì thời tiết xấu, lần thứ ba đoàn mới lên được tới nơi, trao tận tay 600 cụ già nghèo khó, neo đơn tại 6 xã vùng cao của huyện 600 suất quà gồm áo ấm, chăn mền, gạo và quà Tết, mỗi suất trị giá 500.000 đồng.

Trong chuyến đi xuyên rừng, lội suối với trị giá quà tặng lên tới 300 triệu đồng này, có sự tham gia 3 cụ già từ 76 đến 86 tuổi là cha mẹ của các thành viên trong nhóm. “Gần 30 người xuất phát ở Đà Nẵng từ 3 giờ 30 sáng, sau chuyến đi vô cùng vất vả nhưng đầy cảm xúc, đến gần 2 giờ sáng hôm sau đoàn mới về tới nơi an toàn. Chuyến đi lịch sử này đã để lại trong lòng mỗi người nhiều cảm xúc khó quên”, chị Dân chia sẻ.

Cô giáo Oanh Trần từ những năm 80 thế kỷ trước đã “gánh” từng con chữ bằng tuổi xuân của mình lên vùng núi non hiểm trở này, giờ quay lại trường xưa với bao bồi hồi, thương cảm. Cụ Cẩm Vân đã gần bát tuần, nhưng dù nắng mưa, dù xa xôi cách trở, vẫn lên đường làm từ thiện để nêu gương cho lớp trẻ. Ngoài việc đóng góp tài lực, bằng lòng hướng thiện của mình, cụ đã gieo duyên lành cho nhiều người khác để cùng mở lòng nhân ái sẻ chia những bất hạnh của cuộc đời này.

Cần có một tấm lòng…

Các bệnh viện, trung tâm xã hội, các xã vùng sâu vùng xa ở Đà Nẵng và Quảng Nam đều có dấu chân của những người phụ nữ có tâm từ thiện. Chi hội từ thiện Thanh Tâm do chị Lê Thị Mơ, tổ 37A, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, năm 2014 đã tổ chức chuyến từ thiện tặng 400 suất quà Tết, mỗi suất trị giá 500.000 đồng cho bà con xã Dang (huyện Tây Giang).

Người đảng viên này rất có uy tín với cộng đồng, chỉ tính 5 năm qua (2011 - 2015), chị đã vận động được một nguồn tiền, hàng từ thiện lên đến 1,177 tỷ đồng, trong đó nhiều nhất là năm 2013 với gần 562 triệu đồng.

Ở Đà Nẵng, hầu hết các chị khi làm từ thiện đều gửi gắm tấm lòng của mình vào tên gọi của nhóm: Nốt nhạc Yêu thương, Từ Tâm, Thanh Tâm, ACE Thiện Văn… Người viết từng tham gia một số hoạt động của nhóm thiện nguyện Chung Lòng, do chị Trần Thị Ngân, nguyên cán bộ phụ trách Thư viện Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng) phụ trách.

Đúng như tên gọi của nhóm, các chị chung góp tùy lòng hảo tâm, cũng như các nhóm khác, qua giới thiệu của cộng tác viên, các chị cử người đi tiền trạm khảo sát thực tế, sau đó tiến hành công tác từ thiện.

Chị Nguyễn Thị Kim Liên, Giám đốc Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển có ông nội là nhà nho, cha là nhà giáo. Từ bé, chị đã được ông dạy rằng “Ăn ở có đức, mặc sức mà ăn. Người có tâm tốt thì sẽ tạo ra xã hội tốt”. Chị được cha đưa đi nhiều nơi làm việc thiện. Đến phiên mình, chị cũng dạy con theo hướng đó.

Con chị tham gia phát cháo từ thiện cho bệnh nhân Bệnh viện Đà Nẵng, nhiều lần đến nỗi các cô y tá, điều dưỡng ở đó nhẵn mặt. Ngày nọ, con chị bị tai nạn giao thông dập bàn chân, được đưa đi cấp cứu, y tá không biết con cái nhà ai, chỉ biết đó là “người đi phát cháo tình thương” và tận tình cứu chữa. Chị lúc đó đang công tác ở xa, về tới bệnh viện thì mọi việc đã ổn định đâu vào đó. Chị nói với con: Đây là bài học đầu đời dành cho con về sự cho đi và sự nhận lại.

Tối 24-5 vừa rồi, CLB Nốt nhạc Yêu thương tiếp tục “cho đi” tiếng đàn, giọng hát tại Da Nang By Night Café và “nhận lại” từ khán giả những phần quà để từ đó các chị lại “cho đi” tới Bệnh viện Phụ sản – Nhi Đà Nẵng với khoảng 50 trẻ em mắc bệnh hiểm nghèo đang điều trị tại Khoa Huyết học. Cũng như nhiều lần khác, những gì các chị “nhận lại” từ hoạt động nhân Ngày Quốc tế Thiếu nhi 1-6 này sẽ giúp các chị vững tin vào những điều tốt đẹp, thiện lành của mỗi con người: Sống trong đời sống, cần có một tấm lòng…

Có thể trong một vài khoảnh khắc bất chợt nào đó ta vô tình va chạm với nhau trong cuộc sống, nhưng cuối cùng, nếu ta thực tâm cho đi thì thế nào cũng được nhận lại một món quà có cùng giá trị: một tấm lòng.

 Ghi chép của VĂN THÀNH LÊ

;
.
.
.
.
.