.

Lan tỏa trong giới trẻ

.

Người ta nói: trẻ người non dạ. Nhưng với công tác từ thiện, nhiều bạn trẻ làm việc rất chuyên nghiệp, kêu gọi mạnh thường quân giúp đỡ người hoạn nạn, người nghèo với nhiều chương trình có ý nghĩa lớn. Và kéo dài suốt nhiều năm, những câu lạc bộ (CLB) như “Bạn thương nhau”, “Ánh sáng tình nguyện”, “Tiếp sức vùng cao”… triển khai nhiều hoạt động có ích, có ý nghĩa cho cộng đồng.

Một chương trình “Én nhỏ ấm vùng cao” của CLB Bạn thương nhau. (Ảnh do Bình Nam cung cấp)
Một chương trình “Én nhỏ ấm vùng cao” của CLB Bạn thương nhau. (Ảnh do Bình Nam cung cấp)

Mạng ảo, nhưng tình người là thật

Tháng 4-2010, CLB “Bạn thương nhau” ra đời, gắn kết tình thân của các bạn đoàn viên thanh niên thuộc Đoàn khối Doanh nghiệp thành phố Đà Nẵng, với mục đích góp một phần sức trẻ của mình vào công tác xã hội, công tác thiện nguyện, nhằm giúp cho những hoàn cảnh không được may mắn và còn nhiều khó khăn trong cuộc sống. Cuối tháng 5 năm đó, “Vòng tay nhân ái” - chương trình đầu tiên CLB tổ chức, các bạn đến thăm, tặng quà ở Trung tâm Bảo trợ xã hội Đà Nẵng.

Cứ thế, mỗi năm CLB thực hiện ít nhất 3 chương trình lớn, trị giá từ 60 đến hàng trăm triệu đồng. Nguyễn Bình Nam, Chủ nhiệm CLB “Bạn thương nhau” cho biết, những hoạt động của CLB lan tỏa và nhận được sự đồng cảm, chung tay của bạn bè khắp nơi. Có lẽ từ tôn chỉ mà Nam đưa ra: “Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình”, “Đi thật xa - Nơi thật khó - Đến tận nơi - Trao tận tay”, và những chuyến đi khảo sát, những việc làm được các bạn đều công khai trên mạng xã hội, nên bạn bè trên cộng đồng Facebook hiểu những việc ý nghĩa các bạn đang làm, đã góp thêm một lời kêu gọi về sự sẻ chia. Nam bảo rằng “mạng thì ảo nhưng tình người là có thật”, khi mỗi người cùng góp một phần nho nhỏ, thì các bạn nhỏ ở những vùng núi xa xôi, còn chưa được may mắn và đầy đủ như cuộc sống thị thành, được ấm lòng hơn.

Sau những chuyến đi ra đến Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh, vòng về Quảng Nam, Quảng Ngãi, chương trình “Én nhỏ ấm vùng cao” được Bình Nam và các bạn trong CLB khởi động, chuyển hướng đến những đứa trẻ vùng cao. Tháng 4-2013, các bạn khởi công xây dựng phòng học tại điểm trường Nước Ui tại xã miền núi Trà Mai, huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam với kinh phí lên đến hơn 222 triệu đồng.

Tháng 5-2014, phòng học nội trú và chương trình “Bữa ăn miền núi” dành cho trường tiểu học và THCS Trà Khê, huyện Tây Trà, Quảng Ngãi được thực hiện, kinh phí hơn 300 triệu đồng. Tháng 4-2015, điểm trường Tăk Rân, xã Trà Cang, Nam Trà My, Quảng Nam được khởi công với tổng kinh phí trên 555 triệu đồng. Bên cạnh đó, những chương trình “Én nhỏ ấm vùng cao” liên tục được thực hiện qua các năm…

Nếu nhìn những bức ảnh về các điểm trường, nỗi khó khăn thiếu thốn mà các em học sinh vùng núi cao đang sống, cộng với những dòng chia sẻ rất chân thành của Bình Nam trên trang Facebook cá nhân, mới hiểu vì sao nhiều người cùng chung tay với Nam trong việc giúp đỡ cộng đồng. Và cũng bởi tiêu chí “Đến tận nơi-Trao tận tay” mà cộng đồng mạng xã hội hiểu rằng Nam đang cùng mọi người đưa món quà của mình đến nơi cần đến, để cuộc sống vơi bớt nỗi nhọc nhằn, nụ cười bừng sáng trên khuôn mặt các em nhỏ.

Cùng đến với các em nhỏ, đồng bào vùng cao, CLB “Tiếp sức vùng cao” do anh Lê Long Phi làm chủ nhiệm mới kỷ niệm 1 năm thành lập. CLB quy tụ những anh chị em làm trong ngành du lịch, dịch vụ. Mỗi năm các anh làm khoảng 3 chương trình lớn, gồm tặng quà cho người nghèo và các em học sinh; trong đoàn còn có những anh biết cắt tóc, làm thợ mộc để cắt tóc cho các em, sửa chữa bàn ghế, giường của khu nội trú bị hư hỏng.

Còn ở phố thì cứ 2 tuần một lần, CLB duy trì “Nồi cháo tình thương” ở Bệnh viện Mắt và Bệnh viện Phụ sản-Nhi. Anh Phi cho biết, “Tiếp sức vùng cao” tập hợp 80 thành viên làm trong ngành du lịch, nên mỗi chuyến đi của các anh còn là một lần khám phá các điểm đến ở miền núi. Các anh làm công tác quảng bá, giới thiệu vùng đất mới hoang sơ ấy, với mong muốn chính quyền đầu tư đường sá, và các nhà đầu tư bỏ vốn vào để khai thác điểm đến, biến nơi đó thành điểm du lịch hấp dẫn, mong ước cuộc sống của bà con nhờ đó được thay đổi.

Thiện nguyện và nhận về hạnh phúc

Tất cả các công ty thành viên của Tập đoàn FPT đều có một CLB từ thiện. Và còn có chung một ngày thiện nguyện mang tên “FPT vì cộng đồng” được ấn định vào ngày 13-3 hằng năm. Bạn Ông Xuân Vũ, thủ lĩnh CLB “Ánh sáng tình nguyện” thuộc Công ty FPT Software Đà Nẵng cho biết, mỗi tháng các bạn có một chương trình nhỏ; chương trình lớn thì 2-3 tháng được tổ chức một lần. Các chương trình nhỏ trong thành phố thì chủ yếu đến thăm, tổ chức các trò chơi giao lưu với các em nhỏ ở các trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi; dọn vệ sinh nơi ở của các em.

Trong các chương trình lớn thì các bạn thực hiện trao tủ sách, tặng máy vi tính cho các điểm trường ở miền núi, vùng khó khăn. Quà tặng cho các em ngoài quần áo ấm, chăn mền, nhu yếu phẩm; các thành viên CLB còn làm cho các em những khu vui chơi làm từ lốp xe cũ, hoặc xích đu, bập bênh, vòng quay... Ở các khu vực gần  như vùng biển, nông thôn, Xuân Vũ và 25 thành viên thường trực của CLB tổ chức dạy Tin học trong 3 tháng hè cho học sinh… Những chuyến thiện nguyện về các vùng quê nghèo đang đầy thêm với hơn 30 chuyến đi về Quảng Nam, Huế…

Từ khi tiếp nhận chức thủ lĩnh CLB năm 2013 đến nay, Xuân Vũ còn tổ chức thêm nhiều hoạt động gây quỹ như bán hoa theo đơn đặt hàng, tổ chức bán vé trò chơi trúng thưởng như ném lon, phi tiêu, kinh doanh ẩm thực, bán vật phẩm trong các ngày hội của FPT, mỗi năm gây quỹ được khoảng 40 triệu đồng. Công ty FPT Software của Vũ có khoảng 1.000 nhân viên, nên khi các bạn tổ chức những chương trình lớn, luôn có thêm khoảng 30-50 tình nguyện viên tham gia.

Toàn bộ nhân viên Công ty FPT Telecom Đà Nẵng gồm 130 thành viên, do một bạn trẻ cùng tên Xuân Vũ làm thủ lĩnh không có tên CLB, nhưng không hề gì vì những lần lên đường, màu áo cam đồng phục công ty sẽ “thay lời muốn nói”. Nguyễn Xuân Vũ cho biết, suốt 7 năm hoạt động, là cũng chừng đó thời gian các bạn lên kế hoạch, tổ chức rất nhiều chương trình thiện nguyện, ở thành phố, nông thôn, ở miền núi hẻo lánh… rất nhiều nơi các bạn đặt chân đến, mang đến những món quà mà người dân, các em học sinh cần, và thấy món quà mình mang đến có nhiều ý nghĩa.

Thiện nguyện là một công việc ý nghĩa, được những bạn trẻ nuôi dưỡng, thực hiện qua từng năm tháng. Mẫu số chung mà các bạn trẻ ở các CLB cùng hướng đến, đó là sự đóng góp sức, sẻ chia để giúp đỡ cộng đồng. Khi mỗi chuyến đi được thực hiện, những bạn trẻ ở phố được thấy các em học sinh lấp lánh nụ cười với những món quà nhỏ hay nô đùa ở các khu vui chơi, lớp học do các anh chị tạo dựng, là những niềm vui được nhân đôi, nhân ba. Đem sự sẻ chia đến với cộng đồng, các bạn trẻ còn nhận thêm hạnh phúc, đó là liều thuốc để những chuyến đi dù rất vất vả nhưng luôn để lại nụ cười và sẽ trở thành niềm tin, động lực cho các bạn ở những chương trình tiếp theo.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.