.

Mạnh mẽ lối về

.

Mang quá khứ lỗi lầm, không ít người sau khi chấp hành xong án phạt tù, đã buông bỏ tương lai “trở về con đường cũ”. Trong khi đó, nhiều người khác lại trở thành tấm gương về nghị lực và ý chí vươn lên xóa bỏ định kiến xã hội để gầy dựng một cuộc đời ấm êm, hạnh phúc.

Anh Trần Minh Sỹ (thứ 2 từ trái sang) trong buổi bàn giao nhà tình nghĩa tại xã Hòa Phong. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Anh Trần Minh Sỹ (thứ 2 từ trái sang) trong buổi bàn giao nhà tình nghĩa tại xã Hòa Phong. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Hành động đẹp tạ lỗi với đời

Trong những chuyến công tác cùng Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Đà Nẵng, chúng tôi thường nghe đơn vị này nhắc đến Trần Minh Sỹ (27 tuổi), trú xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang bằng những câu từ yêu thương và ca ngợi. Anh từng được biết đến như một “đại ca” trong giới trấn lột ở Đà Nẵng khi dẫn đầu một nhóm 9 thành viên chuyên tìm đến các quán nhậu, karaoke trên địa bàn thành phố Đà Nẵng dọa dẫm, đòi tiền bảo kê. Trước sự manh động và liều lĩnh của nhóm, nhiều quán đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”, chấp nhận chung chi hằng tháng để yên ổn làm ăn.

Một số quán đến ngày không nộp tiền, đều bị nhóm Sỹ đến quấy rối. Một thời gian tung hoành tại Đà Nẵng, nhóm của Sỹ cầm đầu bị Công an đưa vào tầm ngắm. Giữa năm 2008, Sỹ bỏ vào Bình Dương “lánh nạn” và sau đó Công an phát lệnh truy nã toàn quốc với tội “cưỡng đoạt tài sản”. Năm 2010, khi Sỹ vừa về đến Hòa Vang thì các trinh sát ập vào bắt giữ và bị kết án 18 tháng tù treo, chịu thử thách 24 tháng.

Ngày tháng bị tạm giam tại trại tạm giam Hòa Sơn, Sỹ luôn cảm thấy bứt rứt mỗi khi nhớ đến giọt nước mắt hay bóng mẹ trong những lần thấp thỏm vào thăm với dưa cà, mắm muối. Vì thế, được trở về đời thường, Sỹ quyết tâm làm lại cuộc đời, tham gia các hoạt động từ thiện do bạn trẻ tổ chức.

Sau này, khi đã đủ kinh nghiệm và mong muốn giúp đỡ nhiều hơn nữa cho những mảnh đời bất hạnh, Sỹ quyết tâm thành lập CLB Công tác xã hội Teen Đà Nẵng. Để gây quỹ hoạt động, Sỹ mở quán cà-phê tại số 15 An Xuân (quận Thanh Khê) với khẩu hiệu “Uống một ly cà-phê là bạn đã quyên góp 500 đồng vào quỹ từ thiện”. Từ hành động thiết thực này, quán cà-phê trở thành cầu nối cho những tổ chức, cá nhân tìm đến các địa chỉ cần giúp đỡ. Hiện nay, nhóm có khoảng 30 thành viên, mỗi tháng 2 lần nấu thức ăn phân phát tại các bệnh viện, nhà chùa.

Là đàn ông, nhưng Sỹ không ngần ngại cùng nhóm đi chợ, lựa chọn những thực phẩm tươi sống nhằm đảm bảo những bữa ăn từ thiện có đầy đủ chất dinh dưỡng. Những khi có hoàn cảnh cần giúp đỡ, anh trằn trọc, nghĩ suy, tìm cách kết nối với mạnh thường quân để có nguồn tiền hỗ trợ kịp thời, đúng lúc.

Anh cho biết, thời gian mới chấp hành án về, mọi người nhìn Sỹ đề phòng, chưa thật sự mở lòng vì sợ đưa tiền làm từ thiện không đúng địa chỉ. Có những chương trình đã cận kề ngày đi nhưng tiền xin chưa đủ, anh không ngần ngại bỏ tiền túi quyết tâm thực hiện cho bằng được. Dần dần, mọi người nhìn thấy tấm lòng của anh và tin tưởng hơn khiến công việc ngày một trôi chảy.

Sau một thời gian hoạt động hiệu quả, CLB Công tác xã hội Teen Đà Nẵng được Hội Từ thiện và Bảo vệ quyền trẻ em Đà Nẵng tiếp nhận làm hội viên. Từ đây, các hoạt động của CLB được Hội định hướng rõ ràng hơn, hỗ trợ cơ sở pháp lý để đứng ra kêu gọi mọi người đóng góp về tinh thần lẫn vật chất. Không chỉ phục vụ các suất ăn từ thiện, CLB của Sỹ còn tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ xây nhà tình nghĩa cho hộ nghèo, hộ đặc biệt khó khăn trên địa bàn thành phố.

Giờ đây, Sỹ đã xóa bỏ được hình ảnh “đầu gấu trấn lột” một thời, trở nên hiền lành, chăm chỉ và biết quan tâm giúp đỡ người khác. Sỹ nói, đó là cách anh tạ lỗi với ba mẹ, người có công sinh thành dưỡng dục cũng như tìm lại tình yêu thương từ bà con hàng xóm.

Quay lưng lại với lỗi lầm quá khứ

Mang quá khứ lỗi lầm, không ít người sau khi chấp hành xong án phạt tù, về cuộc sống đời thường, đã buông bỏ tương lai “trở về con đường cũ”. Nắm bắt tâm lý này, năm 2003, Đà Nẵng là địa phương đầu tiên trong cả nước thành lập Quỹ hoàn lương với mục đích hỗ trợ các đối tượng ra tù vay vốn làm ăn, tái hòa nhập cộng đồng. Theo đó, tất cả công dân Đà Nẵng từng vào tù sẽ được hỗ trợ số vốn 5 - 10 triệu đồng không tính lãi và quy định trả trong 3 năm. Từ đó đến nay, Quỹ đã tiếp sức cho gần 1.500 người mang tiền án, tiền sự vay vốn, gầy dựng công việc ổn định nhằm thay đổi cuộc đời.

Khu nhà trẻ của chị Lê Thị Kim Xuân ở tổ 15, phường Nam Dương, quận Hải Châu những năm gần đây luôn rộn rã tiếng cười trẻ thơ. Từng là tiểu thương buôn bán ở chợ nhưng làm ăn thất bát, chị Xuân lâm cảnh nợ nần chồng chất. Để tiếp tục chạy hàng, chị mượn chỗ này đắp đổi chỗ kia rồi không còn khả năng thanh toán.

Ngày đứng trước vành móng ngựa nhận án 8 năm tù, chị coi như cuộc đời mình đã hết. Tuy nhiên, với thành tích cải tạo tốt, năm 2000, sau 4 năm chấp hành án phạt, chị được đặc xá trước thời hạn, trở về lại gia đình. Để kiếm nguồn thu nhập đắp đổi qua ngày, chị Xuân giúp việc cho các quán ăn, thời gian rảnh nhận trông trẻ giúp một số gia đình công chức bận rộn. Sau này, được sự quan tâm của lãnh đạo thành phố, chị vay 3 triệu đồng từ Quỹ hoàn lương, mua sắm giường chiếu, đồ chơi với quyết tâm mở một cơ sở trông trẻ của riêng mình.

Từ cơ sở ban đầu nhận chăm sóc vài ba trẻ, đến nay cơ sở của chị Xuân đã nhận chăm sóc hàng chục trẻ em ở nhiều độ tuổi khác nhau. Từ số vốn ít ỏi ban đầu, nhờ chí thú làm ăn cũng như sự quan tâm của cán bộ địa phương dành cho người vừa mãn hạn tù trở về, chị đã mở rộng cơ sở, nhận chăm sóc hàng chục đứa trẻ với nguồn thu nhập mỗi tháng gần chục triệu đồng. Chị Xuân tâm sự, những đứa trẻ đầu tiên đến với chị, mang theo nụ cười và sự tinh nghịch trẻ thơ giúp tâm hồn người đàn bà từng vào tù ra tội như chị tìm được niềm vui cho bản thân mình. Tiếp xúc với các bé, chị thấy mình cần làm tốt hơn vai trò của một người trông trẻ và cho đi nhiều hơn sự yêu thương, chân thành.

Từ đầu năm 2015 đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã phát hiện, xử lý gần 2.000 người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy. Trong đó, người sử dụng tập trung ở độ tuổi thanh-thiếu niên chiếm nhiều nhất với 91,5%. Nếu năm 2010, Đà Nẵng tổ chức buổi đối thoại với gần 200 thanh-thiếu niên chậm tiến để có những chương trình, hành động cụ thể để giúp các em từ bỏ lối sống cũ, thì 5 năm sau, Đà Nẵng tiếp tục đối thoại với 100 thanh-thiếu niên từng sử dụng ma túy để uốn nắn họ trở thành công dân tốt, có ích cho xã hội.

Sau buổi đối thoại, lãnh đạo thành phố Đà Nẵng đã giao các em về cho Hội Cựu chiến binh, Thành Đoàn và Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố theo sát và tạo điều kiện học nghề trong thời gian từ 6 tháng đến 1 năm, đồng thời chi khoảng 1 tỷ đồng cho việc cấp học phí, mua sắm trang thiết bị hỗ trợ học và hành. Từ đây, đã có nhiều thanh-thiếu niên tìm được sự chia sẻ, đồng cảm, đoạn tuyệt với ma túy và tự tin bước vào cuộc sống mới.

T.T.C là con út trong một gia đình khá giả tại phường Mân Thái, quận Sơn Trà. Được ba mẹ nuông chiều cộng với sự rủ rê của bạn bè, C. bị cuốn vào vòng xoáy ma túy lúc nào không hay. Ngày biết chuyện, mẹ C. khóc hết nước mắt, bỏ ăn bỏ uống. Sợ không đủ sức thuyết phục, mẹ C. tìm đến cán bộ phường nhờ giúp đỡ. Được khuyên nhủ, động viên, C. hứa sẽ từ bỏ ma túy làm lại cuộc đời.

Sự quyết tâm của C. cũng đôi lần thất bại, nhưng vì thương mẹ, C. lại một lần nữa cố gắng và thành công. Em cho biết, sau 3 lần thử test thành công, C. được gia đình và cán bộ phường hỗ trợ vay vốn mở một quán cà-phê nhỏ gần nhà. Đáp lại niềm tin và tình yêu thương của gia đình, C. viết cam kết không tái nghiện với lời hứa nếu tái nghiện quán cà-phê sẽ bị phường thu hồi. Từ ngày lao vào kinh doanh cà-phê, C. như một con người khác, em hòa đồng, vui vẻ với tất cả mọi người, xa rời đám bạn xấu.

Có thể nói, chính sự quan tâm của gia đình, cộng đồng và xã hội đã giúp những người có quá khứ lầm lỡ hòa nhập cuộc sống, tìm lại niềm vui và tròn tâm hướng thiện.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.