.

Về với làng văn hóa

.

Cũng như bao người Việt khác ở vùng đồng bằng, sống quần cư thành từng làng, từng dòng họ, người Hòa Vang tự hào về các giá trị truyền thống mang đậm dấu ấn văn hóa của người Quảng, được hun đúc và xây dựng vững bền suốt hàng trăm năm qua. Cộng với các cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa, văn minh đô thị từ năm 1995 đến nay, người dân từ già đến trẻ luôn nỗ lực xây dựng những ngôi làng văn hóa, đời sống ấm no, người dân hạnh phúc.

Cổng vào thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước với tục “tắt bếp” gắn kết cộng đồng nhiều đời nay.
Cổng vào thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước với tục “tắt bếp” gắn kết cộng đồng nhiều đời nay.

Tắt bếp, tính cộng đồng nâng lên

Hiếm có làng nào mà tính cộng đồng được đề cao và duy trì thành nếp làng như ở thôn Trà Kiểm, xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang. Không biết cái tên xóm Rừng của thôn trước kia đã gắn với tục “tắt bếp” diễn ra vào ngày 12 tháng 2 âm lịch hằng năm hay chưa, chỉ biết rằng, theo lời ông Nguyễn Thanh Quý, Trưởng thôn Trà Kiểm, hồi ông còn bé xíu, hơn 60 năm trước đã có tục này.

Tục lệ “tắt bếp” bắt đầu khi dân làng dâng cúng lễ cầu an ở ngôi miếu đầu làng, không gia đình nào được phép nổi lửa bếp và tất cả mọi người sẽ tập trung tại nhà văn hóa thôn để tham gia làm cỗ, ăn uống và chơi các trò chơi dân gian như nhảy bao bố, bắt vịt, kéo co.

Trước khi lễ hội diễn ra, thôn sẽ tổ chức họp người dân lại để quyết định quy mô của lễ hội. Ngày xưa, các gia đình sẽ tự mang những thực phẩm của mình tới để góp làm cỗ chung nhưng ngày nay, toàn bộ chi phí của lễ hội dựa trên tinh thần đóng góp tự nguyện của các hộ gia đình.

Hiện thôn Trà Kiểm có 185 hộ, khoảng 780 khẩu. Chỉ có người làng với nhau, ra ngõ là chạm mặt người quen, dân số không biến động, đó cũng là điều thuận lợi để tục “tắt bếp” thực sự là một ngày hội. Tất cả dân làng từ già đến trẻ tập trung đến nhà văn hóa thôn, ăn chung với nhau một bữa cơm trong tình làng đầm ấm.

Ai bị bệnh, không đến được thì người nhà gói về. Con cháu ở xa cũng gắng về với bà con thân tộc. Cô con dâu người làng khác đến đây, năm đầu còn lạ lẫm, đỏ mặt khi được hỏi thăm. Qua năm sau đã biết xách theo cái thớt, con dao, cặp rổ ra đầu làng nhặt rau, thái thịt, chuẩn bị làm cỗ với các cô, các thím.

Ngoài tục “tắt bếp” đó, vào Ngày Đại đoàn kết toàn dân 18-11, 4 tổ dân cư của thôn Trà Kiểm cũng theo tục “tắt bếp”. Về đây, thấy cánh cổng nhà nào cũng mở rộng, ai cũng biết nhau. Tình làng nghĩa xóm được nhân lên theo từng ngày hội làng.

Ông Nguyễn Thanh Quý cho rằng, truyền thống văn hóa trọng nghĩa, trọng tình đã ăn sâu vào từng con người, nay có thêm “con người nông thôn mới”, ai cũng sống tử tế hơn. Năm nay, Trà Kiểm được chọn là một trong 15 thôn/119 thôn của toàn huyện để xây dựng thôn kiểu mẫu: Có điện đường, môi trường trong sạch, có những con đường trồng hoa, nhà nhà trồng cây ở cổng ngõ, chọn cây có giá trị để cải tạo vườn tạp… Ngoài phong trào xây dựng nếp sống văn hóa mới, thôn có quy định cấm rượu, bia trong các đám tang, sắp tới còn đề nghị bỏ thêm thuốc lá…

Nhà văn hóa thôn Cẩm Nê xây trong khuôn viên đình làng, được xem như văn hóa truyền thống và văn hóa nông thôn mới hòa quyện. Ảnh: H.N
Nhà văn hóa thôn Cẩm Nê xây trong khuôn viên đình làng, được xem như văn hóa truyền thống và văn hóa nông thôn mới hòa quyện. Ảnh: H.N

Văn hóa là nền tảng

Năm 1976, sau chiến tranh, bà con thôn Cẩm Nê, xã Hòa Tiến lục tục từ các nơi trở về làng, xây dựng lại từ đầu. Ông Nguyễn Hữu Cẩm nhận chức trưởng thôn gần 20 năm nay cho biết, hồi xây dựng làng mới, các cụ cao niên đã phân từng xóm thành ô bàn cờ, đường liên thôn rộng 7 mét, đường kiệt từ 4 - 4,5 mét nên khi xây dựng nông thôn mới, thôn đã có sẵn phần quy hoạch. 19 cổng chào đầu từng xóm được dựng từ năm 1999, đến 2005 hoàn thành; thôn không còn nhà tạm và nhà nào cũng có gác chống lũ. Cẩm Nê là một trong những ngôi làng đẹp của Hòa Vang.

Ông Nguyễn Hữu Cẩm cho rằng người làng Cẩm Nê vẫn giữ được văn hóa truyền thống. Khi xây dựng nông thôn mới, những cái tốt tiếp tục được phát huy, giúp cuộc sống tinh thần của bà con phong phú. Người dân sống chan hòa trong tình yêu thương và đùm bọc lẫn nhau. Khi về lại làng cũ 40 năm trước, dân làng bầu chọn trưởng làng từ người đứng đầu một gia đình/gia tộc tiêu biểu, thành lập hội đồng gia tộc làng (năm 1997 mới bắt đầu có trưởng thôn).

Người trưởng làng phải hiểu văn hóa truyền thống, có uy tín với cháu con và bà con các tộc họ. Nhờ đó, công việc của trưởng thôn cũng đỡ phần vất vả. Hơn 300 người con Cẩm Nê đang sinh sống và làm việc ở mọi miền đất nước cũng góp công, góp sức xây dựng quê hương. “Nền tảng văn hóa của thôn có sẵn, phát huy được sẽ tạo thành động lực và có thành quả nhanh hơn.

Và trên cơ sở “tộc ước” của 25 dòng họ trong thôn, thôn đã xây dựng “thôn ước” từ năm 1997. Vì giữ gìn được nếp nhà, đó cũng là nếp làng, là nền tảng của mỗi con người khi họ lớn lên, nương theo”, ông Cẩm nhấn mạnh.

Về các làng quê của Hòa Vang, đến những thôn được bầu chọn là “thôn văn hóa tiêu biểu” của một năm hay 10, 17 năm, mới thấy việc xây dựng, phấn đấu để đạt được danh hiệu đó là công sức của nhiều người. Không phải vì thành tích, mà bởi nếp sống văn hóa truyền thống hay nếp sống mới đều tạo ra những con người mới mẻ trong cả tư duy và hành động.

Trong phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa và xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị, năm 2015, người dân 2 thôn Phò Nam và Nam Yên của xã Hòa Bắc thực hiện “3 không” trong việc tang. Đó là cam kết không dùng rượu bia, không thuốc lá, không nhạc lễ (chỉ được dùng đĩa nhạc).

Theo ông Đoàn Văn Thể, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã, để có 23 đám tang áp dụng “3 không”, năm 2015, ông và Ban Chấp hành Hội Người cao tuổi xã đến vận động người cao tuổi các thôn, để họ yêu cầu con cháu thực hiện khi khuất núi.

Năm nay, “3 không” trong việc tang ở Hòa Bắc được nâng lên thành “4 không”, thêm một tiêu chuẩn là “không rải vàng mã dọc đường khi đưa tang”. Mô hình này khi đưa vào áp dụng, gia đình ông trưởng thôn Phò Nam Hồ Phú Sâm trở thành người thực hiện đầu tiên. Bởi năm ngoái bố ông Sâm mất, nỗi buồn chưa nguôi thì năm nay mẹ ông cũng quy tiên.

Ngoài việc vận động ông Sâm, ông Thể và các thành viên trong Hội, còn phải thuyết phục những người đứng đầu trong dòng họ. Cha ông từng nói “lời nói phải lọt lỗ tai”, gia đình anh Hồ Phú Sâm thực hiện một tiêu chí rất mới trong việc tang và sẽ trở thành nền nếp với người Hòa Bắc trong tương lai.

Bà Dương Thị Lệ, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc cho rằng, mối ràng buộc của cộng đồng dân cư giúp bà con gần nhau hơn. Như khi gia đình nào có tang, đội tang lễ của thôn thay nhau trực suốt với gia đình; Chi đoàn Thanh niên, Chi hội Phụ nữ đến giúp nấu nước, tiếp khách; đội âm công do thanh niên thôn đảm trách; ông trưởng thôn viết và đọc điếu văn đưa tiễn… Cứ thế, trong tình nghĩa còn có những “ràng buộc” như một quy ước, nên bà con tuân thủ, giúp cho các mô hình của nếp sống mới tồn tại và ổn định theo thời gian.

Nhiều thôn ở Hòa Vang đạt danh hiệu thôn văn hóa trong một hay nhiều năm, nhưng “lỡ” năm nào đó có người sinh con thứ 3, có người đánh nhau, vi phạm pháp luật… là năm đó danh hiệu “tuột” mất. Nên việc huyện Hòa Vang chọn ra 11 thôn và 22 gia đình tiêu biểu nhiều năm để sắp tới dự Hội nghị tổng kết 15 năm phong trào Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa giai đoạn 2000-2015 do thành phố tổ chức là sự cố gắng của không chỉ một mà của hàng nghìn người dân, vì những mái nhà, những thôn xóm yên bình và hạnh phúc.

Ông Đỗ Thanh Tân, Trưởng phòng Văn hóa - Thông tin huyện Hòa Vang, cho rằng chính nhờ truyền thống văn hóa đã trở thành nền tảng trong nếp sống người dân Hòa Vang mà chương trình nông thôn mới thành công sau 5 năm xây dựng. Người dân tích cực hiến đất, góp công, góp của, bảo vệ môi trường… Và các thiết chế văn hóa được hình thành trong xây dựng nông thôn mới cho người dân hưởng lợi và thực hành văn hóa.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.