.
Nghĩ

Lừng danh từ "ngon, bổ, rẻ"

.

“Ghế nhựa thấp, giá rẻ nhưng bún ngon, bia lạnh Hà Nội”, câu chia sẻ trên facebook của đầu bếp Anthony Bourdain, người được ngồi thưởng thức bún chả với Tổng thống Mỹ Obama tại một quán ăn bình dân ở Hà Nội, tối 23-5, lập tức thu hút sự chú ý đầy phấn khích của toàn thế giới.

Hàng trăm ngàn người “truyền tay” tấm ảnh này và không quên thổ lộ sự “thòm thèm” món ăn đường phố Việt Nam. Các kênh truyền hình nước ngoài trích nguyên văn câu nói của Anthony như một sự gợi mở về kiểu ẩm thực độc đáo không thể bỏ qua khi bạn đến vùng đất này. Trong khi đó, với người Việt, những người vốn không lạ “ghế nhựa, giá rẻ, bún ngon” lại càng hứng thú, vì không ngờ những gì bình dị và bình thường nhất của đất nước lại có sức hút mãnh liệt với quốc tế đến vậy.

Từ tối 23-5 đến nay, quán bún chả Liên Hương, đường Lê Văn Hưu bỗng trở nên nổi tiếng hơn bao giờ hết. Hà Nội mưa gió tả tơi nhưng không ngăn được dòng người đổ về kiên nhẫn đợi ăn cho được “bún Obama”.

Thế mới thấy, đâu phải chỉ nhà hàng gắn “sao” mới thu hút thực khách tầm cỡ; đâu chỉ nhà hàng hạng sang mới cần coi trọng đồ sạch, đồ tươi, an toàn thực phẩm, giá cả rõ ràng, tuyệt đối không chặt chém vô tội vạ. Chính những món ăn đậm đà bản sắc dân tộc, những hàng quán in dấu đời thường của Việt Nam mà ta hay gọi “ngon, bổ, rẻ”, tự thân điều này đã là những lời mời gọi khó cưỡng.

“Ngon, bổ, rẻ” nghe rất bình dân nhưng không phải hàng quán thức ăn đường phố nào cũng hội đủ 3 yếu tố này. “Ngon” và “rẻ” thì dễ khẳng định, nhưng “bổ” hay không lại còn lắm hoài nghi. Đến cơ quan chức năng sau bao năm tìm kiếm giải pháp, tới giờ này vẫn “đau đầu” chưa biết làm sao quản lý một cách hiệu quả nhất chất lượng thức ăn đường phố.

Người tiêu dùng, vì thế càng mờ mờ, ảo ảo về vấn đề an toàn thực phẩm của loại ẩm thực này. Ăn cứ ăn, lo cứ lo. Trong khi đó, theo những người kinh doanh mặt hàng ăn uống, cách tốt nhất bảo đảm an toàn thực phẩm chính là dựa vào...lương tâm người nấu.

Cách đây không lâu, tại cuộc tiếp xúc giữa lãnh đạo thành phố Đà Nẵng với những người kinh doanh nhà hàng, quán ăn, bà Phúc-người bán bánh tôm gia truyền khá nổi tiếng tại Đà Nẵng thẳng thắn chia sẻ: Không có “tai mắt” nào quan sát chuyện bếp núc tốt như chính lương tâm người chế biến. Cơ quan chức năng không thể túc trực theo dõi 24/24giờ, cũng khó có thiết bị nào phát hiện sự hoàn hảo trong chất lượng món ăn.

Làm sạch, bán đúng thì chắc chắn ít lời. Nếu coi lợi nhuận là cái quan trọng hàng đầu thì không thể có đồ “ngon, bổ, rẻ”. Bà Phúc còn tâm tư: Sự thành công của một hàng ăn không dựa trên độ hoành tráng của bàn ghế, nhà cửa, cách bài trí. Khách đến một lần và quay lại lần hai mới thực sự cho thấy chủ quán đã thành công.

Không nghi ngờ rằng, sau sự kiện “Obama ăn bún chả Hà Nội”, ẩm thực Việt Nam, thức ăn đường phố của Việt Nam sẽ có nhiều hơn cơ hội trở thành một “sản phẩm du lịch” thực sự. Người ta đến với Việt Nam không chỉ vì danh lam thắng cảnh, mà còn vì “ghế nhựa thấp, giá rẻ nhưng món ăn ngon, bia lạnh nội địa”. Ẩm thực Việt Nam được dịp “chào sân” hiệu quả hơn bao giờ hết.

Cái còn lại là những người bán hàng ăn có thực sự coi “ngon, bổ và rẻ” là kim chỉ nam cho nghề nghiệp của mình hay không. Ngon, rẻ mà ăn một lần bị “Tào tháo” rượt, hay năm, ba ngày lại bị “hù”: “Cẩn trọng với thức ăn đường phố!”, thì còn đâu là dư vị để tìm đến lần hai, lần ba… Thức ăn đường phố phải là “đặc sản” của Việt Nam nói chung, của thành phố du lịch như Đà Nẵng nói riêng.

CHÍCH BÔNG

;
.
.
.
.
.