.

Hiệp sĩ nước sạch

.

Vượt qua 200 bài dự thi trên toàn quốc, dự án Hiệp sĩ nước sạch của nhóm bạn trẻ cùng tên đến từ Đà Nẵng đã giành giải nhất cuộc thi Hành động vì nguồn nước 2015. Cuộc thi do CLB Sách và hành động (Hà Nội), Trung tâm quy hoạch và điều tra nguồn tài nguyên nước quốc gia (Bộ Tài nguyên Môi trường), Trung tâm Tình nguyện Quốc gia phối hợp tổ chức, do Đại sứ quán Isarel tại Việt Nam tài trợ.

Các Hiệp sĩ nước sạch với các bạn nhỏ Trường tiểu học Hòa Tiến 1. Ảnh: B.A
Các Hiệp sĩ nước sạch với các bạn nhỏ Trường tiểu học Hòa Tiến 1. Ảnh: B.A

Học mà chơi, chơi mà học

Dự án Hiệp sĩ nước sạch được triển khai ở 2 trường tiểu học Hòa Phú và tiểu học Hòa Tiến 2 của huyện Hòa Vang. Theo như lời của bạn Nguyễn Thanh Hậu, trưởng nhóm thì “do học sinh ở đây chưa được tiếp xúc nhiều với các hoạt động ngoại khóa. Thêm vào đó, khu vực này gần quận Cẩm Lệ, nơi có con sông Cầu Đỏ - nguồn nước sinh hoạt chính của thành phố, đang bị nhiễm mặn và các em cần biết đến điều này để có ý thức hơn”.

Hiểu rõ để truyền thông đi vào nhận thức và hành động của các bạn nhỏ là một việc vô cùng khó. Do vậy, nhóm Hiệp sĩ nước sạch đã chọn phương pháp vừa học vừa chơi để vừa thu hút được sự tò mò, hứng thú ở học sinh vừa lồng ghép giáo dục nhằm tăng tính chủ động, sáng tạo cho các bạn nhỏ.

Với cách làm này sẽ giúp trẻ tự nhận thức, tự rút ra bài học liên quan đến chủ đề, trải nghiệm thực tế thông qua các hoạt động như thảo luận nhóm, thuyết trình cá nhân, diễn kịch tương tác, hùng biện... Bên cạnh đó, nhóm còn lồng ghép các thí nghiệm thực tế, xem tranh ảnh triển lãm, video về chủ đề nước,… để khuyến khích sự tương tác của các em học sinh đối với bài học một cách chủ động.

Bạn Lại Thị Mai Trâm phụ trách truyền thông của nhóm, bộc bạch: “Trẻ em như một tờ giấy trắng. Các em biết việc nào đúng, việc nào sai đều do người lớn chỉ dạy. Nếu trẻ biết tiết kiệm từng giọt nước, biết tái sử dụng nước sẽ góp phần thay đổi hành vi của bố mẹ, khiến bố mẹ thấy việc mình làm chưa đúng và thay đổi bản thân. Đó chính là lý do dự án hướng tới các em nhỏ”.

Nhân rộng dự án

Con đường của nhóm Hiệp sĩ nước sạch hơi “lắt léo” như lời chia sẻ của chính các thành viên. Bởi lẽ, 3 thành viên chính và 12 tình nguyện viên đều là những “tay ngang”, có bạn là sinh viên ngành công tác xã hội, người sinh viên kế toán, người là dân kiến trúc,… Nhưng đều gặp nhau ở niềm đam mê muốn cống hiến sức trẻ cho cộng đồng bằng những dự án, ý tưởng bảo vệ môi trường ý nghĩa, thiết thực.

Tuy thời gian để hoàn thiện dự án chỉ trong vòng một tháng nhưng cũng chính vì chọn đề tài đánh vào lĩnh vực truyền thông bảo vệ nguồn nước nên những Hiệp sĩ nước sạch cũng gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm tư liệu, tài liệu chính thống. “Dù lục tung tất cả các trang thông tin nhưng nhóm không thể nào tìm được số liệu thống kê chính xác về mức độ ô nhiễm của sông cầu Đỏ” – anh Hậu nói.

Mong ước lớn nhất của những Hiệp sĩ nước sạch là sẽ nhân rộng dự án đến các tỉnh, thành khu vực miền Trung-Tây Nguyên, nhất là những nơi có nguồn nước đang bị ô nhiễm. Mong ước đó đã và đang thành hiện thực khi gần đây, nhóm đã được các tình nguyện viên ở Huế ngỏ lời muốn được hợp tác, đưa dự án này về với địa phương.

Anh Nguyễn Thanh Hậu nói vui: “Các bạn nhỏ không chỉ ngoan mà còn rất thông minh, nhạy bén trước những thông tin mà nhóm chia sẻ. Không chỉ thế, các em còn am hiểu về nguồn tài nguyên nước, tự tin nói lên ý kiến của mình trước tình trạng ô nhiễm nguồn nước đang ngày càng gia tăng. Bên cạnh đó, thầy cô rất nhiệt tình trong việc cung cấp thông tin và giúp đỡ nhóm để nhóm có thể thực hiện dự án một cách thuận lợi”.

Song song với dự án Hiệp sĩ nước sạch, nhóm cũng đang chạy nước rút cho dự án Quỹ sáng kiến “Trẻ em và thanh niên với biến đổi khí hậu” giai đoạn 2015-2016.

BÌNH AN

;
.
.
.
.
.