.

Tái chế túi ni-lông: Dễ thua, khó thắng

.

Chính thức đi vào hoạt động từ tháng 6-2015, nhưng đến nay, dây chuyền chưng cất dầu PO, RO, FO (những loại dầu dùng để đốt lò) thuộc Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam vẫn trong giai đoạn chạy thử nghiệm bởi những khó khăn mà doanh nghiệp này gặp phải trong quá trình vận hành.

Công nhân khu liên hợp đang tách lọc ni-lông bẩn bằng phương pháp thủ công.Ảnh: T.Y
Công nhân khu liên hợp đang tách lọc ni-lông bẩn bằng phương pháp thủ công.Ảnh: T.Y

Sau 6 tháng đi vào hoạt động, các sản phẩm dầu PO, RO, gạch xây dựng không nung, than sinh học... tái chế từ rác thải sinh hoạt tại Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn (thuộc Công ty Cổ phần Môi trường Việt Nam) vẫn còn nằm trong kho.

Anh Văn Phú Trung Mẫn, Giám đốc Khu Liên hợp cho biết, sở dĩ có tình trạng này vì giá thành dầu PO, RO ngoài thị trường hiện nay rất thấp, dao động từ 5.000 đồng đến 6.000 đồng/lít. Trong khi đó, kinh phí vận hành dây chuyền chưng cất dầu cộng với phí nhân công, tiền than đốt, dầu chạy máy... cao khiến việc kinh doanh đang ở trong giai đoạn “thu không đủ bù chi”.

Hiện nay, mỗi ngày khu liên hợp xử lý khoảng 50 tấn rác sinh hoạt (chiếm 15% tổng lượng rác thải toàn thành phố). Với số lượng này, khu liên hợp cho ra khoảng 2.000 - 2.500 lít dầu, con số chênh lệch phụ thuộc vào thành phần ni-lông sạch hay dơ.

Toàn bộ quy trình sản xuất dầu PO và RO được gói gọn như sau: khi nhận rác về, khu liên hợp tiến hành phân loại và tách lọc ra lượng ni-lông đưa vào hệ thống nhiệt phân để sản xuất ra dầu đốt PO, RO và than đốt; một phần sẽ qua băng chuyền giũ tách các tạp chất đất đá và rác khác dính vào túi ni-lông, sau đó cho vào hệ thống cắt, làm sạch sản xuất ra hạt nhựa.

Ngoài việc xử lý triệt để thành phần ni-lông trong rác thải, bằng công nghệ của mình, khu liên hợp sẽ tiếp tục xử lý các thành phần khác của rác nhằm tạo thành các sản phẩm hữu ích cho xã hội, giảm tối đa việc tái phát sinh ô nhiễm môi trường.

Ví dụ, thành phần hữu cơ ngoài việc tạo thành than biochar có thể sản xuất phân bón hữu cơ vi sinh dùng cho nông nghiệp. Thành phần tạp khác như đất đá, thủy tinh, tro xỉ dùng sản xuất gạch block cung cấp cho các công trình xây dựng.

Trước khi Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn khánh thành giai đoạn I, ở Đà Nẵng từng có khoảng 30 dự án về tái chế chất thải sinh hoạt được đưa ra bàn bạc rồi “mất hút”, không thấy động tĩnh gì. Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam lý giải, thời gian qua các nhà khoa học Việt Nam thường tìm hiểu, nghiên cứu công nghệ tái chế rác thải sinh hoạt của các nước tiên tiến mà không hiểu rằng, thành phần rác ở họ khác với rác ở Việt Nam rất nhiều.

Do đó, rất nhiều công nghệ nước ngoài khi đưa về Việt Nam ứng dụng đều không thành công. Bởi, rác thải ở Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng phần lớn là rác thải hỗn hợp, chưa được phân loại tại nguồn. Từ những tìm hiểu ban đầu, Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam đã chế tạo thành công máy phân loại rác tại nguồn thành 5 thành phần và sản xuất ra thành phẩm từ rác.

Theo công suất thiết kế ban đầu, Khu Liên hợp xử lý chất thải rắn có thể xử lý mỗi ngày 650 tấn rác thải sinh hoạt (bằng lượng rác thải sinh hoạt toàn thành phố Đà Nẵng năm 2012). Với tỷ lệ 8 - 10% là ni-lông có trong 650 tấn rác sinh hoạt, khu liên hợp có thể sản xuất ra khoảng 17 tấn dầu PO và RO.

Tuy nhiên, trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, khu liên hợp chọn giải pháp sản xuất cầm chừng và tiếp tục nghiên cứu, thử nghiệm tái chế túi ni-lông thành hạt nhựa công nghiệp nhằm đảm bảo tính lợi nhuận trong sản xuất kinh doanh.

Ngoài những khó khăn về giá thành, phí xử lý rác thải luôn là thách thức của các nhà đầu tư. Quyết định số 322/2012/QĐ-BXD của Bộ Xây dựng về suất vốn đầu tư và mức xử lý chất thải rắn sinh hoạt quy định mức giá xử lý tỉ lệ thuận với công nghệ theo kiểu công nghệ cao sẽ có giá xử lý cao. Hiện, mức giá cao nhất được áp dụng đến thời điểm này là 410.000 đồng/tấn, cho các nhà máy sử dụng công nghệ đốt.

Tuy nhiên do không có sự thống nhất ngay từ khi ban hành văn bản, nên chi phí xử lý rác hiện nay mỗi nơi mỗi khác, thậm chí có mức chênh lệch khá lớn giữa các địa phương như giá xử lý rác thải ở Bình Dương là 331.500 đồng/tấn, Thừa Thiên-Huế 215.000 đồng/tấn, TP. Hồ Chí Minh dao động từ 260.000 đồng đến 410.000 đồng/tấn tùy thuộc địa phương.

Trong khi đó, thành phố Đà Nẵng hiện chi trả phí xử lý rác thải cho Công ty cổ phần Môi trường Việt Nam là 160.000 đồng/tấn, khá thấp so với chi phí vận hành máy móc.

Chia sẻ về điều này, ông Nguyễn Văn Tuấn cho biết, cùng với việc bán giá thành sản phẩm cạnh tranh trên thị trường, doanh nghiệp buộc phải tính toán thu vào mức phí xử lý rác thải như thế nào để có thể bù đắp lại chi phí đầu tư công nghệ, khấu hao máy móc trong quá trình vận hành.

Nếu nhà đầu tư chưa nắm rõ những vấn đề về khấu hao thì nguy cơ lỗ sẽ rất lớn. Hiện nay, mặc dù lãnh đạo thành phố rất ủng hộ tính hiệu quả cũng như giải pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường của dự án nhưng mức chi trả phí xử lý rác hiện nay rất thấp, chưa thể giúp doanh nghiệp yên tâm đầu tư sản xuất.

Câu chuyện tái chế túi ni-lông từng là tâm điểm chú ý của dư luận tại Đà Nẵng từ năm 2012, khi khu liên hợp tổ chức lễ công bố công nghệ xử lý chất thải rắn ra thành phẩm dầu đốt công nghiệp PO, RO đầu tiên tại Việt Nam.

Với công suất thiết kế ban đầu khá lớn, chủ dự án kỳ vọng lượng rác thải sinh hoạt chôn lấp tại Đà Nẵng trong tương lai chỉ còn khoảng 10% do 90% đã được chế biến thành các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống.

Trong khi nhiều nước trên thế giới xem rác không phải là một loại phế thải mà là nguyên liệu dùng để tái chế các sản phẩm phục vụ đời sống dân sinh thì tại Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng, rác - trong đó có túi ni-lông - vẫn đang được xử lý bằng cách chôn lấp, vừa lãng phí, vừa gây ô nhiễm môi trường.

Trước những thực trạng trên, thiết nghĩ, cùng với nỗ lực của chính doanh nghiệp trong việc góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường, chính quyền thành phố cũng cần có những cơ chế hỗ trợ trong việc tiêu thụ các sản phẩm tái chế, đặc biệt là tái chế túi ni-lông từ khu liên hợp.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.