.

Lối về quá khứ

.

Mỗi di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu có mặt trên đất Ngũ Hành góp phần tạo nên sức hấp dẫn cho vùng đất này, là gạch nối đưa con người nhìn về quá khứ xa xôi, một giai đoạn không thể thiếu trong quá trình hình thành và phát triển.

Trụ biểu trên đường lên Thủy Sơn được phục dựng gần đây. Ảnh: T.Y
Trụ biểu trên đường lên Thủy Sơn được phục dựng gần đây. Ảnh: T.Y

Biểu tượng văn hóa của người Quảng

Dấu tích con người sinh sống tại Ngũ Hành Sơn thể hiện qua các di chỉ thuộc văn hóa Sa Huỳnh, nơi người Chăm đặt bệ thờ cúng thần linh qua nhiều thế kỷ. Không khó để nhìn thấy những vật dụng như thế ở Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn như đài thờ trong động Huyền Không, di tích đền tháp ẩn sau những đống gạch đá sạt lở trên núi Hỏa Sơn hay những mảng phù điêu còn lưu lại trên đá...

Năm 2015, Trung tâm Quản lý di sản văn hóa TP. Đà Nẵng tiến hành khai quật di chỉ vườn đình Khuê Bắc, phường Hòa Hải, đã tìm thấy 4.554 hiện vật gồm đồng tiền, mảnh nhuyễn thể, hiện vật đá và gốm. Giám đốc Trung tâm Hồ Tấn Tuấn cho biết, trong tổng số hiện vật được phát hiện, có 4.309 mảnh gốm Sa Huỳnh, 175 mảnh gốm Chăm... cho thấy đây là di chỉ cư trú, mộ táng của cư dân văn hóa Sa Huỳnh, thuộc giai đoạn văn hóa Long Thạnh có niên đại trên 3.000 năm.

Thời các chúa Nguyễn, Phật giáo rất thịnh hành ở xứ Đàng Trong. Hướng dẫn viên Đặng Hoàng Dương công tác tại Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn chia sẻ, khách du lịch khi đến đây thường ghé thăm chùa Tam Thai trên ngọn Thủy Sơn được xây dựng từ năm 1630, nay còn tấm biển bằng đồng ghi lại dấu tích của vua Minh Mạng.

Hay như bia Phổ Đà sơn linh trung Phật tại động Hoa Nghiêm, bia Ngũ Uẩn Sơn cổ tích Phật tịch diệt lạc tại động Vân Thông dựng năm 1641 là các bia đá do Thiền sư Huệ Đạo Minh (tên thật là Phạm Văn Nhân, người huyện Ngọc Sơn, phủ Tĩnh Gia - nay thuộc huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa), trụ trì chùa Phổ Đà lúc bấy giờ dựng lập, ca tụng công đức cúng dường của tín đồ Phật tử người Việt, trong đó có sự đóng góp của người Hoa, người Nhật trong giai đoạn xây dựng chùa.

Văn bia Phổ Đà sơn linh trung Phật được khắc trực tiếp trên vách đá nằm ở độ cao 2m, bên phải bàn thờ Quan Thế Âm Bồ Tát, được Trường Viễn Đông Bác cổ Pháp (E.F.E.O) đưa vào thống kê để chứng minh rằng xứ Quảng là địa phương có số lượng văn bia đứng thứ hai ở khu vực miền Trung, chủ yếu tập trung ở Hội An và Ngũ Hành Sơn.

Giá trị tiêu biểu nhất của văn bia này là về mặt sử liệu, TS Nguyễn Hoàng Thân, Phó trưởng khoa Ngữ văn, ĐH Sư phạm - ĐH Đà Nẵng nhận xét. Văn bia cung cấp nhiều địa danh làng xã cổ xưa của đất Quảng như xã Tân An, Trà Đông, Trà Lộ, Cẩm Phô, Nam An, Giếng Bộng, Mồ Mưng, Bất Nhị, An Phước...

Bên cạnh đó, văn bia cũng cung cấp sử liệu về người nước ngoài có mặt ở vùng đất Quảng Nam – Đà Nẵng xưa, về hôn nhân giữa người Việt và người nước ngoài, sử liệu về Phật giáo cũng như việc quyên góp xây dựng di tích.

Qua nhiều giai đoạn lịch sử, Ngũ Hành Sơn có 13 ngôi chùa được xây dựng và lưu giữ những hiện vật có giá trị lịch sử, văn hóa, tôn giáo quý giá. Trong bài nghiên cứu “Ngũ Hành Sơn, những giá trị văn hóa tâm linh”, tác giả Nguyễn Quang Trung Tiến, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Xã hội và Nhân văn Huế nhận xét: “Nhìn toàn cảnh, Ngũ Hành Sơn như một vọng hải đài ở Đà Nẵng nhìn ra biển Đông đầy vẻ chiêm nghiệm, khi trên ngọn núi Ngũ Hành vẫn luôn chứa đầy hơi thở của thế giới văn hóa tâm linh trải suốt cả ngàn năm”.

Biểu tượng Chăm trên đất Ngũ Hành Sơn.Ảnh: T.Y
Biểu tượng Chăm trên đất Ngũ Hành Sơn.Ảnh: T.Y

Những lễ hội làm nên thương hiệu

Được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014 nhưng không phải ai cũng biết rằng, từ năm 1971 đến nay, người thợ đá Non Nước chọn ngày 16 tháng 3 âm lịch hằng năm làm ngày giỗ Thạch nghệ Tổ sư tại nhà thờ Tổ dưới chân ngọn Mộc Sơn.

Một số tài liệu nghiên cứu do Trung tâm Quản lý Di sản Văn hóa TP. Đà Nẵng cung cấp chỉ ra rằng, cụ Huỳnh Bá Quát chính là Tổ nghề đá Non Nước. Văn bia mộ Tiền hiền tộc Huỳnh Bá lập thời Bảo Đại viết: “Thạch tượng Quán Khái xã, Huỳnh Bá tộc thủy khai” (nghề tạc tượng đá làng Quán Khái do tộc Huỳnh Bá khai sinh đầu tiên) được xem là bằng chứng về Tổ nghề của dòng họ này.

Các vị cao niên làng đá cũng kể rằng theo những thông tin truyền tai nhau qua nhiều thế hệ, chính cụ Huỳnh Bá Quát đã đem nghề đá từ quê nhà Thanh Hóa vào đất Ngũ Hành Sơn lập nghiệp và đặt những viên gạch đầu tiên trong việc hình thành nên làng nghề sầm uất như hiện nay.

Tín ngưỡng thờ Thạch nghệ Tổ sư của làng nghề Điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước còn xuất phát từ quan niệm nhất nghệ tinh nhất thân vinh, một quan niệm phổ biến của người Việt đối với nghề nghiệp, nơi có những sản phẩm chất lượng làm nên thương hiệu của vùng đất và giúp con người sống ở đó có cuộc sống ổn định, bền vững.

Nhà nghiên cứu Bùi Văn Tiếng, Chủ tịch Liên hiệp Các hội Văn học nghệ thuật, Chủ tịch Hội Khoa học, lịch sử TP. Đà Nẵng, cho rằng, quan niệm này chính là động lực để từng người trong làng có thể chuyên tâm theo đuổi nghề truyền thống của làng và quan trọng hơn là chuyên tâm học nghề để có tay nghề cao, có sáng tạo trong nghề, góp phần tạo nên thương hiệu của làng nghề.

Theo thời gian, cùng với sự tồn tại và phát triển của làng đá Non Nước, lễ giỗ Tổ nghề dần được phát triển lên thành Lễ hội làng nghề điêu khắc đá mỹ nghệ Non Nước. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Việt Minh, đại diện Hội làng nghề điêu khắc đá cho biết, năm 2006, Hội làng nghề truyền thống điêu khắc đá Non Nước - Ngũ Hành Sơn thành lập với sự tham gia của hơn 150 hội viên.

Đặc biệt, trong năm 2013, có 3 hội viên của Hội làng nghề vinh dự được Chủ tịch Nước công nhận nghệ nhân ưu tú là Lê Bền, Nguyễn Việt Minh và Nguyễn Long Bửu. Đây chính là tiền đề khơi dậy lòng tự hào, nâng cao tay nghề của người thợ đá, góp phần vào sự thành công trong việc tổ chức lễ hội làng nghề sau này.

Cùng với Lễ giỗ Thạch nghệ Tổ sư, Lễ hội Quán Thế Âm được tổ chức hằng năm vào ngày 19-2 Âm lịch tại Ngũ Hành Sơn trở thành thương hiệu, mang lại bức tranh văn hóa - tín ngưỡng vô cùng độc đáo. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, Lễ rước tượng Quán Thế Âm trở thành một hoạt động thu hút hàng ngàn du khách, phật tử cả nước tham gia.

Bên cạnh đó, phần hội diễn ra sôi nổi với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao mang đậm bản sắc dân gian như hát dân ca, thi cờ tướng, nhạc, họa, múa tứ linh, thả đèn trên sông, hát tuồng, điêu khắc...

Ông Lê Ngọc Nhất, Phó ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn, cho biết thời gian qua đơn vị đã có nhiều hoạt động kích cầu du lịch, khai thác tốt giá trị văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh. Đặc biệt, từ năm 2000, khi Tổng cục Du lịch Việt Nam công nhận Lễ hội Quán Thế Âm là một trong 15 lễ hội quốc gia đã tạo nên sức hút lan tỏa đối với nhiều du khách trong và ngoài nước.

Phát huy giá trị văn hóa lịch sử

Bên cạnh những di tích đình, chùa, miếu mạo mang đậm nét văn hóa tâm linh, vùng miền, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn còn có nhiều di chỉ, di tích rất có giá trị về mặt văn hóa, lịch sử.

Tiêu biểu là đình Khuê Bắc có niên đại hơn 300 năm tuổi, miếu thờ Công chúa Huyền Trân, đền thờ Tam vị thổ thần Chăm (Brahma, Vishnu và Shiva), các chùa Thái Bình, Tam Thai, Khuê Bắc, Khuê Đông, mộ mẹ Đô đốc Trần Quang Diệu, Khu di tích lịch sử K20 – nơi lưu giữ những hiện vật, kỷ niệm của đồng bào và chiến sĩ chiến đấu, hy sinh trong các cuộc kháng chiến cứu nước…

Trên ngọn Thủy Sơn, phía bên phải động Tàng Chơn có một động nhỏ gọi là động “Bàn Cờ Tiên” với một khối đá vuông hình bàn cờ nhưng chưa có hình người ngồi đánh cờ. Trong năm 2016, Ban Quản lý Khu du lịch thắng cảnh Ngũ Hành Sơn cho phục dựng hình ảnh Tiên ông đánh cờ bằng đá sa thạch kích thước 110 x 90 x 60cm, chạm khắc bàn cờ kích thước 60 x 60 x 5cm.

Qua hình ảnh sinh động này, những người làm du lịch ở Ngũ Hành Sơn kỳ vọng động Bàn Cờ Tiên sẽ hấp dẫn và thuyết phục, góp phần đưa du khách đến khu danh lam, thắng cảnh này.

Ông Lê Ngọc Nhất chia sẻ, để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa, lịch sử truyền thống, tâm linh trên mảnh đất Ngũ Hành, thời gian qua, đơn vị đã cho phục dựng cổng trụ biểu bằng đá sa thạch trên đường lên Thủy Sơn, khai thông động Âm Phủ, nâng cấp động Huyền Vi, có phương án bảo vệ bia Phổ Đà sơn linh trung Phật, phục chế bến Ngự nơi vua Minh Mạng cập thuyền ngày trước, nâng cấp Lễ hội Quán Thế Âm, phát triển Lễ hội Vu lan rằm tháng bảy, cải tạo vườn Lộc Uyển trên chùa Linh Ứng…

Những nỗ lực này nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, bảo vệ di tích, chống sự xâm hại của thời gian và con người để khu di tích Ngũ Hành Sơn mãi là gạch nối thời gian nhiệm mầu giữa quá khứ và hiện tại.

Ghi chép của Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.