.

Hãy thay đổi thói quen

.

Dùng lá chuối hay các loại túi thân thiện với môi trường để gói, đựng thực phẩm đã được chị em phụ nữ nhiều nơi ở Đà Nẵng sử dụng những năm qua. Nhưng trước sự tiện lợi và phổ biến của túi ni-lông, túi vải hay túi giấy đang đứng trước “thử thách” lựa chọn của người nội trợ, trong khi các cấp hội phụ nữ vẫn nỗ lực tuyên truyền về vấn đề bảo vệ môi trường.

Hình ảnh những lá chuối gói thịt, cá đã không còn xa lạ ở những ngôi chợ quê (xã Hòa Tiến). (Ảnh do HLHPN xã Hòa Tiến cung cấp)
Hình ảnh những lá chuối gói thịt, cá đã không còn xa lạ ở những ngôi chợ quê (xã Hòa Tiến). (Ảnh do HLHPN xã Hòa Tiến cung cấp)

Tích cực tuyên truyền

Từ nhiều năm nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ (viết tắt HPN) phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn triển khai phong trào Phụ nữ Mỹ An “Sống văn minh - chung tay bảo vệ môi trường”. Có 134 chị và 41 chi hội trưởng được tặng miễn phí giỏ nhựa đi chợ.

Chị Nguyễn Thị Yến, Chủ tịch HPN phường Mỹ An, cho biết: các chị thường xuyên tuyên truyền đến hội viên phụ nữ trên địa bàn phường về tác hại của túi ni-lông thông qua các ngày kỷ niệm lớn trong năm, các buổi họp tổ, sinh hoạt định kỳ của chi hội.

Bên cạnh đó, các chi hội vận động mỗi gia đình mua giỏ nhựa để đi chợ, các hộ khó khăn các chị trích từ quỹ để mua giỏ nhựa tặng.

Chị Trịnh Thị Lợi ở tổ 85 chia sẻ: “Mấy chị em cùng xóm thường rủ nhau đi chợ buổi sáng. Chị nào quên là bị nhắc ngay và phải về lấy cho bằng được dù đã đi đến nửa đường. Nhờ đựng đồ vào giỏ mà mỗi buổi chợ chị hạn chế được 5, 6 cái túi ni-lông”.

Ở các thôn Thạch Bồ, Cẩm Nê, La Bông, An Trạch (xã Hòa Tiến, huyện Hòa Vang), việc dùng lá chuối gói thực phẩm thay túi ni-lông được thực hiện từ năm 2010. Theo thông tin từ HPN xã, sau 5 năm tuyên truyền, vận động, đến nay 80% người dân trên địa bàn sử dụng lá chuối thay túi ni-lông (trung bình mỗi gia đình hạn chế được 3-4 túi ni-lông/ngày). Hầu hết các sạp hàng ở chợ, kể cả hàng cá, hàng thịt, người bán cũng sử dụng lá chuối để đựng thực phẩm.

Từ ngày HPN xã phát động trồng chuối lấy lá, gia đình chị Huỳnh Thị Ánh (thôn Bắc An) trồng gần cả trăm cây chuối. Trước mỗi buổi chợ sớm mai, chị lúi húi chặt lá, lau sạch sẽ, cắt lá thành từng khổ nhỏ, bó lại gọn gàng.

Chị bảo: “Tui bán cá ở chợ nhỏ (thôn Thạch Bồ). Ban đầu, dùng lá chuối rất khó gói, chừ thì quen rồi, cứ túm hai đầu là xong. Có hôm không đủ lá gói, tui đi mua lại của hàng xóm, chỉ 3.000 đồng-4.000 đồng/ký, so với bao ni-lông thì rẻ rề. Lá trong vườn xấu xấu thì tui tận dụng cắt đầu này đầu kia để dùng, lá đẹp tui bán cho những người họ mua về gói bánh chưng, bánh tét. Tiện lắm!”.

Khi mô hình này được triển khai đầu tiên ở thôn Thạch Bồ với 30 hộ tham gia, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố hỗ trợ 6 triệu đồng cho 20 hộ phụ nữ nghèo trồng chuối lấy lá làm dụng cụ gói. Đây là cách làm “một công đôi việc” vì khi trồng chuối, lá được bán cho tiểu thương buôn bán ở chợ thôn, ngoài ra còn thu hoạch được búp chuối, trái chuối, giúp cải thiện đời sống cho các chị.

Ở phố, một trong những mô hình hạn chế sử dụng túi ni-lông nổi bật thuộc về chi hội 3A, HPN phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu với cách làm “sử dụng túi may từ bạt để đi chợ thay cho túi ni-lông”. Người sáng kiến ra mô hình này là chị Hoàng Thị Tâm, chi hội trưởng chi hội 3A.

Chị là bộ đội về hưu, biết nghề may vá nên chị đi xin lại những tấm bạt cũ của những gia đình trong xóm, về may túi đi chợ tặng cho chị em. Chị Tâm tâm sự, những chiếc túi chị may là quà tặng chị em trong chi hội, trong xóm nhân các ngày lễ 8-3, 20-10 trong năm.

Món quà tuy nhỏ nhưng qua đó chị muốn nhắn nhủ với các chị em rằng, ni-lông là một chất thải cực kỳ có hại, mong chị em mỗi người có trách nhiệm chung với môi trường, mỗi người có ý thức xã hội sẽ tốt đẹp hơn.

Khó để thay đổi

Tính đến thời điểm này, trong các mô hình hạn chế sử dụng túi ni-lông do các HPN phường, xã phát động, chỉ có mô hình dùng lá chuối thay túi ni-lông của xã Hòa Tiến là phát huy được tác dụng và đang có xu hướng nhân rộng ra các xã khác của huyện Hòa Vang.

Những mô hình khác tuy ít nhiều tạo được sự thay đổi trong người dân nhưng không nhiều. Hầu như chỉ tồn tại ở một số chi hội tiêu biểu.

Tại phường Mỹ An, dù đã rất nỗ lực tuyên truyền nhưng chị Yến thừa nhận, việc tuyên truyền và triển khai thực hiện nhiều, thường xuyên, tuy nhiên hiệu quả đạt được chỉ khoảng 20%.

“Giỏ nhựa được phát miễn phí nhưng ít người dùng, chỉ những chị ở nhà nội trợ mới thường xuyên sử dụng, các chị là công chức hầu như không dùng. Ý thức của người dân trong việc sử dụng giỏ đi chợ còn thấp”.

Tương tự, ở phường Hòa Thuận Tây, dù chị Tâm đã nỗ lực may 60 chiếc túi tặng chị em nhưng số người sử dụng nó để đi chợ đếm trên đầu ngón tay. Khi chị thắc mắc, các chị trong chi hội giải thích: Túi đẹp quá mà đi chợ đựng thịt, cá, tụi em tiếc.

“Dù nhiều lần gặp tôi đã nói, các chị cứ dùng chiếc túi đó để đựng thực phẩm đi, đừng dùng túi ni-lông nữa, khi nào nó hư, nó xấu tôi lại may tặng cái khác. Tiếc gì cái túi mà hại đến môi trường, thế nhưng cũng không ăn thua. Vẫn cứ túi ni-lông mà dùng”, chị Tâm kể.

Một số chị chi hội trưởng thừa nhận, các mô hình chỉ thực sự nổi lên rầm rộ ở những ngày lễ của phụ nữ hay các chiến dịch “Phụ nữ vì môi trường” trong năm, còn lại, do thói quen dùng túi ni-lông đã ăn sâu vào ý thức người dân nên rất khó để thay đổi.

Giải thích lý do tại sao các mô hình ở phố “chết yểu”, trong khi ở quê lại “sống khỏe”, chị Lê Thị Mỹ Hạnh, Trưởng Ban tuyên giáo HLHPN thành phố, cho rằng địa bàn nông thôn rộng rãi, có thể trồng chuối lấy lá, người nông thôn chủ yếu làm nông nên việc đi chợ xuất phát từ nhà, có thể dùng giỏ nhựa được.

Trong khi ở phố, cán bộ, công chức nhiều, các chị đi làm về là tạt ngang qua chợ mua thức ăn, không thể mang giỏ theo đến nơi làm việc được vì rất cồng kềnh. Thêm vào đó, người bán ở chợ hầu hết dùng túi ni-lông, mình có muốn từ chối cũng không được. Vì nhiều nguyên nhân như vậy khiến cho việc thực hiện hạn chế túi ni-lông gặp nhiều khó khăn dù người dân đa phần đều hiểu tác hại của nó.

Biết vậy, nhưng vì môi trường, vì cái chung, các chị chi hội trưởng phụ nữ ở khu dân cư vẫn tiếp tục tuyên truyền, hy vọng một ngày nào đó chính phụ nữ làm thay đổi thói quen của mình, giúp môi trường sống tốt đẹp hơn.

Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án 582/QĐ-TTg ngày 11 tháng 4 năm 2013 về “Tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường do sử dụng túi ni-lông khó phân hủy trong sinh hoạt đến năm 2020”. Theo đó, cả nước phấn đấu đến năm 2015, giảm 40% khối lượng túi ni-lông sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại (so sánh với năm 2010).

Đến năm 2020 giảm 65% khối lượng túi ni-lông khó phân hủy sử dụng tại các siêu thị, trung tâm thương mại so với năm 2010; giảm 50% khối lượng túi ni-lông khó phân hủy sử dụng tại các chợ dân sinh so với năm 2010; thu gom và tái sử dụng 50% tổng số lượng chất thải túi ni-lông khó phân hủy phát sinh trong sinh hoạt.

QUỲNH TRANG

;
.
.
.
.
.