.

"Phép mầu" thời hiện đại

.

Trên vùng đất truyền thuyết Ngũ Hành Sơn, người ta bị mê hoặc giữa thực và ảo, nhưng việc làm của cả hệ thống chính trị và người dân hiện nay là thực: có một “phép mầu” phát triển đô thị.

Với vai trò tham gia vào công tác quy hoạch, ông Thái Quang Hồng ước mong sự chỉnh trang đô thị sớm và khớp nối quy hoạch để Hòa Quý thực sự mang “tấm áo mới”. Ảnh: H.N
Với vai trò tham gia vào công tác quy hoạch, ông Thái Quang Hồng ước mong sự chỉnh trang đô thị sớm và khớp nối quy hoạch để Hòa Quý thực sự mang “tấm áo mới”. Ảnh: H.N

Hơn 100 đường mới thay thế đường “nắng bụi, mưa bùn”

So với các quận khác ở Đà Nẵng, Ngũ Hành Sơn đất rộng người thưa nên là địa bàn thuận lợi cho việc phát triển, mở rộng không gian đô thị của thành phố về phía đông nam.

Giờ, về vùng đất của núi Ngũ Hành, là nhận ra ngay dáng dấp của một đô thị trẻ được quy hoạch, xây dựng bài bản; một vùng quê xưa nay khoác chiếc áo được thiết kế khá tỉ mẩn, có phong cách riêng.

Dù có đi trên đường Trường Sa, đường Lê Văn Hiến hay vào những con đường nhỏ hơn, rất dễ nhận ra đây là vùng đất của làng nghề đá thủ công mỹ nghệ qua tiếng mài đá và những xưởng đá trưng bày hàng trăm mẫu tượng lớn nhỏ.

Anh Quân, chủ cơ sở điêu khắc đá Trung Quân mới chuyển từ khu vực Đông Hải về khu làng nghề trên tuyến đường Mai Đăng Chơn cho biết, khu vực này đang là một “đại phân xưởng” khi mỗi cơ sở vừa xây dựng lại xưởng sản xuất, vừa tiến hành công việc điêu khắc cho kịp với đơn đặt hàng của khách. “Hiện đang trong giai đoạn hoàn thành, phải mất vài năm nữa mới ổn định. Về đây chỉ có thợ điêu khắc, sản xuất ra sản phẩm chứ không có người ở.

Mọi chuyện như bụi đá, tiếng ồn, nước thải sẽ không còn ảnh hưởng đến khu dân cư, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân. Nếu khách hàng có nhu cầu tìm đến tận xưởng thì giá cả cũng “mềm” hơn so với ở cửa hàng. Hy vọng vài năm nữa sẽ làm ăn tấn tới”.

Với 21ha diện tích làng nghề được quy hoạch mới, bố trí sản xuất tập trung, làng đá mỹ nghệ Non Nước với khoảng 500 cơ sở sản xuất đang giải quyết phần lớn việc làm cho người dân địa phương. Ở Hòa Hải trước đây số người làm nghề điêu khắc đá không nhiều, và từ một vùng thuần nông, nay tỷ lệ người dân làm nông nghiệp chiếm chưa đến 10%, bà con dịch chuyển sang nghề thương mại, dịch vụ, du lịch, số người làm trong làng nghề điêu khắc đá cũng tăng lên 2-3 lần.

Tất cả những con đường trong làng nghề điêu khắc đá, đường dân sinh của phường Hòa Hải đều được tráng nhựa phẳng phiu, đẹp đẽ, phân thành từng ô bàn cờ. So với những năm trước, Hòa Hải xứng đáng với cụm từ “thay da, đổi thịt”, khi hàng trăm con đường lớn nhỏ, dọc ngang được kết nối với nhau.

Ông Huỳnh Quang Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải ngồi đếm ngón tay: trước năm 1997, Hòa Hải từ xã lên phường mà chỉ có vài con đường chính có trải nhựa. Một số đường có cũng như không khi nắng thì bụi mù mịt nếu có chiếc xe chạy qua, mưa thì bùn lầy ngập mắt cá chân, rồi đường không có tên. Hạ tầng như con số 0.

Chưa đầy 10 năm quy hoạch, chỉnh trang đô thị, giờ cả phường có trên 100 con đường lớn, nhỏ; hệ thống đường kiệt hẻm đã được bê-tông hết, không còn đường đất. Hệ thống điện thắp sáng, nước sạch hoàn thiện. Từ đó, quy mô dân số cũng tăng từ vài nghìn dân lên con số 22 nghìn dân hiện nay với trên 5.000 hộ.

Trong khi Hòa Hải là một khu đô thị có “phong cách” riêng nhờ làng nghề đá Non Nước mang những đặc trưng không hề lẫn vào đâu so với nhiều nơi ở Đà Nẵng, thì những người con của vùng đất nông nghiệp “chay” Hòa Quý sẽ càng ngạc nhiên hơn khi thấy sự đổi thay trên quê hương.

Con đường Mai Đăng Chơn nối Hòa Hải với Hòa Quý 4 làn xe, hai bên đường nhà cửa sầm uất, trên trục giao cắt với đường Võ Chí Công nối ra Cẩm Lệ, đường vành đai nay mang tên Nam Kỳ Khởi Nghĩa nối ra tận Hòa Phước của huyện Hòa Vang. Đường mở tới đâu, thấy nhà cửa xuất hiện ở đó, dù chưa nhiều và vùng đất này vẫn là “đất rộng, người thưa”, vẫn thấy từng đàn cò bay là là trên từng cánh đồng lúa xanh rì.

Khu tái định cư Bá Tùng rộng lớn với các khu Bá Tùng 1, 3, 2A, 2B với đa số dân trước đây làm nông, nay nhờ đô thị hóa, số gia đình kinh tế khá giả cũng tăng lên. Ở đây không còn “mỗi người Hòa Quý”, mà dân tứ xứ ở Cẩm Lệ, Hòa Vang, Hải Châu cũng đổ về.

Từ con số 11.450 người năm 2010, nay số dân ở Hòa Quý đã đạt hơn 14.300 người. Ông Thái Quang Hồng, cán bộ phụ trách địa chính-xây dựng của phường Hòa Quý, cho rằng “bộ mặt của phường khang trang, đẹp hơn rất nhiều so với những năm trước, tất cả đều nhờ vào chính sách quy hoạch mà thành phố triển khai về Ngũ Hành Sơn”.

Tấm áo còn vài miếng vá

Trong chưa đến 10 năm thực hiện quy hoạch, chỉnh trang đô thị, quận Ngũ Hành Sơn với diện tích tự nhiên 3.682,9ha, đã triển khai 135 dự án. Trong đó, đã bàn giao mặt bằng cho các nhà đầu tư đưa vào sử dụng 88 dự án, đã giải tỏa được khoảng hơn 25.886 hồ sơ và di dời khoảng trên 40.900 ngôi mộ và 57 nhà thờ tộc, nhưng vẫn chưa xong phần quy hoạch. Nói như ông Huỳnh Quang Trung, phải thêm 5-10 năm nữa Ngũ Hành Sơn mới có dáng dấp riêng, khi đã có sông, có biển, có núi, có làng nghề trong một địa hình đa dạng như hiện nay.

Ở Hòa Hải, bà con ở xung quanh khu vực làng nghề chế tác và kinh doanh đá, quanh đường Huyền Trân Công Chúa đều mong ước đến sự hình thành Công viên văn hóa lịch sử Ngũ Hành Sơn. Với diện tích quy hoạch lên đến 181ha, liên quan đến trên 1.500 hồ sơ đền bù, dự án này đã kéo dài nhiều năm, ảnh hưởng đến cuộc sống của bà con khi ai được hỏi đến cũng bảo “đi chừ, đi chừ”.

Hay ở khu tái định cư phía bắc đường vành đai của phường Hòa Quý, trên 200 hộ dân chưa thể gọi là yên tâm lạc nghiệp, khi khu vực này nằm sát sông Vĩnh Điện, vốn trũng thấp, nay vì các dự án làm đường, một phần nhỏ của khu vực đã hình thành khu tái định cư, nên sự trũng thấp càng ảnh hưởng nhiều đến bà con.

Với 84ha diện tích, đất trồng lúa của bà con cũng chỉ làm được một vụ, thành phố phải hỗ trợ 1,5 triệu đồng/sào trên tổng diện tích 12,5ha cho vụ mùa còn lại. Theo ông Thái Quang Hồng, sau nhiều lần xem xét, các đơn vị quy hoạch của thành phố đề nghị chỉnh trang đô thị khu vực này, nhưng nếu có giải tỏa thì cũng phải chờ đến năm 2020.

Hiện bà con ở đây đều mong thành phố nếu có nguồn vốn, sẽ chỉnh trang khu vực sớm và khớp nối quy hoạch để cả một vùng Hòa Quý hoàn thiện với đúng nghĩa của từ “khang trang”.

Và trong một tương lai không xa, Ngũ Hành Sơn hoàn thiện quy hoạch, cơ sở hạ tầng ổn định, có thể được xem là quận đẹp nhất ở Đà Nẵng với tấm áo mới hoàn chỉnh nhất.

Sau gần 10 năm tiến hành chỉnh trang đô thị, UBND quận Ngũ Hành Sơn đã ban hành Đề án “Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề và giải quyết việc làm cho nông dân thuộc diện di dời giải tỏa, thu hồi đất sản xuất trên địa bàn quận giai đoạn 2011-2020”; tổ chức Ngày hội việc làm và tư vấn học nghề cho lao động thuộc diện di dời giải tỏa, thu hồi đất sản xuất, hỗ trợ học nghề cho lao động thuộc diện chính sách, xã hội..., giải quyết việc làm, chuyển đổi ngành nghề cho 13.477 lao động.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.