.

Những địa chỉ văn hóa

.

Có thể nói, vườn tượng của Phạm Văn Hạng là một địa chỉ văn hóa mang đậm dấu ấn cá nhân hình thành sớm nhất tại Đà Nẵng (thời điểm 1985-1986).

Theo Phạm Văn Hạng, nhằm tạo điều kiện cho ông làm xưởng điêu khắc - một người con nghệ sĩ xa quê trở về, lúc đầu, chính quyền địa phương cấp mảnh đất chừng 300m2 (khi này tại đây còn hoang sơ); về sau, ông đã mua thêm 200m2 đất liền kề mới đủ không gian phù hợp để làm điểm trưng bày vườn tượng.

Một góc Bảo tàng tư nhân Đồng Đình. Ảnh: T.T.S
Một góc Bảo tàng tư nhân Đồng Đình. Ảnh: T.T.S

Người khách đầu tiên đến thăm vườn tượng để lại kỷ niệm thú vị nhất với Phạm Văn Hạng, đó chính là danh họa Lê Bá Đảng, trong hoàn cảnh chủ nhân vắng mặt, chưa có kế hoạch đón khách. Thế nhưng, sau đó liên tiếp nhiều nhà lãnh đạo cấp cao, cũng như các văn nghệ sĩ nổi tiếng cả nước đã tấp nập ghé đến vườn tượng thường xuyên như: Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt, nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Tuân… Vườn tượng Phạm Văn Hạng trưng bày hàng trăm chân dung danh nhân văn hóa, lịch sử nhiều thời kỳ được thể hiện bằng các chất liệu đá, gỗ, đồng… Nhiều giai đoạn, vườn tượng được xếp là một trong những địa chỉ văn hóa tiêu biểu của Đà Nẵng, để giới thiệu với các đoàn khách tham quan trong và ngoài nước.

Tuy nhiên, đến hiện nay, so với Vườn tượng Phạm Văn Hạng tại Đà Lạt, thì vườn tượng đầu tiên của ông tại quê nhà lại khá mờ nhạt, không còn thu hút công chúng như xưa. Phần có lẽ do thiếu bàn tay chăm sóc của chủ nhân. Phần có thể do một số lý do khách quan nào đó… Trao đổi với chúng tôi về điều này, nhà điêu khắc Phạm Văn Hạng nói: “Cũng như những người lớn tuổi khác, đều có nguyện vọng lá rụng về cội. Do vậy, sớm muộn rồi tôi cũng trở lại gắn bó với vườn tượng ở quê nhà. Gia đình tôi, vợ là một bác sĩ, viết sách; con trai cũng là một họa sĩ. Tôi muốn cuối đời, cả gia đình tôi về lại đây chăm sóc vườn tượng này thành một địa chỉ văn hóa đích thực”.

Trong khi đó, bảo tàng tư nhân (BTTN) Đồng Đình của nhà thơ - đạo diễn truyền hình - NSƯT Đoàn Huy Giao được xem là mô hình BTTN đầu tiên tại Đà Nẵng mới được thành phố Đà Nẵng phê duyệt tổng mặt bằng quy hoạch (rộng gần 10.000m2) tại khu vực suối Bụt (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) khoảng 10 năm gần đây. Theo ông Giao, bảo tàng mang tên Đồng Đình, là tên loài cây họ cau (Caryota mitislour) mọc phổ biến ở rừng cấm quốc gia Sơn Trà. Loài cây này mọc tự nhiên và được trồng thêm xung quanh khu vực bảo tàng như một điểm nhấn cho cảnh quan sinh thái ở đây. Ông Giao vạch ra trong ý tưởng ban đầu: “Bảo tàng vừa góp phần làm phong phú các sản phẩm văn hóa du lịch của Đà Nẵng vừa là điểm giao lưu, tổ chức các sự kiện giữa các nhà nghiên cứu, sưu tập, các nghệ sĩ tạo hình cần không gian sáng tác, nghiên cứu hoặc trưng bày các tác phẩm mỹ thuật hiện đại…”.

Bảo tàng gồm một quần thể nhà rường truyền thống của xứ Quảng, có ba hồ nước tự tạo cùng với dòng suối Bụt róc rách tạo hiệu ứng sơn thủy hài hòa. Hai ngôi nhà rường truyền thống xứ Quảng được sử dụng để trưng bày các hiện vật gốm cổ có niên đại từ 100 năm đến… 2.500 năm. Những hiện vật gốm cổ này đã được giám định, thuộc các nền văn hóa Đại Việt, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Chăm Pa, văn hóa Trung Hoa và các nền văn hóa khác trong khu vực. Ngoài ra, tại đây còn có các gian phòng trưng bày các tác phẩm hội họa đương đại, độc đáo của hai tác giả Đinh Ý Nhi (tranh bột màu đen trắng nhưng đa sắc) và tranh màu mặt nạ của họa sĩ Đặng Việt Triều, một thể nghiệm giàu biểu cảm giữa hội họa và điêu khắc, là kết quả nhiều năm nghiên cứu các loại tượng nhà mồ Tây Nguyên và mặt nạ tuồng Trung Bộ của tác giả… Chủ nhân bảo tàng khẳng định: “Đồng Đình không đặt trọng tâm thu lợi nhuận mà là tạo thêm một địa chỉ văn hóa góp phần vào diện mạo văn hóa chung của thành phố Đà Nẵng… Vì thế, ban đầu bảo tàng chỉ mở cửa vào 2 ngày cuối tuần, các ngày lễ lớn hoặc đón các tour du lịch đặt trước. Phí thu dịch vụ có tính chất tượng trưng nhằm trang trải chi phí bảo vệ, bảo quản hiện vật và các công việc thường xuyên khác…”.

Bên cạnh Đoàn Huy Giao, tại Đà Nẵng, cũng còn không ít nghệ sĩ sáng tác, nhà sưu tập nuôi khát vọng xây dựng BTTN. Điển hình như họa sĩ Từ Duy, sau thời gian trải nghiệm các cuộc triển lãm tranh tại Pháp và châu Âu, tổ chức Gallery tại Hội An…, anh đã tập trung công sức triển khai kế hoạch xây dựng một bảo tàng mỹ thuật tư nhân tại ngôi nhà chính mình, nhưng tiếc thay, công việc mới tiến hành khởi đầu thì anh bị bệnh đột ngột ra đi (2008), bỏ dở cuộc chơi… Nhà sưu tập Hồ Anh Tuấn là người thừa hưởng thú sưu tầm đồ cổ của ông nội và cha, mê văn hóa Chăm từ năm 15 tuổi, hiện anh chàng đã có trong tay một bộ sưu tập cổ vật văn hóa Chăm lên đến 2.000 món. Nhiều năm qua, anh hằng khao khát: “… mở bằng được một BTTN tại Đà Nẵng, nơi có thể giới thiệu cho tất cả bạn bè trong cả nước và trên thế giới về một nền văn hóa Chăm đặc sắc, phong phú chứ không chỉ đơn thuần là đồ gốm. Kỹ nghệ làm vàng bạc của người Chăm cũng đẹp không kém. Tôi tự tin với những món cổ vật mà mình sưu tầm được có giá trị rất lớn, bổ sung thêm cho Bảo tàng Chăm (Đà Nẵng) vốn đang được bạn bè quốc tế quan tâm”. Tuy nhiên, đến hiện nay, do một số trở ngại nào đó, mà khát vọng ấy của Hồ Anh Tuấn không triển khai tại Đà Nẵng, mà chuyển hướng vào Quảng Nam.

Gần đây nhất, nghệ sĩ nhiếp ảnh Mỹ Dũng vừa thành lập cà-phê Biển báo (lô 21-22 Trần Nhân Tông, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng) – một địa chỉ khá lạ và độc, khi người khách bước vào không gian văn hóa giao thông thu nhỏ trong quán cà-phê, với hàng trăm thứ  “đồ cổ bỏ đi” của các loại  ô-tô, xe máy, như đèn, còi, yên, khung, bàn đạp, biển số, kính chiếu hậu,… được trình bày theo lối  nghệ thuật sắp đặt hiện đại. Thế nhưng, tại đây,  ngoài ý tưởng nhân văn, giúp mọi người đủ thời gian ý thức hơn về vấn đề giao thông, còn có những khu vực trưng bày các bộ sưu tập sinh hoạt của người dân vùng biển được lưu giữ hàng trăm năm nay. Bởi, theo Mỹ Dũng: “Tại sao chúng ta những người sinh ra và lớn lên ở miền biển, mà lại ít người hiểu rõ người dân làng chài hàng trăm năm nay đã sinh sống ra sao, những vật dụng gắn bó với họ nhiều thế hệ nay như thế nào? Tôi muốn xây dựng nơi đây, trên chính vùng đất ven biển một bộ sưu tập về văn hóa miền biển”.

Như vậy, nhìn lại những địa chỉ văn hóa phục vụ nhu cầu công chúng mang dấu ấn cá nhân tại Đà Nẵng, tuy ít nhưng không phải là nghèo nàn và thiếu phong phú. Vấn đề còn lại là làm thế nào để phát huy, quảng bá để nhiều người biết cùng tham gia xây dựng và hưởng ứng.

TRẦN TRUNG SÁNG

;
.
.
.
.
.