.

Nâng cao uy tín giải thưởng văn học

Dù có người chẳng mấy quan tâm hoặc từ chối giải thưởng, nhưng giải thưởng vẫn luôn là một phần không thể thiếu trong đời sống sáng tạo, nhất là trên lĩnh vực sáng tác văn học nghệ thuật. Làm sao hạn chế sai sót và tìm được tiếng nói đồng thuận giữa giám khảo, giới chuyên môn và dư luận xã hội là vấn đề “nhạy cảm” luôn đặt ra đối với những người có trách nhiệm…

Bình thường và không bình thường

Đã thành thông lệ ở nước ta, cứ vào thời điểm cuối năm lại rộ lên chuyện giải thưởng. Từ văn hóa nghệ thuật đến các lĩnh vực khoa học, kinh tế, an sinh xã hội,… đều trao thưởng cho những tác phẩm, cá nhân, đơn vị đạt thành tích tốt trong năm. Ở Trung ương có giải của các hội nghề nghiệp, liên hiệp hội, ngành, bộ hoặc cấp cao hơn. Ở cấp tỉnh, huyện, xã hoặc các cấp cơ sở tương đương cũng vậy. Đó là một hoạt động bình thường nhằm ghi nhận, tôn vinh những giá trị sáng tạo hoặc sự hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong một năm.

Tuy nhiên, bên cạnh sự bình thường thì lại có những hiện tượng giải thưởng không bình thường, mà văn hóa nghệ thuật là lĩnh vực luôn gây “sóng gió” trong dư luận. Ngoài những tranh cãi về việc trao giải cho các tác phẩm kém chất lượng hoặc cho thành viên ban giám khảo, thì còn những sự cố bị tố đạo nhạc, đạo tranh, đạo ảnh, đạo ý tưởng,… Đó là chưa kể những dư luận không hay về chuyện “chạy chọt” để đoạt giải.

Chẳng những nhận lấy vinh dự trước mắt, mà giải thưởng hằng năm của các hội nghề nghiệp còn là một yếu tố quan trọng làm “bệ phóng” cho tác giả hướng đến những giải thưởng cao hơn như Giải thưởng Nhà nước, Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật. Vì lẽ ấy, giải thưởng hằng năm của các hội luôn thu hút sự tham gia đông đảo của giới sáng tác, từ đó cũng nảy sinh sự tiêu cực ở một số người thiếu tầm lẫn tâm.

Trong số các hội nghề nghiệp, giải thưởng thường niên của Hội Nhà văn Việt Nam luôn gây chú ý nhất trên các diễn đàn và làm hao tốn nhiều bút lực cánh nhà báo. Ở một đất nước yêu văn học, đến xã, phường cũng có câu lạc bộ thơ ca, không ít cán bộ có chức có quyền khi về hưu bỗng thích làm thơ, viết văn, thì việc mọi người quan tâm đến giải thưởng và kết nạp hội viên Hội Nhà văn Việt Nam cũng là lẽ thường tình. Mỗi năm, Ban Chấp hành Hội chỉ bỏ phiếu kín kết nạp trung bình từ 30-40 hội viên mới, trong khi có gần 1.000 đơn xin vào hội mà có người “xếp hàng” tới mấy mươi năm vẫn chưa tới lượt; đồng thời hội chỉ trao giải thưởng, tặng thưởng cho vài tác phẩm được bầu chọn từ mấy trăm tập truyện, thơ, lý luận phê bình, dịch thuật từ khắp cả nước gửi về dự giải. Có lẽ vì cái “danh” của nhà văn và cái “lợi” của giải thưởng mà cứ vào cuối năm Hội Nhà văn Việt Nam trở thành tâm điểm của dư luận đời sống văn hóa nghệ thuật. Để rồi khi danh sách hội viên mới, đặc biệt là giải thưởng được công bố thì bao giờ cũng diễn ra tranh luận sôi động, nhất là trên các diễn đàn mạng.

Đầu năm 2013 vừa qua, sau khi Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam năm 2012 mới vừa bầu chọn xong, chưa công bố chính thức, nhưng đã “xì” ra ngoài và các báo đưa tin. Ngay lập tức một cuộc tranh cãi “nảy lửa” đã diễn ra với nhiều ý kiến trái chiều nhau đến cực đoan về một tập truyện ngắn, ba tập thơ và một tập tiểu luận phê bình được giải. Chưa dừng ở đó, sóng gió càng “nổi” mạnh hơn khi hai nhà văn có tác phẩm chỉ được nhận tặng thưởng (bằng khen) đã đăng đàn tuyên bố không nhận và có ý phê phán ban giám khảo thiên vị. Cộng đồng mạng phần lớn vừa bênh vực họ vừa “đánh” tơi bời những tác phẩm đoạt giải thưởng chính thức nói trên.

Giải thưởng không quyết định sức sống bền lâu của tác phẩm

Nhà văn nổi tiếng Murakami Haruki người Nhật, ứng viên nặng ký nhiều năm nay của Giải Nobel Văn chương đã từng phát biểu rằng: “Tôi chẳng mấy quan tâm đến bất kỳ giải thưởng nào. Giải thưởng đích thực của tôi là độc giả, những độc giả đang mong chờ tác phẩm kế tiếp của tôi. Tôi rất trân trọng sự quan tâm và thủy chung của họ. Tôi đã nỗ lực suốt nhiều năm trời để nắm được tư tưởng họ, tâm hồn họ…”. Quan niệm ấy của nhà văn Murakami không phải là cá biệt, bởi cái đích cuối cùng của người sáng tạo văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung không phải là giải thưởng mà chính là độc giả, người thưởng ngoạn.

Chẳng những không mấy quan tâm giải thưởng như Murakami, mà có những tài năng văn học của thế giới còn từng từ chối các giải thưởng danh giá, như nhà thơ Erik Axel Karlfeldt của Thụy Điển đã rút khỏi đề cử Giải Nobel năm 1912, nhà văn Boris Leonidovich Pasternak người Nga từ chối giải này trong mười năm liền, nhà văn Jean Paul Sartre của Pháp không nhận Giải Nobel năm 1964,… Vì vậy, việc một nhà văn có quan tâm hoặc nhận giải hay không tùy thuộc vào cách hành xử của nhà văn đó, không nên lợi dụng giải thưởng để đánh bóng tên tuổi, xúc phạm đồng nghiệp, hoặc vì những mục đích ngoài văn chương.

Hơn nữa, dù ban giám khảo có tài giỏi đến mấy thì việc chấm giải cũng chỉ là cách nhìn nhận chủ quan của một nhóm người, nghĩa là vẫn có những hạn chế sai sót nhất định. Một tác phẩm hay đích thực sẽ vượt qua mọi giới hạn của giải thưởng lẫn thời gian, sống lâu bền trong lòng bạn đọc, mang lại cái đẹp nhân văn làm cho cuộc sống con người có ý nghĩa hơn. Chính lịch sử văn học Việt Nam đương đại cho thấy, có những tác phẩm từng được giải thưởng cao, được tung hô, nhưng dần bị rơi vào quên lãng; trong khi nhiều tác phẩm như truyện của Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Nguyễn Huy Thiệp hoặc thơ của Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Lê Đạt, Hoàng Cầm, Bùi Giáng,… khi ra đời đâu nhận được giải thưởng nhưng các thế hệ độc giả vẫn luôn tìm đọc.

Tuy vậy, nhằm tránh những dư luận không hay về việc bầu chọn giải thưởng, Hội Nhà văn Việt Nam cũng như các hội nghề nghiệp khác cần xây dựng tiêu chí thật chặt chẽ, tổ chức việc chấm giải minh bạch, mời những nhà chuyên môn thực sự có uy tín tham gia các hội đồng giám khảo, công khai ý kiến nhận xét của các thành viên chung khảo. Điều đó không chỉ hạn chế sự định kiến, thiên vị, qua loa hời hợt, thiếu trách nhiệm trong việc thẩm định, mà còn định hướng thẩm mỹ cho người đọc khi đón nhận những tác phẩm tốt đã qua bình xét kỹ lưỡng của những con mắt “nhà nghề”. Giữa ban giám khảo, giới sáng tác và bạn đọc cũng sẽ tìm được tiếng nói đồng thuận hơn đối với những tác phẩm được vinh danh. Uy tín giải thưởng nhất định cũng sẽ được nâng cao.

PHAN HUỲNH

;
.
.
.
.
.