.

Trồng cây lưu niệm

.

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi và phát động Tết trồng cây hằng năm trên toàn quốc: Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân. Du lịch trồng cây bây giờ nghe không mới, nhưng cần có những ý tưởng mới, cách làm hay, sẽ thành công và tạo ra hiệu ứng tốt.

Ngài Yasuaki Tanizaki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam (người đứng giữa) cùng lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng trồng cây hoa anh đào đầu tiên tại Bà Nà vào năm 2010. Ảnh: T.T
Ngài Yasuaki Tanizaki, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Nhật Bản tại Việt Nam (người đứng giữa) cùng lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng trồng cây hoa anh đào đầu tiên tại Bà Nà vào năm 2010. Ảnh: T.T

Có lẽ bài học hay nhất vẫn là chủ trương trồng cây trong khuôn viên đàn Nam Giao của vua Minh Mạng. Các đời vua kế tiếp thực thi ý tưởng này, tạo ra lệ tục tốt đẹp ở Huế thời nhà Nguyễn, và hiệu quả là đã để lại một rừng thông tâm linh, rừng thông giàu ý nghĩa nhân văn, từng đem lại niềm tự hào cho nhiều gia đình, dòng họ.

Đưa ra ý tưởng, đồng thời vua Minh Mạng cũng là người đầu tiên tự tay trồng 10 cây thông ở Trai Cung, rồi vua Thiệu Trị trồng 11 cây. Các vị Hoàng thân mỗi người trồng 1 cây. Các quan văn, võ trong triều hàm nhị phẩm, quan Phủ doãn Thừa Thiên, đều trồng mỗi người 1 cây. Thời Tự Đức mở rộng đối tượng được trồng cây. Các mệnh quan triều đình được thăng chức, sau khi đến bái mạng nhậm chức đều phải lên Nam Giao tự tay trồng thông và ủy nhiệm cho người khác bảo vệ, chăm sóc. Cây bị chết thì phải trồng lại cây khác thay thế. Mỗi cây được buộc một cái thẻ bằng đồng, hoặc bằng đá, khắc tên và chức vụ của người trồng, ngày trồng. Kể cả cây do nhà vua đích thân trồng cũng được đeo thẻ.

Đó chính là phép màu để cây nào được trồng ở đàn Nam Giao cũng sống tốt, sống khỏe. Các vị đại quan ai cũng muốn tên tuổi của mình gắn chặt với nơi thiêng liêng, với cây thông lịch sử. Không có ai muốn mỗi lần lên tế Giao thấy bảng tên của mình bị treo trên một cành cây thấp nhỏ, khô héo, thiếu sức sống.

Lâu nay ở một số di tích lịch sử, nhà lưu niệm, khu du lịch... cũng có tổ chức trồng cây lưu niệm. Nhưng diện tích dành cho trồng cây không nhiều, đối tượng trồng cây rất hạn chế, thông thường chỉ dành cho các vị lãnh đạo cấp cao trên Trung ương và lãnh đạo địa phương sở tại. Thời điểm trồng cây cũng chỉ ở ngày khởi công dự án, ở giai đoạn mới khánh thành công trình. Chưa thấy cơ quan, đơn vị nào quy hoạch quỹ đất dành cho du khách trồng cây lưu niệm.

Thậm chí có lối trồng cây rất phản cảm. Một doanh nghiệp lớn của TP. Hồ Chí Minh tổ chức lễ khởi công một dự án lớn ở Khu Kinh tế Chân Mây - Lăng Cô. Dự án có tầm cỡ lớn, triển khai trên diện tích hơn 600ha. Họ mời Thủ tướng Chính phủ đến dự lễ khởi công và trồng cây lưu niệm. Thế nhưng, ít hôm sau cây lộc vừng Thủ tướng vừa trồng bỗng dưng biến mất. Nhà đầu tư đã chuyển cây lưu niệm của Thủ tướng vào Đà Nẵng, nơi có bản doanh tiền phương của doanh nghiệp nọ. Những người biết chuyện luận bàn: Cũng đúng thôi. Sau lễ động thổ công trình sẽ nằm bất động. Cây không bứng đi thì không bị mất cắp cũng bị chết bởi không có ai ở lại chăm sóc, coi ngó.

Trở lại chuyện tổ chức cho du khách trồng cây lưu niệm. Đây là một ý tưởng hay, mở ra một sản phẩm du lịch mới, một dịch vụ mới, vừa đậm tính nhân văn vừa có hiệu quả kinh tế - xã hội. Rất tiếc là chưa thấy hãng lữ hành nào phối hợp với các cơ quan chức năng thể nghiệm những tour có tổ chức cho du khách trồng cây lưu niệm ở một thời điểm, tại một điểm đến thích hợp.

Thời điểm thích hợp là vì trồng cây phải theo mùa, phải tùy thuộc khí hậu, thời tiết, hoặc là trồng để hưởng ứng những sự kiện lớn, hưởng ứng ngày môi trường, vì môi trường xanh, sạch, đẹp... Điểm đến thích hợp vì liên quan đến không gian quy hoạch kiến trúc - cảnh quan, cơ cấu cây trồng thích hợp với thổ nhưỡng, công tác bảo vệ, chăm sóc cây sau khi trồng...

Ý tưởng du lịch trồng cây rất khả thi, và chắc chắn sẽ có khá nhiều du khách hưởng ứng nếu được tổ chức tốt. Tôi tin là sẽ có rất nhiều du khách sẵn sàng bỏ tiền mua những cây đẹp, cây quý để trồng ở các điểm di tích lịch sử - văn hóa khi được đưa vào quy hoạch trồng cây lưu niệm.

Chẳng hạn, tại Huế, khuôn viên đàn Nam Giao vẫn còn vài khu đất trống ở hướng nam, nên chăng tổ chức trồng tất cả các loại thông hiện có ở Việt Nam, và ở các nước có đặc điểm thổ nhưỡng, khí hậu giống Việt Nam, như là một bộ sưu tập, một bảo tàng thông? Huế nên có thêm những con đường phượng tím, đường mai vàng, đường lộc vừng chạy dọc Hộ thành hào. Bên trong Đại Nội, ở các khu vườn Ngự, Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế nên chăng quy hoạch một vài khu vực cho du khách, cho các nhà sinh vật cảnh trồng những loại cây phù hợp với kiến trúc đình, tạ, lầu, gác như ngô đồng, liễu rũ, hải đường, mẫu đơn... theo sự tư vấn của các nhà “lâm học về cung đình”.

Ở các di tích lịch sử - văn hóa, các điểm tham quan du lịch nên có thêm những khu vực dành cho các đoàn khách quốc tế, kể cả các đoàn ngoại giao, trồng cây đặc chủng của mỗi quốc gia - như cây anh đào đối với khách Nhật Bản. Được biết, ở  Việt Nam nhiều tỉnh thành đã trồng cây Baobab như thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Huế... và tất cả đều trồng tự phát, riêng thành phố Đà Nẵng thì chưa xuất hiện loại cây này. Có ý kiến cho rằng, có thể trồng cây này thành một khu rừng cảnh quan quy mô nhỏ tại khu vực Bà Nà với kinh phí đầu tư không lớn nhằm phục vụ du lịch và nghiên cứu. Cũng nên suy nghĩ đến việc chọn những đoạn đường dành cho khách Hàn Quốc trồng cây ngân hạnh, khách Trung Quốc trồng cây phong, tạo ra những con đường rực rỡ sắc vàng, sắc đỏ khi mùa thu về…

Sản phẩm du lịch trồng cây lưu niệm sẽ là thú vui, tạo ra sự hiếu kỳ, tạo cơ hội cho du khách để lại một kỷ niệm trong chuyến du lịch. Có những du khách sẽ trở lại để dõi theo sự phát triển của cây, để chụp một bức ảnh kỷ niệm bên cây mình đã tự tay trồng năm trước... Áp dụng “phép màu” của các vua nhà Nguyễn, một ngày không xa “cây sẽ mọc thành rừng, và rừng sẽ lên xanh” ở các điểm đến.

Thời thịnh của Nho giáo, một nhà hiền triết phương Đông dạy các học trò của mình rằng: Thập niên chi kế bất nhi thọ mộc/Bách niên chi kế bách nhi thọ nhân. Lợi ích của việc trồng cây được so sánh với lợi ích trồng người, đào tạo nhân lực. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người biết trân trọng và khai thác mọi tinh hoa tri thức của nhân loại. Từ ý tưởng hay của người xưa, Người chủ trương phát động Tết trồng cây với lời kêu gọi Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân.

THANH TÙNG

;
.
.
.
.
.