.

Say mê thôi vẫn chưa đủ...

.

Trong cái lạnh se sắt cuối đông, ngày hội Văn hóa dân gian Trường THPT Phan Châu Trinh diễn ra đầy sắc màu dân dã. Những cô hàng nước lúng liếng nụ cười, những chàng trai làng chân chất cất giọng hô điệu bài chòi ngọt lịm làm nao lòng khách… học trò. Những khoảnh khắc “nghìn năm ai dễ” ấy không chỉ lưu vào ký ức mà còn được các tay máy học trò ghi lại bằng những tấm ảnh “xuất thần”…

Khoảnh khắc đời thường được ghi lại từ ống kính của bạn trẻ Khả Trí (trái) và cô giáo Phan Nguyệt.
Khoảnh khắc đời thường được ghi lại từ ống kính của bạn trẻ Khả Trí (trái) và cô giáo Phan Nguyệt.

Có thể nói không chỉ tuổi trẻ mà mọi người bây giờ say mê chụp ảnh, mọi lúc mọi nơi. Chụp bằng máy ảnh, điện thoại di động, máy tính bảng... bằng tất cả những phương tiện có thể. Để rồi thỉnh thoảng lôi ra nhìn ngắm hay đưa lên trang mạng cá nhân (Facebook) để mọi người cùng chiêm ngưỡng. Trong thời đại mà văn hóa nghe nhìn chiếm ưu thế như hiện nay thì quả là một tấm ảnh có thể nói lên nhiều điều mà không cần đến bút mực để giao tiếp…

Em Ngô Nguyễn Khả Trí, một tay máy cựu học sinh Phan Châu Trinh, lang thang khắp các hoạt động của ngày hội để “truy lùng” những khoảnh khắc đẹp. Em bảo năm nào cũng về trường vào các dịp khai giảng, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11, ngày hội Văn hóa dân gian… để chụp ảnh, chỉ với một lý do duy nhất là muốn lưu lại điều đẹp nhất của ngày tháng học trò. Chúng tôi vô cùng thắc mắc khi thấy Khả Trí từ chối một lời đề nghị chụp ảnh của một vài nhóm bạn học sinh tại ngày hội thì nhận được nụ cười kèm lời giải thích rất chất nghệ sĩ: “Các bạn ấy chỉ thích chụp hình kiểu nhí nhố… dễ đi đến phản cảm. Em chỉ muốn tìm kiếm ảnh đẹp như một câu chuyện về con người…”.

Không phải ngẫu nhiên mà Từ điển Oxford của Anh đã chọn từ Selfie (chụp ảnh tự sướng) là từ khóa của năm. Đó là kiểu ảnh một người tự chụp mình bằng điện thoại hoặc webcam rồi đăng lên các trang mạng. Trào lưu này bắt nguồn từ Úc và nhanh chóng lan rộng toàn thế giới. Và đây cũng là một xu hướng mà tuổi trẻ yêu thích vì sự tiện dụng và nhanh nhạy của nó. Chỉ cần một chiếc điện thoại xịn một chút là ai cũng có thể ghi lại những phút giây ngộ nghĩnh, thậm chí rất riêng tư của bản thân để gửi cho tất cả bạn bè, gia đình… ngay tức khắc. Và tất nhiên những tấm ảnh kiểu “chu môi, phồng má” chỉ nhìn rồi quên chứ không thể là một tấm ảnh mang tính nghệ thuật cao.

Tính ưu việt của thời đại công nghệ thông tin đã giúp tuổi trẻ ngày nay có thể sử dụng thành thạo máy ảnh sau vài ba ngày thọ giáo những bài học cơ bản. Từ việc lấy góc, chọn nét, đến chỉnh màu, ánh sáng… đều được lập trình tự động hoặc có phần mềm chỉnh sửa. Những công đoạn này các tay máy thời thập niên 80 thế kỷ trước phải vật vã cả năm trời mới có thể nắm bắt được. Sự dễ dàng và thuận tiện của công nghệ khiến các bạn trẻ cầm máy ngại chụp ảnh nghệ thuật mà hầu như chỉ chạy theo các trào lưu mang tính ứng dụng cao.

Ví như một năm gần đây, trên mạng cộng đồng rộ lên phong trào chụp ảnh Chibi. Chỉ cần vài chục giây là có thể hô biến một bức ảnh thật thành tranh vẽ hoạt hình ngộ nghĩnh, dễ thương với các kiểu áo quần, mái tóc từ cổ trang đến hiện đại. Hay như phong trào chụp ảnh kiểu chổi bay đầy chất phù thủy trong truyện Harry Potter. Hoặc chụp ảnh kiểu tung chưởng kiểu Nhật hay Thần chưởng kiểu Mỹ, kiểu mặt ngựa, mặt mèo… Có thể nói rằng các trào lưu ảnh của tuổi trẻ cứ thay đổi xoành xoạch mà tuổi thọ của chúng chỉ tính theo đơn vị tháng mà thôi.

Bên cạnh các trào lưu ảnh ứng dụng ào ạt chảy trên mạng cộng đồng, vẫn còn đó những tay máy trẻ mải miết đi tìm những khoảnh khắc đẹp của con người và cuộc sống. Những lát cắt của cuộc đời đau đáu qua đôi mắt của nhà nhiếp ảnh hóa thân thành thông điệp tình yêu. Trong chiếc túi xách của cô giáo trẻ Phan Nguyệt ở Trường THPT Phan Châu Trinh, ngoài giáo án lên lớp, lúc nào cũng có chiếc máy ảnh hiệu Canon đời mới. Trên đường đến trường, một chiếc lá bàng đỏ muộn màng còn sót cuối đông, một chùm phượng nở đầu hạ hay một gánh hàng rau ven đường… cũng khiến cô dừng bước. Những bức hình chụp vội dòng người chảy trôi trên phố của cô như những bức tranh ký họa dồn nén những cảm xúc nồng nàn…

Thế mới biết, để chụp được một bức ảnh đẹp, giàu cảm xúc và chuyển tải được một thông điệp của cuộc sống, người cầm máy chỉ say mê thôi là chưa đủ. Mà phải thật sự đam mê suốt một đời người…

NHƯ HẠNH

;
.
.
.
.
.