.
Đường mang tên danh tướng ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông:

Trần Hưng Đạo (phần 2)

.

Trần Hưng Đạo không chỉ có công lớn trong ba lần kháng chiến chống Nguyên Mông mà còn thể hiện tài thao lược quân sự qua các bộ binh pháp Binh thư yếu lược và Vạn Kiếp bí truyền.

Mô tả ảnh.
Tranh minh họa trận đánh trên sông Bạch Đằng năm 1288.
(Nguồn: nghethuatquansuvn.wordpress.com)

Ông vốn có tài quân sự, lại là tôn thất nhà Trần, nên trong cả ba lần quân Nguyên Mông tấn công Đại Việt, ông đều được vua Trần cử làm tướng chống giặc. Dưới sự lãnh đạo của ông, quân dân Đại Việt chiến thắng ở Chương Dương, Hàm Tử, Vạn Kiếp, Bạch Đằng, đuổi quân Nguyên Mông ra khỏi đất nước.

 


Năm 1258, khi 2,5 vạn kỵ binh Mông Cổ ào ạt vượt qua biên giới, mở đầu cuộc tiến công xâm lược Đại Việt, ông được vua Trần Thái Tông giao binh quyền phòng thủ và đánh giặc. Với tài điều binh khiển tướng, ông đã góp phần xứng đáng vào thắng lợi chung của quân dân Đại Việt ngay trong cuộc kháng chiến chống quân xâm lược Nguyên Mông lần thứ nhất.


Năm 1284, quân Nguyên ráo riết chuẩn bị xâm lược nước ta lần thứ hai, ông được vua cử làm Quốc công Tiết chế thống lĩnh quân đội. Trước ba quân, ông dõng dạc đọc bài Hịch tướng sĩ để động viên tinh thần chiến đấu: “Ta thường tới bữa quên ăn, nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa; chỉ căm giận chưa thể xả thịt, lột da, ăn gan, uống máu quân thù; dẫu cho trăm thân ta phơi ngoài nội cỏ, nghìn thây ta bọc trong da ngựa, ta cũng cam lòng”.


Thế giặc quá mạnh, ông phải cho quân vừa đánh, vừa rút lui để bảo toàn lực lượng. Thái thượng hoàng Trần Thánh Tông lo lắng, hỏi ông xem có nên hàng không? Ông khẳng khái trả lời: “Bệ hạ hãy chém đầu thần trước đã, rồi hãy hàng”. Vua nghe nói thế, vững dạ. Tháng 5-1285, thấy thời cơ đã đến, ông tổ chức phản công, đánh cho quân giặc tan tành ở các trận Tây Kết, Hàm Tử, Chương Dương, đuổi chúng ra khỏi bờ cõi.
Năm 1288, vua Nguyên cho binh tướng sang đánh trả thù. Cũng như hai lần trước, quân Nguyên mau chóng đánh tan quân Đại Việt cả trên bộ lẫn trên biển, nhưng lại chịu tổn thất nặng nề: lương thực vận chuyển bằng tàu biển bị mất hết, phần do quân ta tấn công, phần do bão biển và đi lạc. Quân Nguyên chiếm được Thăng Long, nhưng lại bị đói giống như hai lần trước.


Vì đói và có nguy cơ bị quân Đại Việt chia cắt, quân Nguyên bỏ Thăng Long rút về Vạn Kiếp, rồi chủ động rút lui dù quân ta chưa phản công lớn. Cánh thủy quân của tướng Ô Mã Nhi đã bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn tại sông Bạch Đằng khi chúng định rút ra biển. Chiến trận trên sông nước lẫy lừng muôn thuở này đã buộc quân Nguyên Mông phải từ bỏ hoàn toàn mưu đồ xâm lược nước ta.


Quân Mông Cổ tự hào rằng vó ngựa quân mình đến đâu, cỏ không còn mọc đến đó. Mông Cổ từng chinh phục từ Âu sang Á, nhưng họ lại thất bại tại Nhật Bản và Đại Việt. Tuy nhiên, Nhật Bản may mắn nhờ một trận bão biển làm thiệt hại bớt tàu của Mông Cổ, còn Đại Việt thì nhờ tài điều binh khiển tướng của Hưng Đạo Đại Vương mà bờ cõi được yên.


Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn đã ghi tên mình vào một trong những trang sử kháng chiến chống ngoại xâm hào hùng nhất của dân tộc Đại Việt. Ông đã xả thân cả đời mình vì sự tồn vong của đất nước, cho nền nghệ thuật quân sự nước nhà, đặt cơ sở cho sự hình thành binh pháp Việt Nam với những tác phẩm giá trị: Hịch Tướng sĩ, Vạn Kiếp tông bí truyền thư, Binh gia diệu lý yếu lược (hay Binh thư yếu lược).


Cuối đời, trước khi trút hơi thở cuối cùng, con người lẫy lừng này vẫn còn ưu tư việc quốc gia đại sự khi trả lời vua Trần Anh Tông về quốc sách giữ nước: “Vua tôi đồng tâm, anh em hòa mục, cả nước góp sức, giặc phải bị bắt”.


LÊ GIA LỘC

;
.
.
.
.
.