.

Mùi áo mới

.

Ngày mưa lạnh, kẻ sợ ướt át lấm chân, người ngại những cơn gió táp thẳng vào mặt mang về rét mướt. Riêng hắn chỉ rợn mỗi mùi nồng nồng của áo ấm mới. Rợn chẳng biết có đúng không, chỉ biết đấy là thứ cảm xúc khó tả cố hữu trong hắn đã lâu khi nhớ về ngày ấy.


Quê hắn nghèo nằm kẹp giữa hai dòng sông, con đường sắt vất vưởng vắt ngang chia cái làng đã nhỏ nay manh mún hơn. Kế sinh nhai hơn trăm hộ dân nơi đây là hạt lúa và rau màu trồng được trong vườn, nhà hắn cũng trông vào ba sào ruộng được cấp từ hồi mới giải phóng nên việc đồng áng với đứa trẻ lên mười như hắn ngày ấy không có gì làm lạ. Chẳng biết tự bao giờ, những ước mong con nít trong hắn lụi hẳn, không khát khao con búp bê hay bộ đồ bán hàng, còn ý thức được một lần đến công viên thị xã là điều xa xỉ. Duy chỉ mơ một thứ mà trăm đứa khác gọi là bình thường nếu không muốn nói là tầm thường: chiếc áo ấm mới.
Mùa đông năm ấy về phủ mưa, mây vần vũ xám xịt cả trời làng. Ruộng đồng mênh mông nước. Nương vườn ngập úng. Kế sinh nhai của hộ thuần nông coi như tiệt. Mùa ấy hệt mùa đói những năm sau Cách mạng, nói gì đến ước mơ của hắn thực hiện được.

 

Mô tả ảnh.
Minh họa: Hoàng Đặng


Chiều ấy lớp tan, trời lại giăng màn mưa làm con đường làng nhão nhoẹt bẫy hắn ngã nhào, lấm từ đầu đến chân một màu bùn. Vừa đau vừa khóc vì sợ mẹ la nhưng vẫn cố gượng dậy gắng nốt đoạn đường còn lại với toan tính tí nữa sẽ “trình bày” với mẹ ra sao để êm xuôi mọi chuyện. Về tới cửa, không thấy mẹ đâu, hắn chạy thẳng vào định thay lẹ bộ đồ để “phi tang” thì đã nghe tiếng:
- Trời ơi, răng ri con? Thay đồ khô mau kẻo đau chết con ơi.

 


Nghe mẹ đằm giọng, hắn đánh tiếng thở phào rồi đi vào trong, mẹ lại với theo:


- Thay nhanh ra ghế có thứ cho con đó.
- Dạ, thứ chi hả mẹ?
- Cứ ra rồi biết.


Hắn dội nhanh ca nước mưa lạnh tanh cho trôi vết bùn bám, hấp tấp chạy ra ghế háo hức xem thứ gì mẹ mới nói. Trời ơi! Áo ấm! Áo ấm! Như nông dân được mùa, hắn ngày ấy ôm cái ước mơ đã được vật chất hóa vào lòng nhảy cẫng lên sung sướng, sóng sánh trình diễn với ba mẹ, đứng trước gương quay tứ phía rồi lại cởi ra áp lên mặt hít thật sâu để ngửi mùi mới –  mùi mong ước ròng rã mấy năm trời.
Sung sướng.


Nhưng không đầy một đêm.


Cơm tối vừa xong, cả nhà quây quần bên chiếc bàn nhỏ uống chè xanh. Nghe tiếng con Lắc (con chó ba mang tận trong Đắc Lắc về) ra rả ngoài đường, mẹ chạy xuống nhà dưới mở cửa. Bác Hạnh hàng xóm sang nhưng không vào mà đứng ngay hành lang nhỏ to với mẹ:
- Tui mặc đẹp lắm chị ơi, ai cũng khen hết. Đỡ mất công tìm mua mà chắc chi đã có áo lông đẹp như ri.
- Dạ, em cũng thích lắm nhưng thôi để lại cho chị vì cấn chút chuyện - Mẹ ôn tồn đáp.
- Tui biết chớ, cực chẳng đã chị mới để lại cho tui, tui đưa thêm ít chục coi như cám ơn  – Bác Hạnh dúi vào tay mẹ mấy tờ bạc chào về.


Đang loay hoay cài then cửa mẹ bỗng giật thót khi nghe hắn nấc lên từng hồi bên góc nhà. Hắn nghe hết chuyện.


- Mẹ lừa con, mẹ bán áo của mẹ để mua cho con mà không nói. Con không cần, con không mặc – Hắn  vung văng lột áo quẳng sang bên ghế rồi chạy vào giường nằm ngằn ngặt khóc, để mặc mẹ đứng đấy giàn giụa.


Đêm đã về khuya.


Căn nhà tối om. Gió rít qua bức phên tre nghe rõ từng hồi, hợp vào đấy là oàm oạp tiếng nhái kêu. Não nề.
Hắn kéo chăn ngồi dậy tựa bên mép buồng suy nghĩ, một phút, hai phút, nửa tiếng, một giờ, hai giờ… Đến nát óc mới ngộ ra mẹ không lừa mình, tại mẹ thương mình quá nên bán áo lông của mẹ đi để mua áo mới. Chao ôi, thế mà hồi tối lại thét lên rằng mẹ lừa, mẹ nói dối, mình hỗn và cạn nghĩ quá thôi.
Đã canh ba, tiếng gà gáy râm xóm. Hắn xuống giường quờ quạng lấy cây đèn lên nhà trên uống nước, ánh lửa từ buồng ra nhà dưới, lên nhà trên chập chờn. Hắn bỗng khựng lại, tóc gáy dựng đứng lên khi thấy cái bóng bó gối úp mặt hắt lên tường. Mẹ đấy. Lại khóc.


- Con xin lỗi, con sai rồi, tại con thương mẹ quá. Không có thì thôi, mẹ bán áo mẹ làm chi, con chịu được mà.


- Mẹ không muốn con lủi thủi bỏ về khi bạn bè con khoe áo mới, không muốn con chịu lạnh.
- Nhưng mẹ bán đi rồi, mai mốt đi cưới hỏi hay công chuyện, mẹ có còn cái áo ấm mô nên thân không?
- Mẹ tới độ ni rồi, đẹp làm chi con…

Con đường sắt vắt ngang làng ngày trước giờ chẳng mấy người đi, dần dà cỏ mọc um tùm che kín cả lối mòn. Chạy song song với nó là một con đường mới, cao và trông kiên cố hơn nhiều. Đã vãn cảnh mỗi sớm tinh mơ người ta í ới gọi nhau vác cuốc ra đồng, mấy bà mấy cô liêu xiêu gánh rau xuống chợ, thu nhập từ hạt lúa cọng rau đã xuống hàng thứ yếu. Nhà tranh vách đất cũng chỉ còn trong ký ức bao người. Nhà hắn cũng bắt kịp nhịp tiến đó.


Thoáng cơn gió và lất phất mưa mùa lạnh là quá khứ lại ùa về trong hắn như cuốn phim quay chậm với đầy đủ mọi khuôn hình. Có ngày trời “làm dữ” để đường làng nhão nhoẹt, có ước mong và niềm vui con nít, có cả nước mắt của mẹ… tất cả chiếm lấy một khoảng lớn trong lòng hắn để trở thành một nỗi niềm nhức nhối không tên.


Hắn bước qua ngưỡng cửa 16, 17, căng tràn nhựa sống thời thiếu nữ, lộng lẫy thanh xuân, ít ai ngờ được hắn từng mơ điều giản dị ấy. Trong cuộc sống này, mọi thứ qua đi chỉ là kỷ niệm, và kỷ niệm có thể xóa nhòa bởi những guồng quay vội vã của thời gian. Nhưng với hắn, có một thứ không bao giờ phôi pha dẫu biết rằng sau một mùa rét mướt hiển nhiên nó không tồn tại nữa, đó là mùi áo mới. Hắn không cảm nhận mùi thơm ấy bằng khứu giác bởi sợ gió vô tình cướp mất. Mẹ đong đầy yêu thương và nụ cười sung sướng của hắn nơi mùi áo mới ấy đổi bằng nước mắt ngậm ngùi, gian lao của mẹ thì chỉ có thể khắc ghi bằng cả trái tim mình. Ký ức tuổi thơ ấy, sẽ thường trực mãi để mỗi bước hắn đi phải nghĩ lại rằng đằng sau, có một người chịu lạnh cho hắn ấm.


Cơn mưa chiều đột ngột về, trời vẫn thanh trong nhưng lạnh. Hắn mở tủ lấy áo ấm ra,  nghe lòng se lại.

 Trần Thị Thanh Hiền

;
.
.
.
.
.