.

Tuổi trẻ Đà Nẵng và tôi những năm 1970

.

Năm 1970-1971 là những năm có nhiều sự kiện sôi động nhất trong phong trào đấu tranh của SVHS các đô thị miền Nam, cũng là những năm địch ra tay đàn áp ác liệt các phong trào đấu tranh yêu nước của nhân dân và SVHS, gây xúc động đến đồng bào cả nước và lương tâm nhân loại.

Mô tả ảnh.
Huỳnh Tấn Mẫm (bìa phải) và thành viên TĐHS Đà Nẵng - TĐHS Huế - LĐHS Quảng Tín, tại buổi họp mặt 35 năm giải phóng miền Nam, 30-4-2010 tại TP. Hồ Chí  Minh.    Ảnh: LÊ VĂN THỌ (TĐHSĐN)

Sáng 10-3-1970, tôi và một số anh chị em phong trào SVHS và cán bộ Thành Đoàn hoạt động bí mật bị địch bắt. Lúc đó tôi là Quyền Chủ tịch Tổng hội SV Sài Gòn kiêm Chủ tịch Ban Đại diện SV Đại học xá Minh Mạng.

Những ngày này, cùng với phong trào đấu tranh của nhân sĩ trí thức yêu nước và tiến bộ, phong trào đấu tranh của SVHS toàn miền Nam diễn ra đều khắp và sôi nổi, nhất là tại Sài Gòn đòi trả tự do cho “Huỳnh Tấn Mẫm và các SVHS bị bắt”. Phong trào đấu tranh được trí thức và SV quốc tế, trong đó có SV tiến bộ Mỹ, Úc, Nhật, Pháp… ủng hộ và tham gia biểu tình đòi trả tự do cho các SVHS bị bắt.

Dưới áp lực mạnh mẽ của dư luận trong và ngoài nước, Tòa án Quân sự Mặt trận Vùng 3 đem ra xét xử 21 SV bị bắt, trả tự do cho 10 SVHS, nhưng tôi và 10 SV khác vẫn bị giam giữ. Cuộc đấu tranh của SVHS trong và ngoài nước tiếp tục bùng nổ và lan rộng. Ngày 13-6-1970, địch buộc phải phóng thích tôi và 4 SVHS khác, còn tiếp tục giam giữ 5 SV khác.

Qua phong trào đấu tranh, tôi biết từ tháng 3-1970, lần đầu tiên, có những nhóm học sinh yêu nước và tiến bộ ở các trường Trung học Đà Nẵng: Bồ Đề, Phan Châu Trinh, Phan Thanh Giản, Bán công, Sao Mai, Ánh Sáng… (có sự phối hợp với một số anh chị SV quê Quảng Đà đang học ở Huế và Sài Gòn) đã liên kết tiến chiếm Trường Trung học Phan Châu Trinh và Trường Trung học Bồ Đề Đà Nẵng tổ chức bãi khóa, biểu tình, tuyệt thực dài ngày đòi trả tự do cho tôi và các SV Sài Gòn đang bị bắt giam.

Sau này, trong những lần bị bắt vào tù, tôi lần lượt “hội ngộ” với các HS nói trên (Đặng Thanh Tịnh, Đặng Thái, Nguyễn Công Khế, Phan Quý, Lê Tự Quảng, Ngô Minh Hải, Ngô Văn Hoàng, Nguyễn Cam, Lê Văn Thọ, Đinh Công Hảo, Nguyễn Văn Hòe…). Họ là những đảng viên, đoàn viên hoạt động bí mật và là thành phần cốt cán tham gia thành lập nên tổ chức Tổng đoàn HS Đà Nẵng tháng 7-1971. Một lực lượng mạnh mẽ, sôi nổi, kiên cường, và là một bộ phận không thể tách rời của phong trào đấu tranh chung của SVHS chống Mỹ ở các đô thị miền Nam những năm 1970-1975.

Đà Nẵng cũng là nơi có phong trào đấu tranh của TNSVHS thành phố nổi tiếng từ những năm 1960, nhất là các sự kiện “76 ngày đêm làm chủ thành phố” năm 1966, Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân Mậu Thân năm 1968, và sau này là phong trào đấu tranh chống Mỹ - Thiệu, chống bầu cử Tổng thống “độc diễn” ngày 3-10-1971…

Ấn tượng và tình cảm sâu đậm của tôi gắn bó với anh chị em phong trào SVHS Đà Nẵng đến bây giờ, là 2 “sự kiện”: Những ngày diễn ra Đại hội SVHS miền Nam tại Huế năm 1971 và những ngày cùng anh em chiến đấu trong các nhà tù chính quyền Sài Gòn những năm 1970-1975. 

28-7-1971, Đại hội SVHS miền Nam diễn ra tại Huế. Lần đầu tiên, Đoàn đại biểu Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng tham dự Đại hội với tư cách là thành viên chính thức trong “Đại gia đình” SVHS tranh đấu miền Nam, với 4 thành viên: Đỗ Pháp (Phó Chủ tịch Nội vụ BCH, Trưởng đoàn), Trần Phú Quý (Phó Chủ tịch Ngoại vụ BCH), Lương Thanh Liêm (Tổng Thư ký BCH), Lê Đức Hùng (Ủy viên BCH, Trưởng khối báo chí). Họ nhiệt thành tham gia tất cả các diễn đàn Đại hội và cùng ký “Tuyên bố chung của Đại hội và phong trào SVHS miền Nam”. Đây cũng là sự kiện “công khai” liên kết trong phong trào đấu tranh của SVHS Đà Nẵng - Huế - Sài Gòn, và cả miền Nam thời bấy giờ, mở đầu cho hàng loạt các hành động phối hợp sau này của SVHS tranh đấu miền Nam, mà đỉnh cao là những phong trào: Chống bầu cử “độc diễn” ngày 3-10-1971, chống “quân sự hóa học đường”, chống “Việt Nam hóa chiến tranh”, chống “bắt lính đôn quân”, đòi “thi hành Hiệp định Paris”, đòi “Hòa bình - hòa hợp và hòa giải dân tộc”, đòi “cải thiện chế độ lao tù miền Nam Việt Nam”…

Những năm tháng ở trong các nhà tù miền Nam, các thành viên Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng dù bị cách ly phân tán trong các trại giam, vẫn cùng anh chị em tù nhân kiên cường đấu tranh chống địch đàn áp, chống địch đưa đi lính, cùng ký chung các tuyên bố, các tâm thư tố cáo nhà tù hà khắc của chính quyền Sài Gòn và kêu gọi tù nhân đấu tranh. Sự kiện được dư luận lúc bấy giờ quan tâm nhất, xúc động nhất, là vụ “3 HS Đà Nẵng: Nguyễn Cam, Lê Văn Thọ, Nguyễn Văn Hòe rạch tay, rạch bụng” đấu tranh chống lại phiên tòa trước Pháp đình Sài Gòn ngày 30-9-1974.

Có thể nói, dù ở đâu và bất cứ trong hoàn cảnh nào, tinh thần phối hợp hành động trong đấu tranh và tình đoàn kết trong chiến đấu vì lý tưởng chung của phong trào SVHS miền Nam một thời đã làm nên chất “phong trào”. Đó cũng là yếu tố quan trọng làm nên sức mạnh của cả thế hệ tuổi trẻ học đường miền Nam trong những năm chiến tranh gian khó… Đà Nẵng khác với Huế và Sài Gòn. Tuy là thành phố lớn thứ 2 ở miền Nam trước năm 1975, nhưng đến năm 1974, Đà Nẵng mới có trường Đại học đầu tiên mang tên Đại học Cộng đồng Quảng Đà. Các thế hệ học sinh Trung học ở Đà Nẵng tuổi mười tám đôi mươi một thời đã làm nên “phong trào” rất đáng tự hào.

Cũng như các phong trào SVHS đấu tranh yêu nước ở các đô thị miền Nam, ở Đà Nẵng, tổ chức Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng và phong trào TNSVHS thành phố những năm 1970-1975 luôn luôn được sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Đặc khu ủy Quảng Đà và Đặc khu Đoàn Quảng Đà; được sự hỗ trợ, liên kết đấu tranh của các Tổng Hội SV, các Tổng đoàn HS, các tầng lớp nhân sĩ, trí thức  và các tổ chức quần chúng yêu nước Đà Nẵng, Huế, Sài Gòn… 

Mô tả ảnh.
Huỳnh Tấn Mẫm (giữa) ra tòa ngày 20-4-1970.

Sau ngày giải phóng miền Nam, khi về làm việc ở Trung ương Đoàn và Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam, những khi họp Quốc hội, tôi có dịp gặp ông Hồ Nghinh (nguyên Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà, Bí thư Tỉnh ủy QN-ĐN) và GS Vĩnh Linh (nguyên Cố vấn Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng, Tổng Thư ký BCH Hội Liên hiệp TNSVHS Giải phóng Quảng Đà, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh QN-ĐN) cùng là đại biểu Quốc hội khóa VI, khi nhắc đến phong trào đấu tranh của SVHS thời chiến, họ đều đánh giá cao và dành những tình cảm đặc biệt đối với anh chị em phong trào SVHS và tổ chức Tổng đoàn Học sinh Đà Nẵng.

Là người trong phong trào, từng đồng cam cộng khổ với anh chị em SVHS trong những năm tháng đấu tranh trên đường phố hay trong những ngày gian khổ trong lao tù, tôi cảm nhận sâu sắc tình cảm sâu đậm và chân thành của anh chị em dành cho nhau, cho những người cùng chung lý tưởng, và tình cảm đó được trân trọng mãi mãi. Họ rất xứng đáng là lớp hậu duệ của những Hoàng Diệu, Ông Ích Khiêm, Trần Quý Cáp…, của những Phan Châu Trinh, Phan Thanh, Phan Bôi… của những phong trào trí thức yêu nước, dân chủ  và tiến bộ của đất Quảng Nam những thế kỷ trước…

HUỲNH TẤN MẪM

;
.
.
.
.
.