.

Đường mang tên danh tướng “Đền nợ nước quên thù nhà”: Trần Hưng Đạo (phần 1)

.

Ở Đà Nẵng, đường Trần Hưng Đạo lúc đầu chỉ dài chưa tới 300m, từ đường Bạch Đằng đến đường Yên Bái, đến đầu năm 2002  Trần Hưng Đạo được đặt cho tuyến đường Đông Sông Hàn với chiều dài 4.610m để xứng tầm với công trạng của vị anh hùng dân tộc này.

 

Mô tả ảnh.
Tượng đài Trần Hưng Đạo ở Nam Định. (Ảnh: bachkhoatoanthu.gov.vn)


Trần Hưng Đạo (1232 - 1300) tên thật là Trần Quốc Tuấn, con của An Sinh vương Trần Liễu, cháu gọi vua Trần Thái Tông bằng chú, sinh ra tại vùng đất nay là Kiếp Bạc, xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Theo sách Đại Việt Sử ký Toàn thư, lúc Quốc Tuấn mới sinh ra, có một thầy tướng đến xem và bảo: “Người này ngày sau có thể cứu nước giúp đời”. Lớn lên, Quốc Tuấn có dung mạo khôi ngô, thông minh hơn người, tài kiêm văn võ.

 

Trần Liễu là chồng của Thuận Thiên công chúa, chị của công chúa Lý Chiêu Hoàng - đời vua cuối cùng của triều Lý - còn Trần Cảnh cưới Chiêu Hoàng khi bà này mới 7 tuổi. Về sau, Chiêu Hoàng không có con nên năm 1237, Trần Thủ Độ bắt vợ của Trần Liễu đang có thai ba tháng về làm vợ Trần Cảnh (lúc này đã là vua Trần Thái Tông). Trần Liễu từ đó sinh lòng hiềm khích, tìm người tài nghệ để dạy Quốc Tuấn. Lúc sắp mất, Trần Liễu trăng trối: “Con không vì cha mà lấy được thiên hạ, thì cha chết dưới suối vàng cũng không nhắm mắt được”. Quốc Tuấn ghi điều đó trong lòng, nhưng không cho là phải.

Khi quyền bính nằm hết trong tay mình, ông đem lời cha trăng trối để dò ý hai gia nô thân tín là Dã Tượng và Yết Kiêu thì hai người bẩm rằng: “Làm kế ấy (ý nói cướp ngôi vua – NV) tuy được phú quý một thời nhưng để lại tiếng xấu ngàn năm. (…) Chúng tôi thề xin chết già làm gia nô, chứ không muốn làm quan mà không có trung hiếu...”.  Nghe lời can gián trung chính, Quốc Tuấn cảm phục đến khóc.

Một hôm, ông dọ hỏi con mình là Hưng Vũ vương Trần Quốc Hiến: “Người xưa có cả thiên hạ để truyền cho con cháu, con nghĩ thế nào?”. Quốc Hiến thưa: “Dẫu khác họ cũng không nên, huống chi là cùng một họ!”. Quốc Tuấn ngẫm cho là phải.

Hôm khác, ông đem chuyện ấy hỏi người con thứ là Hưng Nhượng vương Trần Quốc Tảng. Quốc Tảng tiến lên thưa: “Tống Thái Tổ vốn là một ông lão làm ruộng, đã thừa cơ dấy vận nên có được thiên hạ”. Nghe chưa hết câu, Quốc Tuấn đã rút gươm mắng: “Tên loạn thần là từ đứa con bất hiếu mà ra” và định giết Quốc Tảng. Hưng Vũ vương hay tin, vội chạy tới khóc lóc xin chịu tội thay, Quốc Tuấn mới tha. Chưa nguôi giận, ông dặn Hưng Vũ vương: “Sau khi ta chết, đậy nắp quan tài đã rồi mới cho Quốc Tảng vào viếng”.

Năm Thiệu Bảo thứ bảy (1285), trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông lần thứ 2, thế giặc bức bách. Vua Trần Nhân Tông ngầm đi chiếc thuyền nhỏ đến Tam Trĩ nguyên (sông Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh ngày nay), sai người đưa thuyền ngự ra Ngọc Sơn (mũi biển thuộc châu Vạn Ninh, gần Móng Cái, nay thuộc tỉnh Quảng Ninh) để đánh lừa giặc.

Lúc ấy, xa giá nhà vua phiêu giạt mà Quốc Tuấn thì giỏi tài thao lược, nhiều người cho rằng ông còn giữ mối hiềm cũ của cha mình nên tỏ ra nghi ngại. Thấy Quốc Tuấn theo hầu vua mà tay cầm chiếc gậy đầu bịt sắt nhọn, mọi người đều gườm mắt nhìn. Ông hiểu ý, rút đầu sắt nhọn vứt đi, chỉ chống gậy không.
Sử gia Ngô Sĩ Liên viết: “Bậc đại thần ở vào hoàn cảnh bị hiềm nghi nguy hiểm, tất phải thành thực tin nhau, sáng suốt khéo xử (…) thì mới có thể giữ tròn danh dự, làm nên sự nghiệp. Nếu không thế thì nhất định sẽ mang tai họa. Quách Tử Nghi nhà Đường, Trần Quốc Tuấn nhà Trần đã làm được như vậy”.

Xưa nay có mấy người được như Trần Quốc Tuấn, quên thù riêng để lo mối lo chung của cả thiên hạ: Chống  giặc phương Bắc đang xâm lấn bờ cõi?

Lê Gia Lộc

;
.
.
.
.
.