.
Qua đơn - thư bạn đọc

Công trình gây ngập nhà dân

.

Gần 10 năm nay, hơn 40 hộ dân ở tổ 114, phường Hòa Khánh Nam (quận Liên Chiểu) sống chung với mưa ngập, nhưng cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu đưa họ thoát khỏi vùng ngập.

Nhà ông Nguyễn Thanh Tuấn thường xuyên bị ngập, nước dâng cao gần 2m.
Nhà ông Nguyễn Thanh Tuấn thường xuyên bị ngập, nước dâng cao gần 2m.

Bán nhà để… thoát ngập

Ông Nguyễn Thanh Tuấn là một trong 40 hộ sống trong vùng ngập suốt gần chục năm nay. Ngày tôi đến, nhà ông đang treo bảng bán nhà. Ông cho biết đã treo biển từ nhiều tháng nay nhưng chưa ai ngỏ ý mua vì... nhà thấp trũng quá. “Hễ mưa là ngập, ngập ít thì vài giờ đồng hồ, lâu có đến vài tuần. Quyết định bán nhà cũng là bất đắc dĩ, nhưng người đến mua nhà nhìn địa hình thấp trũng chưa kịp hỏi giá đã lắc đầu bỏ đi”, ông Tuấn kể.

Nguyên nhân ngập được xác định do các dự án triển khai, đổ đất lấp bít hết các mương thoát nước, khu vực nhà dân bao quanh bởi các dự án thành vùng trũng thấp, gây ngập cục bộ lưu niên. Nhà ông Tuấn mấy năm gần đây bị mưa ngập “tấn công” thường xuyên, đồ dùng trong nhà thiệt hại không hề nhỏ. Năm 2012, có lần cả gia đình ông đóng cửa đi làm, buổi chiều trời bất ngờ mưa lớn, khi về nhà, nước đã dâng cao gần 2m, tủ lạnh, tivi, máy giặt, bàn, ghế, các vật dụng bằng gỗ khác bị ngập chìm trong nước. Tất cả hư hỏng hết, thiệt hại 30-40 triệu đồng.

Hơn 40 hộ dân ở tổ 114, phường Hòa Khánh Nam cũng trong tình trạng tương tự. Đưa tôi đến thăm từng nhà, Bí thư Chi bộ 2 Đà Sơn Huỳnh Văn Châu cứ băn khoăn về trách nhiệm của người lãnh đạo nhân dân trong khu dân cư (KDC): “Thấy cảnh ngập suốt năm này tháng khác, tôi buồn và trăn trở lắm!”.

Ông Phan Văn Quyền, tổ trưởng dân phố 114 (có nhà sát bức tường ngăn giữa dự án Tân Cường Thành và KDC trong tổ) cho biết, bức tường bằng bê-tông cao gần bằng đầu người, phía bên kia bức tường là khu dự án được lấp đầy đất, đã phân lô bán nền cho người dân làm nhà. Ông Quyền cho biết, suốt 4 năm nay, khi bức tường kia được dựng lên, cứ có mưa thì có ngập nặng. Thực ra cũng có cống thoát nước nhưng lòng cống nhỏ, lượng nước lớn nên không thể thoát kịp, nhất là khi nước lớn dồn vào. “Trước đây chỉ ngập 1m thôi..., nay ngập lút đầu người. Không ai chịu thấu cảnh ngập lụt này”, ông Quyền cho biết.

Khó tìm giải pháp

Ông Nguyễn Nhường, Trưởng phòng Quản lý đô thị quận Liên Chiểu, cho biết khu vực tổ 114 phường Hòa Khánh Nam là điểm ngập cục bộ lâu năm trên địa bàn quận. Trước đây, điểm ngập này nhức nhối, nhưng nay đã đỡ nhiều vì công trình thoát nước chạy dọc tuyến đường dẫn từ đường Hoàng Văn Thái vào Trung tâm Bảo trợ xã hội được triển khai. Tuyến thoát nước này sẽ thu nước từ vùng núi đổ xuống, đồng thời thu nước từ các dự án tràn qua KDC tổ 114 để thoát ra hồ điều tiết Phước Lý. Theo ông Nhường, hiện chỉ cần người dân tích cực tham gia nạo vét mương thoát nước sẽ giải quyết cơ bản vấn đề ngập cục bộ ở khu vực nói trên (?!).

Ông Phan Châu Tuấn, Chủ tịch UBND phường Hòa Khánh Nam, cho hay hiện mương thoát nước chạy dọc tuyến đường dẫn vào Trung tâm Bảo trợ xã hội thành phố chưa hoàn thành. Khi có mưa, nước từ trên núi vẫn tràn xuống khu vực tổ 114, kết hợp nước từ các dự án bao quanh gây ngập nặng cho hơn 40 hộ dân ở đây. “Tổ 114 nằm trong dự án KDC Nam đường Hoàng Văn Thái, từng công bố quy hoạch nhưng đang chờ đợi điều chỉnh. Vấn đề ngập diễn ra nhiều năm nay, chính quyền địa phương bất lực trong việc tìm giải pháp khắc phục. Phường cũng kiến nghị lên quận tìm hướng giải quyết nhưng vẫn chưa có phản hồi. Về lâu dài, chỉ có giải pháp tổng thể đấu nối các hệ thống thoát nước toàn khu vực dẫn về hồ điều tiết Phước Lý thì may mới hết ngập căn bản”, ông Tuấn nói.

Cả ông Nguyễn Nhường và Phan Châu Tuấn đều cho rằng, một bất cập dẫn đến hệ lụy ngập cho nhiều KDC là quá trình quy hoạch thiếu đồng bộ, nhất là hệ thống thoát nước tổng thể không được quan tâm đúng mức. Lẽ ra phải quy hoạch, xây dựng hệ thống thoát nước và tính phương án thoát nước cho các KDC lân cận nhằm tiêu nước khi công trình triển khai để tránh ngập, thì đã vội vàng cho các chủ dự án tự tiện đổ đất lấp bít hết mương, kênh thoát nước trước đó. Còn người dân ngoài vùng dự án thì “sống chết mặc bay”, hệ lụy gây ngập gần như là tất yếu. Thực trạng công trình triển khai gây ngập úng cục bộ cho người dân “láng giềng” dự án đã quá quen thuộc. Sự vô cảm của các chủ dự án, quy hoạch thiếu đồng bộ là những nguyên nhân dẫn đến ngập cục bộ kéo dài hàng mấy năm đối với nhiều KDC sống bên cạnh dự án.

Bài và ảnh: TRỌNG HUY

;
.
.
.
.
.