.
GIẢI BÓNG ĐÁ U-21 QUỐC TẾ BÁO THANH NIÊN 2015

Khi khách... yếu đều

.

Để đánh giá đúng giá trị thực của U-21 Báo Thanh Niên lẫn U-21 HAGL, cần nhìn nhận lại chính những “bại tướng” của cả hai đại diện bóng đá Việt Nam tại giải lần này.

Sự vô tư của những đội khách mời như U-21 Myanmar (áo đỏ) đã giúp các đại diện  của bóng đá Việt Nam khá “dễ thở” ở giải lần này.      Ảnh: NGUYÊN HUY
Sự vô tư của những đội khách mời như U-21 Myanmar (áo đỏ) đã giúp các đại diện của bóng đá Việt Nam khá “dễ thở” ở giải lần này. Ảnh: NGUYÊN HUY

Dù trước ngày vào giải, cả bốn đội khách mời (U-21 Thái Lan, U-21 Myanmar, U-21 Hàn Quốc và U-21 Singapore) đều được đánh giá là những đội bóng mạnh song thực tế sân cỏ lại không cho thấy điều đó.

Từng được giới thiệu sẽ mang phân nửa đội hình dự tranh World Cup U-20 2015 nhưng bản thân HLV Eric William không giấu được ngạc nhiên và thẳng thắn thừa nhận, U-21 Myanmar chỉ mang sang Việt Nam đúng 2 cầu thủ Htike Aung và Shine Thu Ya từng dự World Cup U-20 nhưng đều khoác áo dự bị. Thậm chí, các cầu thủ của đội chỉ mới được tập trung từ ngày 29-10 và đây là lần đầu tiên, các học trò của ông được thi đấu một giải quốc tế chính thức! Hơn thế nữa, đội bóng của Eric William còn khá trẻ, với độ tuổi bình quân chưa đến 19.

Trong khi đó, theo chuyên gia Đoàn Minh Xương, đội U-21 Thái Lan chỉ là tập hợp những cầu thủ của U-19 SCG Muangthong Utd (vô địch Coke Cup 2015, khu vực Bangkok) và U-19 Assumption Utd (vô địch Coke Cup 2015, khu vực phía Tây Thái Lan). Dĩ nhiên, đây không phải là đội tuyển quốc gia và các cầu thủ đều rất non về kinh nghiệm.

Cũng như các đội khách mời khác, đội U-21 Thái Lan sang Việt Nam cũng chỉ với mục đích cọ xát, rèn luyện chứ không đặt nặng yếu tố thành tích. Vì thế, trong thành phần của U-21 Thái Lan, chỉ có 2 cầu thủ sinh năm 1994 và 2 cầu thủ sinh năm 1995. Còn lại đều sinh năm 1996 trở về sau; thậm chí, có cầu thủ sinh năm 1998.

Ngược lại, cũng theo ông Đoàn Minh Xương, U-21 Báo Thanh Niên là những cầu thủ U-21 thực sự, có bổ sung của những cầu thủ U-23 và không ít trong số đó từng thi đấu ở hạng Nhất, V-League ở mùa giải vừa qua. Ngay cả U-21 HAGL cũng vượt trội các cầu thủ khách cả về tuổi đời lẫn kinh nghiệm thi đấu đỉnh cao khi được cọ xát rất nhiều ở cả những giải đấu trong nước lẫn quốc tế.

Vì không đặt mục tiêu thành tích nên hầu hết các đội khách mời đều nhập cuộc với tâm thế khá thoải mái, chơi bóng khá vô tư và không hề toan tính. Rất dễ thấy điều này ở U-21 Myanmar trong trận đấu cùng U-21 HAGL.

Dù có bàn dẫn trước đến 2 lần trước U-21 HAGL nhưng đội quân của ông Eric William vẫn không ngần ngại đẩy đội hình lên cao, thay vì đá thấp để bảo vệ thành quả cùng chiếc vé đi tiếp. Chính sự non kém trận mạc ấy đã được các cầu thủ U-21 HAGL tận dụng thành công với màn lội ngược dòng được xem là ngoạn mục. 

Đội U-21 Thái Lan cũng trong trạng huống tương tự. Chưa kể đến những khó khăn mà đội bóng xứ chùa Vàng gặp phải khi chỉ có 1 ngày nghỉ, trước khi bước vào gặp đội chủ nhà U-21 Báo Thanh Niên ở trận đấu quyết định. Chỉ cần một đối thủ xứng tầm như U-21 Hàn Quốc - thực chất là U-19 Hàn Quốc - những khiếm khuyết của bóng đá Việt Nam, thông qua đại diện ưu tú nhất của bóng đá trẻ là U-21 HAGL, rất dễ dàng bộc lộ.

Có thể rất khó khăn để nhìn nhận sự thật khi bóng đá Việt Nam vẫn có thói quen vui với những gì đang có, mà quên sự đầu tư chiều sâu, mang tính chiến lược. Và quan trọng hơn, thành công của một nền bóng đá phải đến từ những giải đấu chính thức, chứ không phải từ thắng lợi ở những giải đấu giao hữu không nhiều giá trị chuyên môn, một khi chất lượng khách mời không như mong muốn!

BẢO AN

;
.
.
.
.
.