Cơm nhà

.

Người ta đi xa thường nhớ canh rau muống, cà dầm tương, cá kho tộ…, nói chung nhớ đủ thứ món “chuẩn cơm mẹ nấu”. Còn tôi, nghĩ cũng kỳ là không nhớ quay quắt một món cụ thể nào dù quanh năm suốt tháng hầu như chỉ ăn cơm nhà.

Hồi má còn buôn bán nuôi 5 đứa con ăn học, má ở ngoài chợ nhiều hơn ở nhà. 4 giờ sáng má đã ra chợ đến 8 giờ tối mới có mặt ở nhà, cứ vậy cho đến hết năm bà chỉ nghỉ 3 ngày Tết rồi lại bắt đầu vòng lao động.

Vì vậy, bữa sáng nhà tôi “bụng ai nấy lo”, bữa cơm trưa đa phần ba nấu, mà nấu cũng rất đơn giản cho qua bữa. Đến tối tôi phải đi học thêm này nọ nên cũng chẳng có nhiều lúc quây quần mâm cơm với cả nhà.

Tôi chỉ nhớ nhất là nhiều bữa trưa mình phải “tự xử” bằng cách má gói cho bao ni-lông đựng cá cơm ướp sẵn xì dầu, nước mắm, dấm, bột ngọt, tiêu, ớt bột rồi đưa tôi mang về nhà bắc lên bếp nấu kịp ăn đi học. Tôi không nhớ nó ngon hay dở, chỉ thấy ăn cũng bình thường, không phàn nàn gì.

Chỉ đến khi ba má già yếu không đủ sức bươn chải, chị em tôi cũng thôi cần ba má lo cho ăn học, nhà tôi mới có những bữa cơm thực sự gọi là chăm chút. Mà như để chăm chút bù, mỗi ngày ba đi chợ mấy dạo, cứ cái gì ngon là mua về.

Má cũng bắt đầu sưu tầm món này, món kia và tập tành làm những món con thích. Có điều, tới lúc ấy thì kể cả đứa út như tôi cũng đã có gia đình riêng và thời gian bên mâm cơm với ba má phải chia năm xẻ bảy không chỉ với mái ấm nhỏ của mình mà còn với bao đám tiệc, tụ tập bạn bè...

Nói vậy nhưng tôi vẫn không bỏ thói quen ăn trưa với ba má. Thực ra là tôi thích buổi trưa chạy ào về nhà ăn để đỡ tốn tiền và để có chỗ ngả lưng vài phút. Về nghỉ trưa nhưng thiệt chẳng mấy buổi tôi được ngủ vì ba má chỉ trông con về để nói chuyện và tôi cũng có biết bao nhiêu chuyện suốt buổi sáng cần phải kể.

Thế là bữa cơm trưa bao giờ cũng kéo dài chừng… 2 giờ đồng hồ, xong veo nhanh như chớp mắt, tôi chỉ còn ba chân bốn cẳng lên xe đi làm cho kịp. Má nấu ăn chỉ tầm được được, nhiều món bà còn tham khảo các con cách chế biến, nhưng về “quán cơm” của má tôi vẫn thích nhất bởi mình được đích thị là “thượng khách”.

Rồi má đi xa chúng tôi, xa mãi mãi, cơm nhà ba tôi vẫn nấu đều và chờ tôi về ăn nhưng tôi ăn vài lần xong đành lẩn trốn với đủ lý do tôi phịa ra cho có, nào nắng quá, nào bận quá con không về. Tôi không đủ mạnh mẽ đối diện với sự trống vắng má. Mỗi lần về gian bếp, nhìn mâm cơm lại nhớ má đến nghẹn lòng không nuốt nổi.

Tôi không dám vừa ăn vừa khóc, bởi ba còn yếu đuối hơn tôi và cần tôi an ủi, nhưng tôi không thể dùng lý trí để cố xem sự chia xa này là quy luật thường tình của tạo hóa. Cũng vài lần tôi về nhà tổ chức bữa cơm, thay vì má nấu thì tôi tự nấu.

Tôi bày ra đủ món ăn cho vui như sao càng cố càng buồn. Cơm ai cũng nấu được, nguyên liệu cũng vậy, công thức có sẵn nhưng cơm có đủ đầy ba má thì không phải lúc nào muốn cũng có. Thực sự từ giây phút xa má tôi, tôi đã bị đánh mất bữa-cơm-gia-đình…

Từ mình tôi nghĩ đến các con tôi. Không biết các con học được ở đâu mà về nhà hay đùa “mẹ là nồi cá kho”, “mẹ là vitamin”, “mẹ là bánh pizza”. Các con còn nhỏ, chỉ thích chọc mẹ để cười cho vui. Còn tôi, ừ thì các con nói đúng, tôi thích mình mãi là “nồi cá kho”, là “vitamin”, là “bánh pizza” thơm ngon, bổ dưỡng cho cả nhà, chỉ mong các con sớm hiểu đó không chỉ là lời trêu đùa mà là câu nói thật…

Bây giờ muốn ăn “cơm nhà” dễ ợt. Hỏi địa chỉ vài người hoặc gõ “cơm nhà” trên mạng là ra hàng loạt “cơm nhà 25k”, “cơm nhà quán”, “cơm nhà homestay” tha hồ lựa chọn, nhưng cơm nhà – nơi ấm áp tình thân, nơi hiện hữu ba mẹ thì chỉ duy nhất ở trong chính nhà mình mới có.

TOÀN VÂN

;
.
.
.
.
.