Bức phù điêu độc đáo của tháp Khương Mỹ

.

Thần Krishna là hóa thân thứ tám của thần Bảo tồn Vũ trụ Vishnu. Krishna được tôn thờ không chỉ như một vị thần, mà nổi bật là một vị anh hùng trẻ tuổi. Trong Ấn Độ giáo/Bà-la-môn giáo, Krishna được sùng bái nhất bởi tính cách anh hùng của thần, được lan truyền qua bao câu chuyện đầy sinh thú.
Hành động anh hùng của Krishna được thể hiện thông qua bức phù điêu bằng sa thạch tìm thấy tại khu tháp Khương Mỹ, thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Trên bức chạm này, các nhà điêu khắc Chàm đã thể hiện Krishna là một vị anh hùng dựa theo những chi tiết trong thần thoại Ấn Độ giáo nhưng nó lại được diễn tả bằng ngôn ngữ tạo hình riêng của nghệ thuật Chàm so với những tác phẩm điêu khắc có cùng đề tài của nghệ thuật Ấn Độ và của Đông Nam Á.

Phù điêu thần Krishna-Govardhana của ngôi đền Mahabalipuram, thế kỷ thứ 7, tại Nam Ấn Độ.
Phù điêu thần Krishna-Govardhana của ngôi đền Mahabalipuram, thế kỷ thứ 7, tại Nam Ấn Độ.

Vẻ đẹp độc đáo của bức phù điêu Khương Mỹ, hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, đã tạo nên dấu ấn riêng trong nền điêu khắc Champa.

Câu chuyện sinh động về Krishna bắt đầu từ ngôi làng trù phú Brindavan, nơi có cuộc sống an bình gắn bó với thiên nhiên. Hằng năm, để tạ ơn thần Sấm sét Indra, vị thần mà dân làng tin rằng đã mang đến cho họ những cơn mưa để tắm mát những cánh đồng trù phú; dân làng quét dọn và trang trí khắp làng với đầy đèn nến và hoa, cùng với những mâm lễ vật cao đầy. Chàng trai trẻ Krishna vốn không để tâm đến chuyện này, cho đến khi thấy dân làng náo nức chuẩn bị buổi lễ tạ ơn thần Indra, Krishna mới hỏi cha của mình để biết rõ nguyên nhân.  Krishna đã tỏ ra bất bình sau khi tìm hiểu và biết được sự thật. Krishna quả quyết với dân làng rằng những cơn mưa không phải do thần Indra mang đến mà chính ngọn núi Govardhana mới là người bạn thật sự của họ, vì vậy họ nên tạ ơn ngọn núi ấy.

Phù điêu thần Krishna-Govardhana Khương Mỹ, cao 88cm, chất liệu sa thạch, đầu thế kỷ thứ 10. Hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm-Đà Nẵng.  Ảnh: T.K.P
Phù điêu thần Krishna-Govardhana Khương Mỹ, cao 88cm, chất liệu sa thạch, đầu thế kỷ thứ 10. Hiện trưng bày tại Bảo tàng Điêu khắc Chăm-Đà Nẵng. Ảnh: T.K.P

Lời giải thích của Krishna không những chỉ thu hút toàn bộ dân làng mà còn làm nảy sinh vô số thắc mắc “làm thế nào một ngọn núi có thể mang đến sự trù phú cho cuộc sống của dân làng mà không phải là thần Indra, trong khi ngọn núi ấy không hề động đậy”. Krishna đáp rằng “Núi Govardhana đã gửi tín hiệu lên trời và liên kết những cụm mây để đem mưa đến cho làng Brindavan. Ngọn núi còn cung cấp nhiều loại thảo mộc kỳ diệu để chữa cho dân làng khỏi những căn bệnh hiểm nghèo. Ngọn núi ấy không chỉ làm sạch không khí từ trên cao, mà còn làm sạch nước mưa khi nó chạm vào đất và thêm vào đó nhiều khoáng chất. Ngọn núi ấy cũng đem đến những đồng cỏ tươi xanh cho đàn gia súc để dân làng có được nguồn sữa nhiều dinh dưỡng”. Câu trả lời của Krishna thỏa mãn mọi thắc mắc của dân làng và họ yên tâm trở về nhà, gác lại kế hoạch chuẩn bị buổi lễ tế thần Indra.

Nhưng những điều Krishna nói với dân làng lại khiến Nanda, cha của Krishna, không khỏi lo lắng. Ông lo rằng thần Indra sẽ nổi giận và mang đến nguy hại cho dân làng. Sự lo lắng của Nanda đã trở thành sự thật khi Indra biết được sự việc. Thần đã gom những đám mây lại che kín làng Brindavan, mây kéo đến dày đặc đến nỗi không gian của làng bỗng tối đen như mực dù đang giữa ban ngày. Tiếp theo là những cơn mưa dữ dội trút không ngớt xuống làng Brindavan. Chỉ trong hai ngày, nước dâng cao bao phủ khắp cả làng đe dọa cuộc sống của mọi người và của đàn gia súc.

Lúc này, Krishna đã kịp trấn an dân làng, đưa họ đến gần ngọn núi Govardhana; và bằng sức mạnh phi thường của một vị thần, chàng trai trẻ Krishna đã nhấc bổng ngọn núi bằng ngón tay nhỏ của mình, Krishna giữ ngọn núi để che mưa cho toàn thể dân làng và đàn gia súc của họ náu mình bên dưới. Nhờ vậy, dân làng và đàn gia súc đã được bình an trong suốt bảy ngày mưa lũ dữ dội.

Phù điêu thần Krishna-Govardhana thể hiện trên ngôi đền Angkor Vat, thế kỷ 11-12, Campuchia.
Phù điêu thần Krishna-Govardhana thể hiện trên ngôi đền Angkor Vat, thế kỷ 11-12, Campuchia.

Tận mắt chứng kiến một người trẻ tuổi nâng bổng ngọn núi để che chở cho dân làng, trong trí thần Indra đã nảy sinh bao hoài nghi. Và chính thần Sáng tạo Vũ trụ Brahma đã giải đáp cho Indra những nghi vấn đó. Sau khi biết được rằng Krishna chính là hóa thân của thần Bảo tồn Vũ trụ Vishnu, Indra đã xua tan những đám mây làm ngưng những trận mưa dữ dội, đồng thời đến gặp Krishna để nhận lỗi và mong được tha thứ. Sau bảy ngày đối mặt với sự giận dữ của thần Indra, dân làng trở lại với cuộc sống thanh bình vốn có; từ đó, biết ơn và tôn thờ Krishna không chỉ như một vị thần mà còn như một vị anh hùng cứu giúp nhân loại.

Trên bức phù điêu Krishna-Govardhana Khương Mỹ, câu chuyện thần thoại trên đã được diễn tả sinh động bằng ngôn ngữ điêu khắc riêng của nghệ nhân Chàm. Hình tượng ngọn núi Govardhana được Krishna nâng lên cao để che chở cho dân làng Brindavan và đàn gia súc của họ. Bức phù điêu Krishna-Govardhana của điêu khắc Chàm được thể hiện chi tiết trong một bố cục hình vòng cung dùng làm mi cửa (tympan) trên cửa chính của một ngôi đền. Bức phù điêu Krishna có chiều cao 88cm, chất liệu bằng sa thạch, được chế tác vào khoảng đầu thế kỷ thứ 10.

Trên bức chạm độc đáo này, các nhà điêu khắc Chàm đã mô tả hình tượng Krishna ở vị trí trung tâm trong thế đứng trụ vững chắc – một tư thế phổ biến trong thuật yoga.  Ở đây, dáng đứng của Krishna được diễn tả chính xác và tỉ mỉ theo tư thế yoga-utkata konasana, như: đầu gối hạ thấp, hai chân dang rộng dọc theo thân, toàn bộ cơ thể đứng trụ trên những đầu ngón chân, một tư thế vững chãi và sinh động. Tay phải của Krishna giơ cao nâng đỡ ngọn núi Govardhana; tay trái oai vệ đặt ngang hông (akimbo). Tác phẩm được khéo léo bố cục thành ba phần:

Phần trên  hình vòm cung, tượng trưng như ngọn núi Govardhana. Trên đó xuất hiện các loài vật sinh sống trong rừng như hươu, nai, các loại cây cỏ được diễn tả xen kẻ nhau đỉnh cao của ngọn núi; kế bên là hình ảnh con người hướng nhìn lên đỉnh núi. Cách diễn đạt này dựa theo quy ước tả thực vì muông thú sống ở rừng sâu và cao trên đỉnh núi; còn con người sinh sống quanh chân núi.

Phần giữa thể hiện dân làng và đàn gia súc quây quần hai bên Krishna, khép nép dưới vòm ngọn núi Govardhana trong sự che chở của thần để tránh cơn mưa lũ của thần Indra gây ra trong cơn thịnh nộ. Dưới sự bảo vệ an toàn tuyệt đối của Krishna, những bó đuốc vẫn cháy, và đàn gia súc nằm im chiêm ngưỡng sức mạnh vô song của vị thần trẻ tuổi.

Phần dưới thể hiện những con bò nằm kề bên Krishna vì ngài là thần mục đồng, thường ca hát thổi sáo rong chơi trên những cánh đồng bát ngát.

Bức phù điêu Krishna-Govardhana Khương Mỹ là tác phẩm duy nhất xuất hiện trong điêu khắc Chàm. Nghệ thuật diễn đạt của bức phù điêu cũng hoàn toàn khác biệt các tác phẩm điêu khắc khác cùng thể hiện đề tài này trong nghệ thuật Ấn Độ cũng như Đông Nam Á, trong đó, nổi bật là tư thế đứng trụ hai chân (utkata konasana) của Krishna và bố cục đăng đối của tác phẩm.

Krishna trong điêu khắc Ấn Độ và Cambodia thường được diễn tả với tư thế đứng nghiêng hông (tribhanga-dáng đứng tôn quý), một tay nâng ngọn núi Govardhana còn tay kia đặt ngang hông. Dáng đứng nghiêng hông phổ biến trong thủ pháp tạo hình Ấn Độ giáo khi diễn tả các vị thần ở tư thế đứng. Vì vậy, có thể xem bức phù điêu Krishna-Govardhana Khương Mỹ là một sáng tạo độc đáo của nền điêu khắc Chàm qua cách diễn đạt và bố cục tác phẩm.

Về mặt tín ngưỡng, bức phù điêu Krishna Govardhana Khương Mỹ đã tuyển chọn và thể hiện phần sinh động và nổi bật nhất của truyền thuyết về thần Krishna; ngài được tôn thờ không chỉ là một vị thần như bao vị thần khác nhưng chính là một vị anh hùng đầy nhân tính xuất hiện để cứu giúp con người yếu đuối luôn bị dọa nạt bởi mê tín thần linh.

Về mặt nghệ thuật, các nhà điêu khắc Chàm đã thể hiện tài năng sáng tạo của mình khi diễn đạt tính anh hùng của Krishna bằng thủ pháp tạọ hình độc đáo để phát triển các yếu tố Ấn Độ giáo; tác phẩm bộc lộ sự kết hợp hài hòa giữa ngôn ngữ tạo hình mang truyền thống Ấn giáo với cá tính thẩm mỹ của nghệ thuật Chàm để tạo nên một tác phẩm mang đậm bản sắc điêu khắc Champa.

TRẦN KỲ PHƯƠNG- NGUYỄN TÚ ANH

;
.
.
.
.
.