Chuyện về chiếc cối đá ở Bảo tàng Đồng Đình

.

Trưng bày trong khu “Ký ức làng chài” của Bảo tàng Đồng Đình, chiếc cối đá bị thủng đáy được ông chủ bảo tàng là đạo diễn phim tài liệu truyền hình, Nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Đoàn Huy Giao dành không ít thời gian, tâm sức để nghiên cứu, rồi ghi chú thích cho hiện vật độc đáo này là: “Cối đá của tiền hiền Trương Công mang từ phía Bắc vào thế kỷ 15”.

Chiếc cối đá thủng đáy do cư dân phía Bắc đem vào Đà Nẵng từ thế kỷ 15 trở thành hiện vật rất có giá trị ở Bảo tàng Đồng Đình. Ảnh: H.H
Chiếc cối đá thủng đáy do cư dân phía Bắc đem vào Đà Nẵng từ thế kỷ 15 trở thành hiện vật rất có giá trị ở Bảo tàng Đồng Đình. Ảnh: H.H

Đó là chiếc cối đá đặc biệt và hiếm gặp bởi bề mặt đá bên ngoài đã phong hóa rất lâu năm. Các vết bể trên thành cối cũng đã phủ lớp phong hóa. Ở giữa đáy dày hơn 10cm, có lỗ thủng rộng có đường kính khoảng 6cm. Hai bên thành lỗ thủng đều mịn màng, tròn trịa và phủ lớp phong hóa rất lâu năm, chứng tỏ cối đá bị thủng đáy do giã quá nhiều và cũng đã thủng rất lâu năm.

“Cách đây 2 năm, tôi nhìn thấy bên đường Hoàng Sa (phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) một cái cối đá đã bạc màu do ai đó đem để bên đường. Lại gần quan sát thì thấy cái cối thủng đáy. Tôi ngạc nhiên và mừng rỡ vì biết chắc rằng đây là dụng cụ có niên đại hàng trăm năm, người ta đã giã nhiều quá mới mòn đến thủng đáy như thế. Tôi dò hỏi người dân thì được cho biết là của một bà lão trong làng (thuộc phường Thọ Quang). Gặp bà lão thì được cho biết là của tổ tiên bà để lại. Và bà có họ Trương Công. Nghe vậy thì tôi mừng rỡ vì ngẫm chắc rằng, chiếc cối đá thủng đáy này có liên quan đến vị tiền hiền của làng Nam Thọ (thuộc phường Thọ Quang) là ông Trương Công Bậc. Tôi vội trả giá để mua, rồi nhờ người đến chở cối đá thủng đáy về bảo tàng vì quá nặng”, NSƯT Đoàn Huy Giao kể.

Từ khi được đưa về bảo tàng, chiếc cối đá thủng đáy trở thành mối quan tâm đặc biệt của NSƯT Đoàn Huy Giao. Ông gửi thông tin, hình ảnh, nhờ nhiều nhà nghiên cứu, nhà sử học chia sẻ thông tin liên quan đến chiếc cối đá, đặc biệt là thông tin liên quan đến những dòng người di cư từ Bắc vào Nam, nhất là họ Trương Công để xác định đúng niên đại cũng như giá trị lịch sử của hiện vật. “Từ đó, nhiều nhà sử học và nhà nghiên cứu khẳng định với tôi rằng, cối đá này đã được những cư dân phía Bắc đem vào đây từ thế kỷ 15”, NSƯT Đoàn Huy Giao cho biết.

Ngôi nhà “Ký ức làng chài” tại Bảo tàng Đồng Đình được dựng từ thân của 2 thuyền gỗ, 3 thuyền nan và 5 thúng chai đã hết đời đi biển của làng chài Nam Thọ. Đây là nơi trưng bày những mảnh ghép còn lại của cơn lốc đô thị hóa của làng chài cổ Nam Thọ với những hiện vật như: lưới, đèn măng-sông (manchon), nơm, hũ mắm...; hình ảnh về làng đầu thế kỷ 20; sao chụp sắc phong của triều Nguyễn về làng Nam Thọ... Bước vào khu nhà trưng bày, khách tham quan như được sống trong ký ức và không gian đánh bắt trên biển, hay trong một căn nhà lộng gió biển của làng chài”.

Chiếc cối đá thủng đáy, đồ vật gia truyền của dòng tộc Trương Công, tiền hiền làng Nam Thọ, được trưng bày trong khu “Ký ức làng chài”, thật là hữu duyên quá đỗi. Hiện vật này có niên đại cao nhất, không những tăng thêm vẻ cổ xưa, chiều sâu cho khu “Ký ức làng chài”, mà còn làm phong phú thêm giá trị văn hóa, lịch sử của làng Nam Thọ. Bởi cối đá vốn là một công cụ nhà nông ở phía Bắc, dùng để giã thóc lúa, nhưng lại xuất hiện và ở làng chài chuyên nghề đánh bắt thủy sản trên biển miền Trung hàng trăm năm.

“Sự xuất hiện cối đá giã thóc từ phía Bắc ở đây cũng thật logic. Xưa kia, những cư dân từ phía Bắc vào định cư ở làng Nam Thọ đầu tiên sinh sống bằng nghề trồng lúa nước trên diện tích ít ỏi ven biển và nguồn nước từ các con suối. Thời gian sau, họ mới chặt các cây cối từ rừng để làm các dụng cụ đánh bắt thủy sản. Chiếc cối đá thủng đáy đó đã theo chân những cư dân đầu tiên này từ phía Bắc vào đây để giã thóc thu hoạch được trên vùng đất mới. Sắp tới, tôi sẽ dành nhiều thời gian đi tìm bà lão cho tôi cối đá để tìm hiểu những câu chuyện xung quanh chiếc cối đá này”, NSƯT Đoàn Huy Giao nói.

HOÀNG HIỆP

;
.
.
.
.
.