Bảo tồn và phát huy giá trị đô thị di sản

.

Trong khuôn khổ Festival Di sản Quảng Nam 2017, ngày 14-6, UBND tỉnh Quảng Nam phối hợp UNESCO tại Việt Nam, UNHABITAT (cơ quan của Liên Hợp Quốc về phát triển khu dân cư và đô thị bền vững tại Việt Nam) tổ chức hội thảo quốc tế về Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản.

Quang cảnh Hội thảo quốc tế về Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản.
Quang cảnh Hội thảo quốc tế về Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản.

Bà Susan Vize, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam cho rằng, các đô thị di sản ở khu vực châu Á đều có điểm chung là tốc độ phát triển kinh tế nhanh chóng và đô thị hóa cao, thu hút du khách. Phát triển du lịch dần dần cải thiện sinh kế và thu nhập của cộng đồng địa phương, tạo cơ hội tốt hơn cho các doanh nghiệp địa phương. Tuy nhiên, điều này cũng làm gia tăng các khu dân cư mới, dẫn đến những vấn đề về vệ sinh môi trường, an ninh, giao thông…, trong khi các vấn đề này lại đóng vai trò quan trọng về xây dựng ranh giới bảo vệ các di tích. “Những phong tục tập quán truyền thống và  di sản phi vật thể bị lu mờ, bị bỏ qua trước động lực bảo đảm tài chính. Họ quên mất rằng, chính di sản văn hóa vật thể và phi vật thể tạo nên bản sắc con người và mang lại việc làm giàu bền vững hơn”, bà Susan Vize nói.

PGS. TS Đặng Văn Bài (đại diện của Việt Nam tại Ủy ban Di sản Thế giới) chỉ ra nghịch lý tại các đô thị di sản là phát triển đô thị và du lịch một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát khiến môi trường bị ô nhiễm và tài nguyên thiên nhiên có nguy cơ bị khai thác cạn kiệt; đồng thời dẫn đến tình trạng tập trung cư dân vào đô thị và di dân từ nơi khác đến các khu du lịch làm cho sắc thái văn hóa bản địa bị phai nhạt, cư dân bản địa có nguy cơ trở thành thế yếu so với người nhập cư…

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Đinh Văn Thu cũng chia sẻ về tình hình thực tế trong công tác bảo tồn và phát huy di sản tại địa phương trước sức ép đô thị hóa. Cụ thể, Hội An liên tục được UNESCO ghi nhận là một trong những nơi thực hiện tốt công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhưng Hội An vẫn đang đứng trước những nguy cơ, thách thức mới xuất hiện, đó là ảnh hưởng do biến đổi khí hậu và hiện tượng nước biển dâng, dẫn đến xói lở bờ biển hay tình trạng bồi cạn, ngập úng. Bên cạnh đó là nguy cơ cháy nổ do hoạt động quá tải các dịch vụ trong khu phố cổ…

Trước thực tế về sự thiếu cân bằng giữa bảo tồn di sản và phát triển đô thị, nhiều ý kiến cho rằng, cần có chiến lược bảo tồn lâu dài, bền vững và phù hợp với thực tế. Bảo tồn di sản không chỉ là bảo vệ tính xác thực của di sản mà cần thúc đẩy sự sáng tạo, để di sản “sống” đúng nghĩa.  

Hội An liên tục được UNESCO ghi nhận là một trong những nơi thực hiện tốt công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: NGỌC HÀ
Hội An liên tục được UNESCO ghi nhận là một trong những nơi thực hiện tốt công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Ảnh: NGỌC HÀ

Theo Tiến sĩ Robyn Bushell (Đại học Tây Sydney, Úc), đối với những yếu tố của di sản không dùng đến nữa hoặc không còn hiệu quả thì cần tái sử dụng thích ứng cho mục đích khác. Tuy nhiên, tái sử dụng thích ứng công trình xây dựng cổ nên tác động ít nhất đến ý nghĩa di sản của công trình và môi trường xung quanh; cần tôn trọng và gìn giữ ý nghĩa di sản của công trình và chỉ bổ sung thêm một “lớp áo” đương đại mang lại giá trị cho tương lai. “Nếu một tòa nhà không còn những chức năng sử dụng như ban đầu nữa, cách sử dụng thích ứng mới có lẽ là cách duy nhất để bảo tồn ý nghĩa di sản của nó”, bà Robyn Bushell nói.

Trong khi đó, chuyên gia Virginia Gravalos (chuyên gia phát triển đô thị, làm việc tại khu vực Nam Á) cũng đưa ra ý kiến rằng, khác với những quy hoạch thông thường, bảo vệ giá trị di sản của các khu đô thị cổ không thể dựa vào việc thực thi những quy định thông thường, mà phải xây dựng và thực hiện một chiến lược tổng thể và thiết lập các công cụ cụ thể để thực hiện; các bước xây dựng cần xem xét đến khi giải quyết các vấn đề về môi trường lịch sử, văn hóa…

“Chúng ta cần tiếp cận toàn diện các vấn đề về bảo tồn di sản trong bối cảnh phát triển đô thị. Song, điều quan trọng nhất và yếu tố sống còn đối với bảo tồn, phát huy đô thị di sản là vai trò của cộng đồng trong chính đô thị di sản đó. Cần nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của bảo tồn di sản, đào tạo nguồn nhân lực để lưu giữ các giá trị văn hóa phi vật thể… Đó cũng là giải pháp để thu hẹp khoảng trống về văn hóa do phát triển đô thị mang lại”, William Logan (Giáo sư danh dự tại Đại học Deakin, Úc) nhấn mạnh.

Tuyên bố Hội An 2017

Hội thảo quốc tế Bảo tồn và phát huy giá trị các đô thị di sản thông qua dự thảo Tuyên bố Hội An 2017 gồm 10 nguyên tắc và khuyến nghị gồm: bảo đảm việc bảo tồn các đô thị lịch sử và di sản đô thị của châu Á một cách có hiệu quả và công bằng, hướng tới cách tiếp cận toàn diện và xem xét bối cảnh nhận thức rộng lớn; cần có các chính sách và cơ chế rõ ràng, áp dụng cách tiếp cận dựa trên quyền con người; quản lý du lịch là một phần không thể tách rời trong mọi kế hoạch bảo tồn và quản lý các đô thị lịch sử; thúc đẩy hợp tác công – tư; tăng cường tính liên kết giữa các quy định của địa phương và quốc gia với các cam kết quốc tế, hợp tác khu vực và chia sẻ kinh nghiệm…

N.H

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.