Tiền hiền làng Mỹ Xuyên

.

Cụ Trần Châu, 85 tuổi, dẫn tôi tới thăm mộ tiền hiền của làng, Chánh đề đốc Hùng Long hầu Lê Quý Công tọa lạc tại khối Xuyên Đông 2, thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam và bảo: “Đây là vị có công khai phá lập ra làng Mỹ Xuyên từ ngày xưa. Ông đã tạo dựng nên cái làng này với diện tích 1.700 mẫu ta đấy”.

Mộ Chánh đề đốc Hùng Long hầu Lê Quý Công (ảnh trái) và Nhà thờ tiền hiền Long Xuyên, thị trấn Nam Phước. Ảnh: T.M
Mộ Chánh đề đốc Hùng Long hầu Lê Quý Công (ảnh trái) và Nhà thờ tiền hiền Long Xuyên, thị trấn Nam Phước. Ảnh: T.M

Theo các bậc cao niên trong làng cũng như căn cứ vào văn bia khắc ghi tại mộ Lê Quý Công và một số câu chuyện được truyền lại, năm 1470, vua Chiêm Trà Toàn dùng 10 vạn quân thủy bộ cùng nhiều voi, ngựa bất ngờ tiến công đánh chiếm Hóa Châu. Tướng trấn giữ Hóa Châu lúc bấy giờ là Phạm Văn Hiển không địch nổi nên phải đóng cửa thành, cử người phi ngựa đem văn thư cấp báo về kinh đô Thăng Long. Thấy quân Chiêm ngày càng lấn lướt, thường xuyên đe dọa biên giới phía nam của Đại Việt, vua Lê Thánh Tông quyết định chinh phạt Chiêm Thành.

Ngày 28-11-1470, nhà vua cử Chinh Lỗ Tướng quân Đinh Liệt và Chinh Lỗ Phó tướng quân Lê Niệm đem 10 vạn quân vào trước rồi 10 ngày sau vua thân hành đốc xuất 15 vạn thủy quân nữa tiến về phía Chiêm Thành. Tháng 3-1471, quân Đại Việt chiếm giữ được kinh thành Đồ Bàn, bắt sống Trà Toàn, song vua ra lệnh tha tội chết cho Trà Toàn. Tháng 6-1471, vua Lê Thánh Tông lập ra đạo Thừa tuyên thứ 13 Quảng Nam. Để trấn giữ vững chắc một vùng đất vừa được khai phá, vua Lê Thánh Tông cử võ tướng Lê Quý Công và 12 vị quan khác của triều đình cùng tham gia cuộc bình Chiêm dưới sự chỉ huy của Đinh Liệt và Lê Niệm năm ấy ở lại củng cố hệ thống phòng thủ, lập cư; hình thành làng Mỹ Xuyên cho tới ngày nay.

Song có một số tài liệu lại nói sau khi vua cha Lê Thái Tông đột ngột băng hà để lại nỗi oan nghiệt ngã, đau đớn đối với gia đình Nguyễn Trãi thì năm Nhâm Tuất 1442, vua Lê Nhân Tông lên ngôi khi đó mới 1 tuổi. Do còn quá nhỏ nên việc nước non, bờ cõi đều được Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh “buông rèm” để trông coi, chỉ đạo mọi chính sự của giang sơn trong suốt 10 năm ròng rã. Tháng 4-1445, vua Chiêm sai quân đánh cướp thành Hóa Châu nước Đại Việt. Triều đình nhà Lê liền cử Tư đồ Lê Thận, Đô đốc Lê Xí dẫn binh lính đi đánh dẹp. Năm 1446, Đô đốc Trịnh Khả, Thiếu phó Lê Khắc Phục đem hơn 60 vạn quân đi chinh phạt Chiêm Thành.

Lần này quân Đại Việt đánh vào tận Đồ Bàn, bắt sống vua Chiêm là Bí Cai. Lúc này triều đình xuất hiện khá nhiều kẻ cơ hội, gian thần tranh công, xúi giục Hoàng thái hậu ban bố lệnh giết hại một số quan tướng có công đánh đuổi quân Chiêm Thành, vì vậy các quan tướng bất mãn, sợ hãi không quay về đất Bắc mà ở lại lập làng Mỹ Xuyên và Lê Quý Công là một vị quan trong số đó.

Vậy làng Mỹ Xuyên hình thành từ bao giờ? Từ thời vua Lê Nhân Tông hay Lê Thánh Tông? Cứ chiếu theo lịch sử thì làng Mỹ Xuyên có từ năm 1471 là có cơ sở, bởi từ tháng 5-1471 trở về trước, vùng đất Duy Xuyên do Chiêm Thành kiểm soát. Trước đó, quân của vua Lê Nhân Tông có đánh vào tận Đồ Bàn, bắt Bí Cai, vua Chiêm nhưng đánh xong rút về chứ không thấy sử sách đề cập đến việc ở lại khai phá đất Duy Xuyên.   

Theo ý kiến của nhiều người nghiên cứu về vùng đất này thì tên làng Mỹ Xuyên là do Lê Quý Công lấy từ tên nguyên quán của làng mình ở tỉnh Thanh Hóa. Thế nhưng, ông Lê Tịch, người làng Mỹ Xuyên thì lại cho rằng vì dòng tộc của ông là họ Lê nên ông đã cất công tìm hiểu sâu kỹ về vị tiền hiền Lê Quý Công. Lần theo sử sách, ông Lê Tịch có lần ra tận tỉnh Thanh Hóa để truy tìm gia phả dòng họ Lê và khẳng định Lê Quý Công là người của làng Thần Phù, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa chứ không phải làng Mỹ Xuyên. Cái tên làng này do Lê Quý Công tự đặt ra chứ ông không lấy theo tên làng của quê mình như một số lời đồn đại…

Sau khi lập làng Mỹ Xuyên, tất cả diện tích đất đai của làng đều được Lê Quý Công đưa vào quỹ đất công rồi phân bổ cho dân nghèo cày cấy, canh tác. Nói theo cách hiện nay là dân không có quyền sở hữu đất đai mà chỉ có quyền sử dụng. Chính Lê Quý Công có cái nhìn rất sớm về tính pháp lý của đất đai nên đã tránh được sự xung đột để tranh giành lãnh địa của những người tham gia khai khẩn làng mạc, xóm thôn như một số nơi khác thời bấy giờ.

Đến năm 1836, vua Minh Mạng huy động sức dân đào một con sông dài gần 5km để dẫn nước tưới tiêu ruộng đồng và phục vụ cho mục đích quân sự, chia làng Mỹ Xuyên thành hai làng Mỹ Xuyên Đông và Mỹ Xuyên Tây. Dòng sông này kéo dài từ cầu Chìm xuôi về phía đông cầu Câu Lâu, hợp lưu với dòng Thu Bồn. Làng Mỹ Xuyên có nhà thờ tiền hiền cổ Long Xuyên, đã được xếp hạng Di tích văn hóa cấp tỉnh năm 1999, ngoài ra còn có chợ cổ, giếng cổ hàng trăm năm tuổi.   

7 năm sau, năm 2006, mộ Chánh đề đốc Hùng Long hầu Lê Quý Công cũng được UBND tỉnh Quảng Nam xếp hạng di tích cấp tỉnh bởi ông là người có công khai phá vùng đất để lập làng Mỹ Xuyên từ năm 1471. Hằng năm, vào ngày 12-2 âm lịch, dân làng Mỹ Xuyên mở hội tế lễ dâng cúng để tỏ lòng thành kính, biết ơn công lao vị tiền hiền Lê Quý Công đã tạo dựng nên làng.

THÁI MỸ

;
.
.
.
.
.