Hội Văn nghệ dân gian gặp khó

.

Với gần 50 hội viên có kiến thức, chuyên môn về văn hóa, văn nghệ dân gian, nhưng hoạt động của Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng vẫn ở mức cầm chừng, ảnh hưởng đến công tác giới thiệu, phổ biến văn hóa dân gian Đà Nẵng.

Đình làng Đà Nẵng là kiến trúc độc đáo thể hiện tín ngưỡng của người Đà Nẵng xưa.
Đình làng Đà Nẵng là kiến trúc độc đáo thể hiện tín ngưỡng của người Đà Nẵng xưa.

Theo ông Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Đà Nẵng, so với các hội chuyên ngành khác thuộc Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố, Hội Văn nghệ dân gian ra đời khá muộn vào năm 2001. Song, Đà Nẵng có nền văn hóa dân gian phong phú từ lễ hội, phong tục, tập quán đến ẩm thực, làng nghề truyền thống, các làn điệu dân ca... nên đây là kho tư liệu văn hóa dân gian quý giá để các nhà nghiên cứu sưu tầm.

Nhiều năm qua, các hội viên tích cực sưu tầm vốn văn hóa, văn nghệ dân gian và đã công bố nhiều công trình nghiên cứu. Lĩnh vực ngữ văn dân gian có các tác phẩm như: Tiếng địa phương trong ca dao, dân ca đất Quảng, Hò khoan xứ Quảng (Đinh Thị Hựu); Ca dao, dân ca kháng chiến (Hoàng Hương Việt); Chuyện kể dân gian xứ Quảng (Phạm Hữu Bốn)... Nghiên cứu nghệ thuật, kiến trúc dân gian có các tác phẩm: Đình làng Đà Nẵng (Hồ Tấn Tuấn chủ biên); Bài chòi xứ Quảng (Trương Đình Quang, Đinh Thị Hựu); Hò đưa linh (Trần Hồng)... Bên cạnh đó, các hội viên cũng chú trọng nghiên cứu về tín ngưỡng, phong tục và lễ hội, tiêu biểu như: Lễ hội - văn hóa dân gian đất Quảng (Lê Duy Anh); Văn hóa xứ Quảng - Một góc nhìn (Võ Văn Hòe, Hồ Tấn Tuấn, Lưu Anh Rô); Tìm hiểu miếu thờ quận Ngũ Hành Sơn (Đinh Thị Trang); Văn hóa dân gian Việt- Chăm nhìn trong mối quan hệ (Võ Văn Hòe, Trần Hồng, Hồ Tấn Tuấn)...

Đáng chú ý, tất cả tác phẩm đều do hội viên tự nghiên cứu, sưu tầm và bỏ kinh phí in sách, trong khi sự hỗ trợ của Hội Văn nghệ dân gian khá ít. Chị Đ.T (một hội viên của Hội) chia sẻ, chị khá yêu thích tìm hiểu văn hóa dân gian Đà Nẵng. Sau nhiều tháng, chị đã cho ra đời tác phẩm về tín ngưỡng trên địa bàn thành phố. Nhưng không có nhiều kinh phí để in sách nên chị chỉ in tác phẩm với số lượng nhỏ, chủ yếu để tặng người quen và bạn bè. Không chỉ trường hợp chị Đ.T, những tác phẩm được đánh giá chất lượng, có giá trị về văn hóa, dân gian Đà Nẵng chủ yếu được phổ biến trong giới chuyên môn, chưa đến được với công chúng. Trong khi đó, văn hóa, văn nghệ dân gian đóng vai trò rất quan trọng trong việc hình thành các ứng xử của cả một cộng đồng hướng đến giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Ông Võ Văn Hòe cho biết, duy trì hoạt động của Hội rất khó khăn thì làm sao tính chuyện phổ biến, quảng bá văn hóa dân gian đến công chúng. “Hội có gần 50 hội viên, thỉnh thoảng sinh hoạt một lần mà số lượng hội viên tham dự chưa được một nửa. Tôi nghĩ họ không mặn mà vì chưa tìm thấy động lực tham gia. Kể từ ngày thành lập đến nay, số lượng hội viên không tăng mà còn giảm, chưa kể một số hội viên tham gia nhiều Hội khác”, ông Hòe nói.

Hội Văn nghệ dân gian là một tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp tự nguyện của những người hoạt động trên lĩnh vực văn nghệ dân gian ở Đà Nẵng. Vì thế, nhiều người cho rằng đã tự nguyện thì sao còn than khó và không tham gia. Theo ông Võ Văn Hòe, hội viên phần lớn tuổi, phần chủ yếu làm công tác cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, điều kiện kinh tế không mấy dư dả. Trong khi đó, Hội không có kinh phí hoạt động, mỗi năm chỉ nhận được hỗ trợ 10 triệu đồng từ Liên hiệp các Hội Văn học - Nghệ thuật thành phố. Chỉ riêng năm 2017, ngoài 10 triệu đồng được cấp, còn có thêm 35 triệu đồng hỗ trợ sáng tác. “Chúng tôi đều nhận thức rằng, hoạt động của Hội phong phú, sôi nổi thì mới thu hút hội viên, làm sao để mỗi hội viên thấy được lợi ích và quyền lợi khi tham gia Hội. Tuy nhiên, hoạt động điền dã tốn khá nhiều thời gian, kinh phí; hoạt động quảng bá cũng tương tự. Vì thế, dù năm 2017 chúng tôi dự kiến thực hiện công trình nghiên cứu tập thể về biển, đảo và điền dã, nhưng với điều kiện hiện tại, chắc vẫn cứ hoạt động cầm chừng”, ông Hòe chia sẻ thêm.

Trong giai đoạn hiện nay, quá trình đô thị hóa ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của nông nghiệp và nông thôn; nhiều tập tục, tập quán văn hóa dần biến mất thì việc bảo tồn văn hóa dân gian càng có ý nghĩa thiết thực. Bởi lẽ, thông qua các môi trường cộng đồng (gia đình, dòng họ, làng xóm, tộc người,...), văn hóa dân gian sẽ tác động đến việc hình thành các ứng xử của mỗi thành viên, hướng đến việc giáo dục lớp trẻ tốt hơn. Ngoài ra, văn hóa dân gian còn là nguồn lực, tài nguyên và là nguồn lực của du lịch, phát triển kinh tế. Do đó, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân gian không chỉ là trách nhiệm của Hội Văn nghệ dân gian mà còn cần có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành và cộng đồng.

Bài và ảnh: LÊ PHẠM

;
.
.
.
.
.