.
Hội sách sông Hàn 2014

Khơi nguồn văn hóa đọc

.

Sáng 21-4, Hội Sách sông Hàn 2014 diễn ra tại Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng (46 Bạch Đằng), thu hút nhiều độc giả yêu sách tham gia. Sự kiện do Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, Chi hội Nhà văn Việt Nam tại Đà Nẵng và NXB Văn học - Văn phòng đại diện tại Đà Nẵng và miền Trung - Tây Nguyên phối hợp tổ chức nhằm hưởng ứng Ngày Sách Việt Nam 21-4-2014.

Đến Hội Sách để chọn những cuốn sách hay, cần thiết và hòa mình vào kho tàng tri thức vô tận của nhân loại.                       Ảnh: NGỌC HÀ
Đến Hội Sách để chọn những cuốn sách hay, cần thiết và hòa mình vào kho tàng tri thức vô tận của nhân loại. Ảnh: NGỌC HÀ

Nhộn nhịp ngày hội sách

Tại Hội Sách sông Hàn 2014, các đơn vị tham gia đều cố gắng thu hút độc giả không chỉ với các đầu sách hay, sách mới mà còn mở rộng không gian đọc sách và những ưu đãi đặc biệt như: trưng bày đẹp mắt, trao đổi sách, giảm giá bán sách, tặng biếu sách…

"Rồi mọi người sẽ quay lại với sách, với văn hóa đọc sách vì đó là một phần văn hóa của nhân loại"

Nhà văn Thái Bá Lợi

Đặc biệt trong ngày hội sách còn có các hoạt động như: trò chuyện về những tác phẩm gây tiếng vang lớn của nhà văn Thái Bá Lợi với tiểu thuyết Minh Sư (tác phẩm đoạt giải thưởng Văn học ASEAN); Thiếu tướng Trần Minh Hùng - nguyên Phó Tư lệnh Quân khu 5 với tập sách Theo dòng thời cuộc; tọa đàm với chủ đề “Giới trẻ với sách - tri thức và phát triển”; giới thiệu tập sách, tập thơ đến bạn đọc như Xéc-gây E-xê-nhin trong một thế giới không trữ tình của Việt Thương (Nguyễn Văn Giai), Hương cỏ của nhà thơ Nguyễn Văn Tám, Chút nắng chiều của nhà thơ Phạm Hồng Sương, Như là giọt sương của nhà thơ Ái Khanh…

Ngoài ra còn có cuộc thi sáng tác nhanh thơ lục bát về biển đảo, giao lưu thơ về biển đảo của các CLB Thơ Đà Nẵng, Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế. Cũng trong dịp này, Thiếu tướng Trần Minh Hùng tặng sách cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân và Trường Sa; Trưởng Văn phòng đại diện NXB Văn học tại Đà Nẵng tặng sách cho Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu) để xây dựng tủ sách cho đơn vị.

Tham dự Hội sách, Đoan Khanh (sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng) cho biết: “Đây là dịp để em sưu tầm những cuốn sách hay, cần thiết cho mình vì có nhiều ưu đãi về giá. Sinh viên chúng em rất cần những sự kiện như thế này. Chúng em không quay lưng với sách nhưng vì không có điều kiện sở hữu những cuốn sách hay, đành phải vào mạng đọc miễn phí. Cầm quyển sách này trên tay và biết nó chắc chắn thuộc về riêng mình, em vui lắm!”.

Học sinh thích thú với gian hàng trao đổi sách, tặng sách và chân dung Bác Hồ.
Học sinh thích thú với gian hàng trao đổi sách, tặng sách và chân dung Bác Hồ.

Sẽ quay về với sách!

Nhận xét về văn hóa đọc ngày nay, nhà văn Thái Bá Lợi cho rằng nhiều người vẫn nói văn hóa đọc đang suy thoái do tốc độ phát triển nhanh, mạnh của công nghệ thông tin, truyền thông. Tuy nhiên, đó chỉ là sự lơ là nhất thời. “Hãy tin vào thế hệ trẻ, họ rất chăm đọc sách, vấn đề là họ đọc nhanh hơn vì thời nay họ có nhiều thứ khác giải trí ngoài sách. Tôi tin rằng rồi mọi người sẽ quay lại với sách, với văn hóa đọc sách vì đó là một phần văn hóa của nhân loại. Điều quan trọng là chúng ta cần tạo môi trường, tạo điều kiện để mọi người đến với sách, yêu quý sách. Muốn thế, vai trò của NXB, thư viện quan trọng hơn bao giờ hết”, nhà văn Thái Bá Lợi chia sẻ.

Cùng quan điểm, ông Hà Xuân Đào, Giám đốc Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng nói: “Lâu nay, chúng ta cũng đã tổ chức nhiều hoạt động để khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng nhưng chưa có sự chỉ đạo sâu sát, sự quan tâm đầu tư của các ban, ngành liên quan nên không hiệu quả. Vì thế, Ngày Sách Việt Nam ra đời là niềm vui của những người làm công tác phục vụ bạn đọc, những người tham gia sưu tầm, sáng tác, lưu giữ, quảng bá sách… Bởi sự kiện này góp phần nâng cao trách nhiệm của các cấp, các ngành, các cơ quan chức năng, tổ chức xã hội đối với xây dựng và phát triển văn hóa đọc Việt Nam”.

Cũng theo ông Đào, đây là năm đầu tiên nước ta lấy ngày 21-4 làm Ngày Sách Việt Nam. Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa to lớn trong việc khuyến khích phong trào đọc sách trong cộng đồng, nhất là trước nguy cơ mỗi người Việt Nam chỉ đọc 0,8 bản sách/năm tại thư viện, mà còn tôn vinh sách và văn hóa đọc sách trong cộng đồng; nâng cao nhận thức của người dân về tầm quan trọng của đọc sách. Ông Đào cho rằng, hoạt động này cần thiết nhằm hướng giới trẻ đến văn hóa đọc lành mạnh và phù hợp hơn.

Bài và ảnh: NGỌC HÀ

;
.
.
.
.
.