.
Festival Huế 2014

Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển

.

20 giờ ngày 12-4 tại Kỳ đài - Quảng trường Ngọ Môn, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế long trọng tổ chức lễ khai mạc Festival lần thứ 8, năm 2014 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”. Đến dự có đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; các đồng chí nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước, cùng đại diện các cơ quan ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và hơn 20.000 người dân, du khách.

Các đoàn nghệ thuật Việt Nam biểu diễn tại đêm khai mạc. 				Ảnh: PHƯƠNG CHI
Các đoàn nghệ thuật Việt Nam biểu diễn tại đêm khai mạc. Ảnh: PHƯƠNG CHI

Đêm khai mạc Festival năm 2014 có chủ đề “Cố đô - Hội tụ và Tỏa sáng” lần đầu tiên tổ chức bắn pháo hoa tầm cao 15 phút trong không gian đầy sắc màu.

Quảng bá đất nước, con người Việt Nam

Phát biểu tại lễ khai mạc, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Kinh đô Phú Xuân - Thừa Thiên - Huế xưa là điểm hội tụ văn hóa của dân tộc, là nơi gặp gỡ và giao hòa giữa các nền văn hóa. Quần thể di tích Cố đô Huế đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa thế giới năm 1993 và đúng 10 năm sau, năm 2003, Nhã nhạc - Âm nhạc Cung đình Huế  được công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể đầu tiên của nhân loại. Qua 7 kỳ tổ chức, những thành công của Festival Huế ngày càng thể hiện nét đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam.

“Festival Huế cũng là nơi gặp gỡ và cầu nối giữa các dân tộc khi hội tụ về vùng đất cố đô để trình diễn những nét đẹp văn hóa đặc trưng của dân tộc mình, mang đậm dấu ấn và sức sống riêng, mở ra những cơ hội hợp tác, hữu nghị cùng xây dựng, phát triển vì một thế giới hòa bình, thịnh vượng trên nền tảng đa sắc màu văn hóa. Qua đó, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế, làm cho văn hóa thực sự là một trong những kênh đối ngoại quan trọng của Đảng và Nhà nước ta. Festival Huế cũng là dịp để quảng bá, giới thiệu văn hóa, con người và đất nước Việt Nam đến bạn bè quốc tế”, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.  

Sau lễ khai mạc là chương trình nghệ thuật đặc sắc, với các phần “Việt Nam quê hương tôi”, “Một vùng non nước trời Nam” và “Kinh đô Huế - Hội tụ và tỏa sáng”.

Chiều 13-4, tại các ngả đường thành phố Huế diễn các hoạt động mang tính cộng đồng như: lễ hội đường phố với chủ đề “Di sản và sắc màu văn hóa” của các nước Đông Á - Mỹ Latinh; biểu diễn cà kheo đường phố của đoàn nghệ thuật Cà kheo - Bỉ; dàn nhạc OSP Nadarzyn - Ba Lan tấu những âm thanh rộn ràng thu hút khá đông người xem. 20 giờ cùng ngày, tại sân điện Thái Hòa diễn ra chương trình nghệ thuật “Đêm Phương Đông” do các đoàn nghệ thuật trong và ngoài nước biểu diễn.

Mùa Festival “ấn tượng, thân thiện và an toàn”

Trong những ngày này, người dân và du khách khắp mọi miền đất nước và quốc tế nườm nượp đổ về Huế để tham dự chương trình Festival. Theo Sở VH-TT&DL Thừa Thiên-Huế cho biết, qua số liệu thống kê có khoảng 80.000 khách gồm gần 50.000 khách quốc tế và hơn 30.000 khách trong nước đặt phòng tại các khách sạn Huế kể từ ngày 11 đến 19-4 để tham dự Festival. Thành phố Huế hiện có gần 10.200 phòng lưu trú với 17.000 giường, trong đó có hơn 3.000 phòng chất lượng từ ba sao trở lên nên không lo chuyện thiếu phòng. Tỷ lệ đặt phòng đạt 85% số phòng hiện có.  

Với mục tiêu tổ chức mùa Festival “Ấn tượng, thân thiện và an toàn”, Sở VH-TT&DL Thừa Thiên - Huế yêu cầu các cơ sở lưu trú nâng cao chất lượng phục vụ khách, yêu cầu tăng cường công tác an ninh, an toàn trật tự và bảo đảm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm… Đồng thời, Sở tổ chức đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra các cơ sở về chất lượng dịch vụ, đặc biệt là việc niêm yết giá để tránh tình trạng “chặt chém” khách trong suốt kỳ Festival.

Ông Nguyễn Văn Cao, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ và bạn bè quốc tế, Festival Huế năm 2000 trở thành lễ hội văn hóa - nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. Từ đó đến nay, cứ 2 năm một lần, tỉnh Thừa Thiên - Huế đã tổ chức thành công 7 kỳ festival. Festival Huế là lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam. Với phương châm giữ cốt cách truyền thống nhưng cách thể hiện luôn luôn mới, Ban tổ chức lễ hội năm nay chú trọng đến các hoạt động cộng đồng, để nhân dân và du khách vừa có thể là chủ thể sáng tạo, vừa là chủ thể hưởng thụ, quyết tâm xây dựng Huế thành thành phố Festival đặc trưng, xứng tầm là một trong những trung tâm văn hóa, du lịch đặc sắc của Việt Nam.

PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.