Khó "hạ nhiệt" xung đột ở Yemen

.

Cái chết của cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh có thể làm phức tạp thêm cuộc nội chiến và đẩy quốc gia vùng Vịnh này vào “thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới”.

Cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã rời bỏ nhóm Houthi để xích lại gần Saudi Arabia. Ông bị ám sát hôm 4-12.											Ảnh: AP
Cựu Tổng thống Yemen Ali Abdullah Saleh đã rời bỏ nhóm Houthi để xích lại gần Saudi Arabia. Ông bị ám sát hôm 4-12. Ảnh: AP

Hãng AP cho biết, các vụ không kích của liên quân do Saudi Arabia dẫn đầu làm rung chuyển thủ đô Sanaa ngày 5-12 (giờ địa phương), nhằm trả đũa việc nhóm Houthi - phiến quân Shiite - giết hại cựu Tổng thống Ali Abdullah Saleh. Một quan chức Liên Hợp Quốc ước tính có ít nhất 25 cuộc không kích ở Sanaa chỉ trong vòng 24 giờ. Các chuyên gia ở Trung Đông cho rằng, cái chết của ông Saleh có thể làm “bùng nổ” bất ổn ở một đất nước vốn bị cuộc nội chiến tàn phá.

Ông Saleh bị sát hại vào ngày 4-12, chỉ 2 ngày sau khi ông chấm dứt việc liên minh với Houthi, lực lượng được Iran hậu thuẫn, để xích lại gần Saudi Arabia. Hãng thông tấn nhà nước Ai Cập MENA dẫn lời người đứng đầu Liên đoàn Arab Ahmed Aboul Gheit ngày 5-12 gọi phong trào Houthi là một “tổ chức khủng bố” và yêu cầu cộng đồng quốc tế “đưa người Yemen ra khỏi cơn ác mộng”. Con trai của ông Saleh đã kêu gọi trả thù cho cha bằng việc chống lại Houthi.

Theo ABC News, Yemen đóng vai trò quan trọng trong các lợi ích của Mỹ. Quân đội Mỹ ủng hộ Saudi Arabia trong chiến dịch chống phiến quân Houthi tại Yemen thông qua việc cung cấp thông tin tình báo, thậm chí tiếp nhiên liệu cho các máy bay của Saudi Arabia. Tổng thống Mỹ Donald Trump gia tăng sự hỗ trợ với danh nghĩa là bảo đảm an toàn cho Yemen và không để nơi đây trở thành không gian hoạt động cho những đối tượng theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Thực tế, Yemen là nhà của Al-Qaeda trên bán đảo Arab (AQAP), chi nhánh nguy hiểm nhất của Al-Qaeda. Mỹ vẫn thường tiến hành các vụ không kích ở Yemen nhằm chống lại AQAP. Năm 2012, Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã phá kế hoạch đánh bom của AQAP nhằm vào một máy bay Mỹ.
Trong cuộc nổi dậy Mùa xuân Arab năm 2011, Tổng thống Saleh bị buộc phải từ chức vào năm sau đó. Song, ông ở lại Yemen và vẫn là nhân vật có ảnh hưởng lớn về chính trị. Năm 2014, lực lượng của ông liên kết Houthi với mong muốn tận dụng sức mạnh của phong trào này để ông trở lại nắm quyền. Tuy nhiên, liên minh này tan vỡ hồi tuần trước, dẫn đến các cuộc đụng độ ác liệt. Thủ lĩnh Houthi, Abdul-Malek al-Houthi, tuyên bố ông Saleh đã trả giá cho “sự phản bội”, cáo buộc ông phản bội liên minh để “bắt tay” với liên minh do Saudi Arabia dẫn đầu.

Houthi là đồng minh của Iran. Khẩu hiệu của nhóm phiến quân này rải trên khắp thủ đô Sanaa là “Mang cái chết đến với Mỹ” và “Mang cái chết đến với người Do Thái”. Đương nhiên đất nước Yemen dưới sự kiểm soát của Houthi sẽ không thể hợp tác với Mỹ.

Điều đáng nói, cuộc nội chiến ở Yemen, trong đó Saudi Arabia và Houthi đứng ở hai chiến tuyến khác nhau, đang đưa đất nước đến bên bờ nạn đói. Việc Saudi Arabia phong tỏa các khu vực do phiến quân kiểm soát dẫn đến tình trạng thiếu lương thực và nhiên liệu. Đường sá và cầu bị đánh bom nên việc vận chuyển lương thực càng trở nên khó khăn hơn. Liên Hợp Quốc cảnh báo có đến 17 triệu người Yemen cần viện trợ lương thực và gần 7 triệu người có nguy cơ bị đói.

Ngoại trưởng Đức Sigmar Gabriel mô tả tình hình ở Yemen “có lẽ là thảm họa nhân đạo nghiêm trọng nhất trên thế giới”. Trong khi đó, cố vấn về phản ứng khủng hoảng cấp cao của Tổ chức Ân xá quốc tế Donatella Rovera nói với ABC News rằng, trong các cuộc xung đột khác ở khu vực, người dân vẫn có thể rời đất nước để lánh nạn. Tuy nhiên, do địa lý của Yemen, người dân dường như bị mắc kẹt, họ không thể rời đi, con đường duy nhất rời khỏi Yemen để đến Vương quốc Oman là hành trình dài và tốn kém khi phải vượt qua các khu vực sa mạc do AQAP kiểm soát.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc kêu gọi tất cả các bên giảm căng thẳng, bạo lực và tiến tới một thỏa thuận ngừng bắn không điều kiện. Song, sẽ không dễ dàng bình ổn được tình hình Yemen. Bất chấp giao tranh đang diễn ra, các chuyến bay nhân đạo của Liên Hợp Quốc và Tổ chức Chữ thập đỏ quốc tế (ICRC) vẫn đến Sanaa.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.