Nhật Bản muốn mua tên lửa tầm xa

.

Nhật Bản dự kiến chi tiền để mua tên lửa tầm xa có khả năng tấn công các điểm thử tên lửa của CHDCND Triều Tiên.

Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un thăm và cảm ơn một nhà máy ở tỉnh Chagang đã sản xuất phương tiện chở tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của nước này. Ảnh: AP
Nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un thăm và cảm ơn một nhà máy ở tỉnh Chagang đã sản xuất phương tiện chở tên lửa đạn đạo liên lục địa mới nhất của nước này. Ảnh: AP

Hãng Reuters cho biết, Nhật Bản có kế hoạch tăng ngân sách quốc phòng từ tháng 4-2018 để nghiên cứu xem máy bay chiến đấu F-15 có thể phóng tên lửa tầm xa hơn không, trong đó có tên lửa không đối đất với tầm bắn 1.000km (JASSM-ER) của Công ty quốc phòng Mỹ Lockheed Martin. Theo một quan chức Nhật Bản, xu hướng toàn cầu là sử dụng tên lửa tầm xa hơn và đương nhiên Nhật muốn có những tên lửa này để tấn công các điểm thử tên lửa của CHDCND  Triều Tiên.

Trước đó, đài truyền hình Fuji đưa tin, Nhật Bản cũng quan tâm việc mua tên lửa tấn công liên hợp (JSM) có tầm bắn 500km, do Công ty Quốc phòng và Không gian vũ trụ Kongsberg của Na Uy thiết kế, để trang bị cho máy bay chiến đấu tàng hình F-35. Thực tế, cả tên lửa không đối đất JASSM-ER cũng như JSM đều không có trong kế hoạch ngân sách 5.260 tỷ yên (46,7 tỷ USD) do Bộ Quốc phòng Nhật Bản đệ trình. Tuy nhiên, cơ quan này sẽ bổ sung ngân sách để mua 2 loại tên lửa nói trên.

Theo hiến pháp hòa bình của Nhật Bản, tên lửa mà nước này được sử dụng chỉ bao gồm loại chống máy bay và tàu, với tầm bắn chưa đạt 300km. Vì vậy, bất kỳ quyết định nào về việc mua vũ khí tầm xa hơn có khả năng tấn công CHDCND Triều Tiên hoặc thậm chí Trung Quốc đại lục cũng sẽ gây tranh cãi. Những người ủng hộ cho rằng, vũ khí tấn công có thể đóng vai trò phòng vệ.

Song, phát biểu tại cuộc họp báo ở Tokyo ngày 5-12, Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Itsunori Onodera cho biết: “Chúng tôi hiện không xem xét ngân sách cho vấn đề này”. Theo ông, Nhật Bản dựa vào Mỹ để tấn công kẻ thù và không xem xét để có bất kỳ sự thay đổi nào đối với vai trò của Tokyo.

Trước lúc nhậm chức Bộ trưởng Quốc phòng hồi tháng 8 vừa qua, ông Onodera dẫn đầu một nhóm của đảng Dân chủ Tự do cầm quyền vốn có quan điểm rằng, Nhật Bản cần có vũ khí tấn công để ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công nào của CHDCND Triều Tiên nhằm vào Nhật. CHDCND Triều Tiên đã bắn những tên lửa đạn đạo bay qua lãnh thổ Nhật Bản. Tuần trước, Bình Nhưỡng thử loại tên lửa đạn đạo liên lục địa mới Hwasong-15 đạt đến độ cao hơn 4.000km trước khi rơi xuống Biển Nhật Bản.

Cũng trong ngày 5-12, Hạ viện Nhật Bản thông qua nghị quyết chỉ trích hành động nghiêm trọng không thể chấp nhận được của CHDCND Triều Tiên khi phóng Hwasong-15. Nghị quyết cho rằng, việc Bình Nhưỡng phát triển hạt nhân và tên lửa đạn đạo là mối đe dọa to lớn đối với an ninh khu vực; đồng thời kêu gọi chính phủ Nhật Bản thúc đẩy thông qua một nghị quyết mới về Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ).

Trong lúc đó, Phó Tổng Thư ký LHQ phụ trách các vấn đề chính trị, ông Jeffrey Feltman, đến CHDCND Triều Tiên ngày 5-12 nhằm xoa dịu căng thẳng xung quanh chương trình vũ khí hạt nhân của Bình Nhưỡng. Chuyến công cán hiếm hoi và bất ngờ của ông Feltman diễn ra chỉ một ngày sau khi Mỹ và Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận không quân chung với quy mô “khủng” mang tên Vigilant Ace. Trên đường đến Bình Nhưỡng, ông Feltman đã quá cảnh ở Bắc Kinh. Chưa rõ vị quan chức LHQ này có gặp gỡ nhà lãnh đạo Kim Jong-un hay không và sứ mệnh của ông có tạo đột phá, giảm căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên hay không, khi Bình Nhưỡng đang phản ứng tức giận về cuộc tập trận Mỹ - Hàn.

PHÚC NGUYÊN

;
.
.
.
.
.