.

"Chiếc bánh" đầu tư BT

.

Sự kiện ngày 8-4, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức hội nghị phản biện phương án thiết kế kiến trúc đầu tư xây dựng cầu đi bộ qua sông Hàn đem lại bầu không khí dân chủ, tìm được tiếng nói tâm huyết, thể hiện trách nhiệm với sự phát triển của thành phố. Hoạt động này càng ý nghĩa hơn khi xới lên một vấn đề mới trong câu chuyện cũ: Đầu tư theo hình thức BT.

Vài năm qua, tại thành phố, những dự án đầu tư xây dựng - chuyển giao (BT) được triển khai nhưng dư luận vẫn chưa thực sự an tâm và có hoài nghi về tính hiệu quả của hình thức đầu tư này. Nhà đầu tư nhận dự án, tổ chức thi công và bàn giao cho chủ đầu tư để đưa và sử dụng. Việc thanh toán dự án BT ở thành phố là chủ yếu chuyển quỹ đất cho nhà đầu tư.

Dự án đầu tiên dù khiêm tốn nhưng phải kể đến khi nhà đầu tư thi công tuyến cống thoát nước đường Trần Hưng Đạo để giải quyết tình trạng ngập úng khu vực dân cư đường Hà Thị Thân, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà. Dự án hoàn thành với giá trị gần 10 tỷ đồng được thanh toán bằng giá trị chuyển quyền sử dụng đất cho nhà đầu tư. Điều quan ngại là hiệu quả hoạt động của tuyến cống rất thấp nếu không muốn nói là mất tác dụng khi bài toán xử lý ngập úng ở khu vực bị phá sản và đang được tính toán lại với phương án tốn tiền thêm là đặt máy bơm cưỡng bức để xử lý thoát nước. Dự án BT lớn hơn phải kể đến tuyến đường Hoàng Văn Thái nối dài với vốn đầu tư trên 720 tỷ đồng, có chiều dài 10km được thực hiện bằng “đánh đổi” 150ha đất. Tuy nhiên, căn cứ vào tình hình đầu tư và giá trị đất chuyển đổi có khả năng thành phố cũng phải giao đất thêm cho nhà đầu tư.

Những dự án đầu tư theo chủ trương BT hiển nhiên nhà đầu tư đã và đang “lợi đơn, lợi kép”. Nhà đầu tư được thanh toán bằng giá trị quỹ đất, được nhận từ chuỗi giá trị tăng thêm khi công trình BT phục vụ trực tiếp cho nhà đầu tư từ các dự án của họ. Qua thi công dự án BT, nhà đầu tư còn tận dụng khai thác nguồn tài nguyên đất để san lấp mặt bằng cho các dự án phát triển đô thị của chính họ. Dự án BT đang xuất hiện những dấu hiệu đáng lo ngại khi nhà đầu tư tự xem đó là công trình, dự án của riêng mình dù theo “danh chính ngôn thuận” họ chỉ là nhà thầu thi công.

Cơ chế quản lý đối với dự án BT chưa đáp ứng yêu cầu kiểm soát trong tất cả các khâu đầu tư xây dựng. Nhà đầu tư đã “vượt” qua sự kiểm soát về quản lý để luôn nhận được sự có lợi cho mình, từ khâu dự toán đầu tư, chọn biện pháp thi công và đôi khi triển khai không cần cơ quan chức năng phê duyệt biện pháp thi công như từng xảy ra trên tuyến đường Hoàng Văn Thái. Tại cuộc họp lấy ý kiến Luật Xây dựng sửa đổi do Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố tổ chức mới đây, đại diện Sở Xây dựng cũng nêu quan điểm hình thức đầu tư BT, BOT chưa được quản lý chặt chẽ, khó kiểm soát chất lượng công trình, giá trị đầu tư.   

Những dự án BT về hạ tầng giao thông quốc lộ còn có khả năng thu hồi vốn từ phí giao thông nhưng các tuyến giao thông BT của thành phố chỉ thuần túy phát triển hạ tầng giao thông đô thị. Thế nhưng, “cái hay, cái lạ” bởi “những con đường BT đều dẫn vào dự án của chủ đầu tư”.

Trở lại với sự kiện lấy ý kiến phản biện đối với dự án cầu đi bộ qua sông Hàn, đầu tư theo hình thức BT với tổng vốn 30 triệu USD. Những tiếng nói phản biện, phản ánh với Thường trực Thành ủy rằng chưa phải lúc để thành phố triển khai dự án BT cầu đi bộ qua sông Hàn. Với 30 triệu USD là cái giá của nhà đầu tư đưa ra nếu chấp thuận ở thời điểm này, tài nguyên đất, những khu đất vàng của thành phố tiếp tục vào tay nhà đầu tư và là sự trả giá quá đắt khi có dư luận ví von “thừa giấy vẽ thêm rồng?”. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An (nguyên Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Đà Nẵng), không ai cấm Đà Nẵng xây dựng thêm những cây cầu đẹp, hiện đại. Nhưng trong hoàn cảnh chung hiện nay, cách ứng xử có văn hóa là đồng cảm và chia sẻ, là không nên làm những cái gì dễ gây phản cảm.

TRIỆU TÙNG

;
.
.
.
.
.