.

Cầu đi bộ qua sông Hàn: Cần nhưng chưa cấp bách

.

Cầu đi bộ qua sông Hàn cần thiết nhưng chưa phải là vấn đề cấp bách phải triển khai xây dựng ngay. Thời điểm triển khai nên chậm lại, giãn ra cho đến khi có điều kiện thì làm. Như vậy sẽ hợp lòng dân.

Mô hình cầu đi bộ qua sông Hàn.
Mô hình cầu đi bộ qua sông Hàn.

Nhiều ý kiến tại Hội nghị lấy ý kiến phản biện chuyên sâu đối với dự án cầu đi bộ qua sông Hàn do Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố tổ chức ngày 8-4 đồng tình với nhận định này. Tham gia phản biện có các chuyên gia, kiến trúc sư, các nhà khoa học, Hội đồng Tư vấn kinh tế-xã hội (KT-XH) và các tổ chức thành viên Mặt trận, lãnh đạo các sở, ban, ngành thành phố.

Cầu đi bộ qua sông Hàn là dự án đã được thành phố chọn phương án kiến trúc hình vỏ sò với kinh phí xây dựng khoảng 30 triệu USD. Địa điểm xây dựng nằm trên địa bàn hai quận Hải Châu và Sơn Trà, ở vị trí điểm đầu cầu bờ tây được nối với nút giao thông Đống Đa - Bạch Đằng; điểm đầu cầu bờ đông nối với khu thương mại dự án Olalani. Cầu được đầu tư theo hình thức xây dựng-chuyển giao (BT).

Có nên vay tiền để xây cầu?

Nhiều ý kiến đánh giá tình hình kinh tế hiện tại đang gặp khó khăn, ngân sách thành phố hạn hẹp. Trong khi đó, nhiều dự án khác đòi hỏi nguồn vốn đầu tư vừa lớn vừa khẩn trương. Với áp lực lớn trong cân đối cung - cầu vốn, trước mắt thành phố sẽ khó có khả năng chi thêm hơn 600 tỷ đồng (30 triệu USD) đầu tư cho cầu đi bộ qua sông Hàn.

Bày tỏ quan điểm về hình thức đầu tư BT đối với dự án này, đại diện Hội đồng Tư vấn  KT-XH cho rằng, đầu tư theo hình thức BT là vay tiền làm dự án trước, thành phố thanh toán sau và phải chịu lãi vay cao làm tăng thêm gánh nặng cho ngân sách thành phố. Hội đồng Tư vấn KT-XH đề nghị thành phố từ chối đầu tư theo hình thức này. Lý do đưa ra là xu hướng hiện nay trong cả nước đang tiến đến hạn chế và chấm dứt hình thức đầu tư BT để tránh tình trạng doanh nghiệp “chạy” dự án ở địa phương, địa phương “chạy” ngân sách Trung ương hoặc không có vốn thanh toán cho nhà đầu tư, nợ nần dây dưa.

Đại diện Hội Quy hoạch phát triển đô thị phản biện: Nếu trả cho nhà đầu tư bằng đất theo phương thức đổi đất lấy hạ tầng thì hiệu quả kinh tế không cao. Vì việc xây cầu đi bộ qua sông là chuyện của “nhà giàu”, bởi họ xây cầu đi bộ khi đô thị đã phát triển đồng bộ, cây cầu chỉ mang tính làm cảnh, trang trí, tham quan và thưởng ngoạn nhiều hơn.

Mức đầu tư lớn mà chỉ phục vụ cho nhu cầu đi bộ trong khi nền kinh tế khó khăn, thu nhập người dân còn thấp, liệu hiệu quả kinh tế có mang lại lợi ích hay sẽ là gánh nặng cho ngân sách phải trả trong tương lai. Trong khi đó, thành phố bỏ tiền ra xây cầu để làm đẹp và làm lợi cho nhà đầu tư thì chúng ta chưa có một sự đánh giá nào cụ thể về hiệu quả sử dụng và phục vụ dân sinh. Vì vậy, việc đầu tư cầu đi bộ qua sông Hàn vào thời điểm hiện nay là không cần thiết và cũng chưa cấp bách.

Phương án xây cầu đi bộ qua sông Hàn được thành phố giao cho Sun Group từ năm 2011 kết hợp với các đơn vị tư vấn lập phương án thiết kế. Và đã có 16 phương án thiết kế đến từ thầu tư vấn thuộc các công ty hàng đầu thế giới. UBND thành phố đã chọn phương án thiết kế vỏ sò của nhà tư vấn HYDER CONSULTING để tiếp tục nghiên cứu và triển khai. Thiết kế cầu đi bộ qua sông Hàn có chiều rộng là 10m5, chiều cao thông thuyền, tĩnh không thông thuyền B≥50m, chiều cao thông thuyền H≥7m và chiều cao mặt cầu so với cao độ nền bờ dọc sông Hàn là 12m.

Cầu đi bộ để đột phá du lịch?

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An phản biện, không thể đoán chắc là có cầu đi bộ khách du lịch sẽ tăng bao nhiêu, doanh thu sẽ tăng bao nhiêu nhưng chắc chắn là sẽ tăng và nếu giỏi quảng bá thì sẽ tăng cao. Tất nhiên là phải đồng bộ với chất lượng của các dịch vụ, sự độc đáo sáng tạo của các sản phẩm. Và một câu hỏi được đặt ra là để ngành du lịch Đà Nẵng có sự đột phá việc cần làm ngay là gì, cầu đi bộ có phải là sản phẩm ưu tiên, có thể tạo ra đột phá không?

Câu hỏi không dễ gì tìm được một lời đáp xác quyết. Vậy có lẽ đành chấp nhận kết luận: Xây dựng cầu đi bộ nhất định sẽ có tác động tốt đối với ngành du lịch Đà Nẵng, sẽ tăng hấp dẫn cho du lịch Đà Nẵng. Nhưng nếu nhìn từ một góc độ khác thì chúng ta thấy cũng có thể đồng tình với ý kiến chưa triển khai xây dựng cầu đi bộ. Trên sông Hàn đã có nhiều cầu được xây dựng trong khoảng 15 năm nay, có những cây cầu có vẻ đẹp độc đáo, hấp dẫn du khách.

Theo quy hoạch, cầu Nguyễn Văn Trỗi sẽ được tu bổ để chuyển thành cầu đi bộ. Vậy là chúng ta chẳng những có nhiều cầu, có những cây cầu đẹp và cũng có cầu dành cho người đi bộ. Việc xây dựng cầu đi bộ ở phía dưới cầu Sông Hàn, phía trên cầu Thuận Phước như phương án cầu vỏ sò, không tạo một sự đột phá cho sự phát triển du lịch.

Ông Nguyễn Đình An phát biểu ý kiến tại hội nghị.
Ông Nguyễn Đình An phát biểu ý kiến tại hội nghị.

Đặt vấn đề nếu xây dựng cầu đi bộ qua sông Hàn, ông Bùi Văn Tiếng, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử thành phố, lưu ý vấn đề cứu hộ khi xảy ra sự cố đông người chen lấn, giẫm đạp lên nhau chạy thoát thân gây chết người như một số trường hợp trên thế giới đã xảy ra. Thiết kế cầu phải có khả năng chịu được sức gió giật trên cấp 13.

Tại hội nghị, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố cho biết sau hội nghị này, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố vẫn tiếp tục nhận các ý kiến phản biện bằng văn bản của các tổ chức, cá nhân. Tất cả những ý kiến phản biện được chuyển đến Thành ủy, UBND thành phố, các sở, ngành có liên quan để xem xét, tiếp thu, bổ sung hoàn thiện dự án. Đồng thời đề nghị cơ quan có thẩm quyền trả lời về việc tiếp thu ý kiến phản biện theo đúng quy định.

Sở Giao thông vận tải:

Để lâu giá trị xây dựng cầu sẽ cao hơn 30 triệu USD

Đại diện Sở Giao thông vận tải cho biết, thành phố lấy những lô đất không bán được để đầu tư làm cầu đi bộ qua sông Hàn. Nếu để lâu, giá trị đầu tư xây dựng cầu sẽ tăng lên, ví dụ giá trị xây dựng cầu vào năm 2016 sẽ lớn hơn 30 triệu USD. Rất mong các ý kiến phản biện ủng hộ thành phố sớm triển khai xây dựng cầu đi bộ qua sông Hàn.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Đình An:

Muộn còn hơn không

Theo ông Nguyễn Đình An, lẽ ra công tác phản biện phải bắt đầu từ khi có chủ trương đến khi chọn ra phương án thiết kế cuối cùng. Ông nói: “Cuộc phản biện hôm nay như là một sự bổ sung hay sửa sai. Lẽ ra khi có các phương án (16 phương án-PV) thì cần có một sự giới thiệu cụ thể, có thể tổ chức triển lãm và mở các cuộc hội thảo để nghe các tác giả, các chuyên gia và những người quan tâm trao đổi nhận xét để lãnh đạo tham khảo, từ đó lựa chọn phương án tối ưu, tất nhiên có sửa đổi, bổ sung từ những ý kiến đóng góp. Nhưng dẫu sao có muộn thì cũng hơn không”.

Kiến trúc sư Trần Dân:

Cần thiết kế các bước để phản biện sâu hơn

Khi làm cầu đi bộ sao không nghiên cứu cho xe buýt nhanh khối lượng lớn qua đây sẽ phục vụ được nhiều hơn cho người dân hai bờ sông Hàn đi lại hằng ngày thì hiệu quả cây cầu sẽ cao hơn, vốn đầu tư sẽ thu hồi nhanh hơn nhiều. Nếu cầu Thuận Phước không phục vụ được cho xe buýt nhanh khối lượng lớn thì cầu vỏ sò phải làm theo yêu cầu này mới được lâu dài cho Đà Nẵng. Ngay từ bây giờ cần tạo các dịch vụ ở hai bờ sông Hàn trong phạm vi hai đầu cầu vỏ sò để tạo sức hấp dẫn cho cầu sau khi xây dựng xong. Cầu đi bộ qua sông Hàn cần nhưng không cấp bách, do đó Sun Group cần thiết kế kỹ các bước để phản biện sâu hơn nếu cần thì cho thi phương án kiến trúc một cách rộng rãi, sau đó mới đi vào thiết kế các bước tiếp theo.

(S.T ghi)

Bài và ảnh: HOÀNG ANH
 

;
.
.
.
.
.