.

Đồng Văn, nơi đá nở hoa

.

Chúng tôi đi từ Cổng trời Quản Bạ, sang Yên Minh, lên Đồng Văn, về Mèo Vạc, đủ khắp các địa danh trên Cao nguyên đá Đồng Văn, đâu đâu cũng thấy đá tai mèo đen xám. Từ trong hốc đá già nua sắc nhọn, những cây ngô vẫn vươn mình, trở thành nguồn lương thực chính, nuôi sống con người và mang lại màu xanh hiếm hoi cho vùng đất này.

Đá xếp thành tường lũy, bao bọc mỗi nếp nhà. 	Ảnh: M.TRÍ
Đá xếp thành tường lũy, bao bọc mỗi nếp nhà. Ảnh: M.TRÍ

Mầm xanh trên cao nguyên đá

Muốn đến được Cột cờ Lũng Cú, đoàn buộc phải qua Cao nguyên đá Đồng Văn. Trước khi lên đường, một đồng nghiệp công tác tại Báo Hà Giang nhắn nhủ với chúng tôi rằng: Ở Đồng Văn, cuộc mưu sinh của con người không giống ai. Nơi nào có đất, nơi ấy có ngô. Giữa trùng điệp dãy đá tai mèo nhọn hoắt, đồng bào cõng từng gùi đất nhỏ mang từ dưới chân núi, bỏ vào các hốc đá để gieo hạt. Chút đất ấy, qua mùa mưa, lại trở về chân núi. Vòng xoay ấy thật đẹp nhưng cũng thật khắc nghiệt, đang diễn ra như một quy luật tự nhiên nơi địa đầu Tổ quốc. Đâu đâu cũng thấy thấp thoáng cái đói, cái nghèo hiện hữu trong mỗi nếp nhà.

Với chúng tôi, đoàn công tác đến từ Báo Đà Nẵng, vùng đất địa đầu Tổ quốc để lại nhiều cảm xúc, nhiều tâm trạng không thể đặt tên. Từ thành phố Hà Giang lên Cao nguyên đá Đồng Văn dài tầm 150 cây số, nhưng xe phải đi gần một ngày đường mới tới được Cột cờ Lũng Cú, sau khi vượt qua địa hình bị chia cắt dữ dội. Bên là núi cao. Bên là vực sâu. Không bóng cây cổ thụ. Không cả bóng râm. Từng lớp đá tai mèo lởm chởm, nhọn hoắt ùn ùn mọc lên, tạo nên những bức bình phong không liền mạch. Lớp nọ chồng lớp kia, mang dáng dấp hòn non bộ cứ trải ra suốt chặng đường dài.

Cuộc sống luôn có điều kỳ diệu. Thiên nhiên chưa bao giờ lấy đi tất cả mầm sống, mầm hy vọng của con người. Trên bạt ngàn núi đá có chung màu xám xịt và khắc khổ ấy, vẫn mởn xanh từng cây ngô, cây cỏ sả nuôi bò. Nhìn xa xa, cứ ngỡ ngô mọc lên từ đá. Ngô được trồng thành từng cụm, mỗi gốc có 3 cây mọc chen nhau nhưng vẫn xanh tốt mỡ màng, che bớt đi màu đen xám xịt đặc trưng của đá tai mèo. Không hiểu do trời thương người vùng cao khốn khó hay hợp thổ nhưỡng mà từng cây ngô vẫn vươn mình đón nắng gió, mơn mởn xanh khiến người dưới xuôi lần đầu đặt chân lên Cao nguyên đá Đồng Văn phải tròn mắt vì ngạc nhiên pha lẫn niềm thích thú.

Những cây ngô xanh mơn mởn vẫn vươn mình từ môi trường khắc nghiệt.   	      Ảnh: M.TRÍ
Những cây ngô xanh mơn mởn vẫn vươn mình từ môi trường khắc nghiệt. Ảnh: M.TRÍ

Ông Sùng Mí Bình, dân tộc Mông, ở thị trấn Mèo Vạc chia sẻ, mỗi mùa ngô, gia đình ông trồng gần 20kg ngô giống. Công việc gieo trồng thường chỉ diễn ra trong 2, 3 ngày. Nhanh như vậy, là nhờ thói quen giúp nhau canh tác của đồng bào dân tộc. Vào mỗi vụ mùa, nhà này làm giúp nhà kia xuống hạt, cười nói rôm rả cả một vùng. Trồng hết rẫy nhà này, họ lại kéo sang rẫy nhà khác. Nhờ thế, cuộc mưu sinh trên đá của các dân tộc Mông, Dao, Lô Lô, Pu Péo cũng bớt đi sự cơ cực và cô đơn. Được biết, diện tích tự nhiên toàn huyện Đồng Văn khoảng 44.600ha nhưng diện tích canh tác được chỉ khoảng 815ha lúa nương và 6.300ha ngô một vụ. Để đủ ăn trong năm, đồng bào sống tại đây phải biến đá thành đất và trồng ngô. Cây nảy mầm, bén rễ vào mặt đá hút các vi chất để tồn tại. Cuối vụ, người ta sẽ bẻ từng bắp ngô cho vào bao và đẩy xuống chân núi.

Nhà báo Mai Ngọc Quỳnh, Trưởng phòng phóng viên Báo Hà Giang cho biết, mỗi năm, đồng bào các dân tộc Mông, Lô Lô, Dao, Pu Péo sinh sống tại Cao nguyên đá Đồng Văn canh tác được 2 mùa ngô. Giống ngô đang được khuyến khích trồng tại đây là 2 giống ngô lai C919 và DK414, do Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Minh (Hà Giang) cung cấp. Hai giống này cho năng suất cao trên 80 tạ/ha/vụ. Trong khi trước đây, các giống ngô truyền thống chỉ cho năng suất trung bình trên dưới 30 tạ/ha. Cũng theo anh Quỳnh, đây là giống ngô lai đầu tiên cho năng suất cao nhất từ trước đến nay ở vùng trồng ngô thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn, bao gồm 4 huyện Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc.

Sự gắn bó ngàn đời

Ở 4 huyện vùng cao thuộc Cao nguyên đá Đồng Văn, ngô dùng nấu rượu, ngô làm mèn mén, ngô làm lễ vật cướp vợ, cúng Giàng. Đặc biệt, ngô là nguồn lương thực chính và duy nhất. Có người nói, đến Đồng Văn mà không uống rượu ngô, không ăn mèn mén thì coi như chưa đến Đồng Văn. Vào các bản làng, hầu như gia đình nào cũng biết nấu rượu ngô và trong nhà, bao giờ cũng có vài lít “giải mỏi”, thưởng thức và đãi khách quý khi cần.

Người dân vẫn miệt mài mưu sinh trên đá. 	                 Ảnh: M.TRÍ
Người dân vẫn miệt mài mưu sinh trên đá. Ảnh: M.TRÍ

Trên đường từ thị trấn Mèo Vạc xuôi về thành phố Hà Giang, xe chúng tôi dừng lại bên đường, nơi có gia đình anh Hờ Mí No, dân tộc Mông sinh sống. Bên trong ngôi nhà nhỏ có bờ rào gồm hàng nghìn viên đá tai mèo chồng xếp lên nhau, không có vật dụng gì đáng giá ngoài căn bếp đang đỏ lửa. Hờ Mí No đang chuẩn bị bữa ăn sáng. Thấy khách bước vào nhà, anh cười và nói với chúng tôi: “Bữa nay nhà mình có nồi thịt kho và canh cải muối. Loại này ăn với mèn mén là ngon lắm. Cái nồi đó (anh chỉ vào nồi mèn mén đang bốc khói bên cạnh), nhà mình dùng để ăn cả ngày vì không có thời gian nấu ăn nhiều đâu, phải đi rẫy thôi”.

Ngồi bên bếp lửa cùng Hờ Mí No, anh cho biết, mèn mén chỉ ngon khi được nấu bằng loại ngô mẩy hạt, loại bỏ những hạt sâu, mốc rồi nghiền thành bột mịn. Sau đó sẽ đổ một ít nước vào trộn đều, vò sao cho thấm để bột không quá nhão, cũng không quá khô. Nếu ít nước thì bột ngô sẽ không đủ chín, ngược lại, nhiều nước nhão sẽ không ngon, ăn mau ngán. Bột sau khi vò tơi được cho vào chõ (nồi) để đồ. Khi nồi bốc hơi nghi ngút, bột ngô được đổ ra mẹt rồi chờ đến khi âm ấm, người nấu dùng tay vò tơi bột, tiếp tục đổ một lượng nước tương tự vào rồi trộn đều, vò đều để bột thấm nước, tránh đóng thành cục, đổ vào chõ nóng để đồ lần hai. Do qua nhiều công đoạn, nên người nấu phải có kinh nghiệm, biết cách trộn bột, đun lửa thì mèn mén mới ngon và giữ được hương vị của ngô. Trong khi Hờ Mí No say sưa giới thiệu món mèn mén, chúng tôi vón tay lấy một ít bỏ vào miệng, cảm nhận được vị béo, bùi và tan trong miệng rất nhanh. “Với món ăn này, đồng bào mình đã tồn tại, đã sống và gắn bó cuộc đời nơi cao nguyên đá”, lời nói chân thành và giản dị trước khi chia tay của Hờ Mí No khiến nhiều thành viên trong đoàn thật sự xúc động và vững tin vào sức sống mãnh liệt của con người nơi đây.

Một đêm ngủ lại tại thị trấn Mèo Vạc đã cho chúng tôi nhiều trải nghiệm thú vị về cuộc sống, con người vùng cao. Lan tỏa trong mùi thơm, mát lạnh của núi đá, là hình ảnh đá xếp thành tường lũy, bao bọc mỗi nếp nhà; đá tạo thành vòng tròn giữ đất, giữ nước; đá chồng lên nhau thành chuồng trâu, chuồng bò; đá xếp bao bờ trên sườn núi tạo thành ruộng bậc thang. Tất cả không cần vôi vữa mà vẫn chắc chắn, như sự gắn bó ngàn đời qua giữa đá và người.

TIỂU YẾN

;
.
.
.
.
.