.

Vận nó thành nghiệp

.

Cũng như bao người làm báo khác, mỗi khi có ai đó hỏi “Tại sao chọn nghề báo?”, tôi không chút đắn đo suy nghĩ mà trả lời: “Chắc là tại cái nghiệp”.

Đúng cách đây gần 11 năm, đang lơ ngơ tìm việc làm sau khi ra trường, có người bạn giới thiệu: “Mi đem hồ sơ tới tờ báo K. (một tờ báo đối ngoại của Bộ Thương mại) thử xem sao? Hôm trước đi tàu, gặp một người làm Trưởng văn phòng đại diện ở đó nói cần một biên tập viên để biên dịch các bài báo tiếng Anh”. Thực lòng, trước đó chưa bao giờ tôi nghĩ mình sẽ làm báo vì khi chọn ngành học ở trường đại học là biên phiên dịch tiếng Anh.

Nhiều phóng viên xem nghề báo như là cái nghiệp. Trong ảnh: Phóng viên Đài DRT phỏng vấn tân binh trước lúc lên đường nhập ngũ. 		Ảnh: GIA HUY
Nhiều phóng viên xem nghề báo như là cái nghiệp. Trong ảnh: Phóng viên Đài DRT phỏng vấn tân binh trước lúc lên đường nhập ngũ. Ảnh: GIA HUY

Ngày đầu tiên chạm ngõ với nghề là một cuốn băng cassette được thu âm bài phỏng vấn của một phóng viên ở báo K. với một nhà đầu tư nước ngoài đang chuẩn bị đầu tư vào Khu du lịch Đầm Thị Nại ở Bình Định. Có lẽ, mới ra trường mà vớ phải công việc biên dịch thì quả là ước mơ của nhiều sinh viên ngoại ngữ. Mở cuốn băng cassette với một mớ hỗn tạp nào là tiếng nói của người nước ngoài xen lẫn tiếng ồn ào của xe cộ, tiếng gió gào… và cả tiếng rít của băng cũ do thâu qua nhiều lần, tôi cố gắng nghe, dịch và biên tập lại thành một bài phỏng vấn hoàn chỉnh. Cuối cùng thì bài báo đó cũng được đăng trên cả hai số báo tiếng Anh và tiếng Việt nhưng lấy tên của phóng viên phỏng vấn và điều tôi nhận được chỉ là lời khen từ Trưởng văn phòng đại diện: “Em làm tốt lắm!”.

Do là văn phòng đại diện tại miền Trung nên mọi bài vở đều có Ban tiếng Anh ở trụ sở chính tại Hà Nội đảm nhiệm, còn văn phòng chỉ thực hiện biên dịch những bài phỏng vấn khi làm các chuyên đề về các tỉnh miền Trung và hỗ trợ phóng viên tác nghiệp ở môi trường có sử dụng tiếng Anh. Vì vậy, Trưởng văn phòng đại diện hướng tôi trở thành một phóng viên viết bởi lúc đó văn phòng đang thiếu phóng viên viết bài. Đề tài đầu tiên mà tôi được giao liên quan đến việc phản ánh tình hình thu hút đầu tư tại Đà Nẵng. Còn nhớ, phương tiện tác nghiệp lúc đó của tôi là tờ giấy giới thiệu của báo, chiếc xe đạp cà tàng và một máy ghi âm băng cassette, không có điện thoại di động, máy ảnh. Đến bây giờ tôi vẫn không quên cái cảm giác hồi hộp khi gọi điện thoại liên lạc và đến phỏng vấn Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư Đà Nẵng.

May mắn, lần tác nghiệp đầu tiên tôi được gặp anh L.Q.M. Biết tôi còn trẻ, anh M. đã tận tình giúp đỡ và cung cấp thông tin rồi không quên dặn đi dặn lại là “khi nào viết xong cho anh xem trước em nhé”. Khi bài báo được đăng, tôi rất vui sướng và đọc đi đọc lại không biết bao nhiêu lần. Tôi còn nhớ khi đem báo đến tặng anh M., anh đã tặng tôi cuốn sổ tay, đó là kỷ vật đầu tiên mà tôi nhận được từ tấm lòng của bạn đọc và không khỏi xúc động về thành quả của mình. Rồi tiếp theo sau đó, vào năm 2003, nhân dịp Đà Nẵng tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư tại Furama, tôi đã được Trưởng văn phòng đại diện giao phụ trách nội dung và viết bài chính cho chuyên đề “Đà Nẵng trải thảm đỏ đón nhà đầu tư” để phục vụ cho hội nghị nói trên theo công văn của Bộ Thương mại. Công việc của tôi được giao là viết các bài báo về tiềm năng đầu tư tại Đà Nẵng và phỏng vấn các nhà đầu tư trong và ngoài nước, bên cạnh đó viết bài cho các phóng viên làm quảng cáo hình ảnh doanh nghiệp sau khi họ đi tác nghiệp về. Rồi cùng với các phóng viên làm quảng cáo giúp họ phác thảo ý tưởng trình bày ma-két quảng cáo. Có lẽ sau thành công của số báo đó, tôi mới bắt đầu thực sự thấy mình dấn thân vào nghề.

Tuy nhiên, khó khăn không dừng lại ở đó mà tôi phải vượt qua muôn vàn thử thách. Ngoài việc vừa làm vừa tự trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ, tôi phải vượt qua những thử thách mà tòa soạn đặt ra. Lúc đó, tôi đang theo học thêm bằng 2 cử nhân kinh tế nên có ngày, tôi phải chạy xe máy từ Đà Nẵng vào Tam Kỳ, Quảng Nam để lấy tư liệu rồi sau đó phải về trong ngày để kịp tham gia lớp học vào buổi tối. Là phóng viên thử việc lại làm việc ở văn phòng đại diện nên nhuận bút phải chờ tòa soạn ở ngoài Hà Nội quyết toán vào cuối tháng. Vì vậy, tiền thuê nhà, xăng xe, điện thoại… và mọi chi phí sinh hoạt khác chủ yếu dựa vào nguồn thu nhập từ công việc gia sư. Với tấm bằng cử nhân ngoại ngữ và cử nhân kinh tế, lúc đó tôi có thể tìm cho mình một công việc có thu nhập cao hơn nhưng cũng không hiểu sao tôi vẫn không dứt ra được nghề báo.

Sau 2 năm làm báo, do báo K. gặp khó khăn về tài chính, năm 2004 tôi quyết định bỏ nghề để làm biên tập viên cho một trung tâm công nghệ phần mềm của thành phố. Nhưng công việc đó cũng chỉ gắn bó được một năm vì cảm thấy không được tự do, vào năm 2005 tôi lại quay trở lại với nghề báo khi trúng tuyển vào Báo Đà Nẵng. Hơn 11 năm gắn bó với nghề, dù trong thời buổi kinh tế thị trường vẫn còn có nhiều nghề đầy cám dỗ và có nhiều cơ hội để rẽ sang hướng khác nhưng đến nay tôi vẫn theo nghề như một định mệnh. Có những lúc mệt mỏi, chán chường với những con chữ khi không tìm ra những đề tài hay để viết hoặc những áp lực về công việc, thậm chí là căng thẳng vì những sự cố ngoài ý muốn, tôi vẫn chưa bao giờ có ý định từ bỏ nghề dù biết rằng nghề đã chọn tôi chứ tôi không chọn nghề.

Và kết thúc bài viết này, tôi xin được nhắc lại lời khuyên của một đồng nghiệp với tôi mỗi khi thấy chông chênh rằng: “Đừng than ngắn thở dài nữa. Ai biểu vận nó thành nghiệp chi”. Đó không chỉ là lời động viên dành cho tôi, mà âu cũng là lời tự an ủi của khá nhiều người làm báo mỗi khi họ nghĩ về nghề.

GIA HUY
 

;
.
.
.
.
.