.

Trở lại bến Vực

.

Như bao vùng nông thôn khác, nhưng bến Vực, thôn Cẩm Bình, phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ lại mang nét riêng của một bến sông. Nơi đây là hợp lưu của dòng sông Yên và sông Túy Loan trước khi đổ về cầu Đỏ, có bãi cát vàng óng nhưng nay không còn nữa, chỉ còn lại một bãi bùn ngầu đỏ, vực nước sâu hoắm. Người ta tận thu cát của bãi sông này chở về cho những công trình xây dựng khắp nơi.

Nghề đánh bắt tôm cá trên sông Yên thu nhập bấp bênh do nguồn thủy sản cạn kiệt. 						   Ảnh: T.V.T
Nghề đánh bắt tôm cá trên sông Yên thu nhập bấp bênh do nguồn thủy sản cạn kiệt. Ảnh: T.V.T

Nơi đây hợp lại của ba vùng đất của 3 xã, phường gồm Cẩm Nê, xã Hòa Tiến; Bồ Bản xã Hòa Phong (huyện Hòa Vang) và Cẩm Bình phường Hòa Thọ Tây (quận Cẩm Lệ). Nhiều đôi trai gái của ba vùng quê kết duyên vợ chồng cũng bắt đầu gặp nhau tại nơi bến sông này.

Bến Vực thuộc sông Yên là nơi hằng năm đón nguồn nước từ sông Vu Gia đổ về. Kề bến Vực là bến Lớn, nơi nhận nước từ sông Túy Loan chứa trong mình bãi cát vàng ươm. Anh Trần Lai nay đã qua tuổi năm mươi, quê người Bồ Bản cưới được vợ ở làng Cẩm Bình cũng nhờ vào bãi cát này. “Bến sông là nơi hẹn hò trai gái và chỉ đợi con nước ròng là lội bộ vượt sông mà tìm đến nhau”, anh Lai nói. Những đêm trăng sáng khi nước ròng, bãi sông làng là nơi vui chơi lý tưởng của trẻ con, rượt bắt, trốn tìm, nhảy dây… Bến sông cũng là nơi hò hẹn của những chàng trai cô gái với mối tình đầu.

Trở lại bến Vực là trở lại nơi dòng sông quê tôi. Nơi bến vực, ngày bốn bận người dân trong vùng vượt sông để trồng trọt, cấy cày. Khi con nước lớn thì chèo ghe, lúc nước ròng thì bì bõm lội sông. Những ký ức tuổi thơ như ùa về, lâng lâng. Thuở ấy, bọn trẻ nhà nông chúng tôi dẫu áo sờn đến trường, dầm mình trong cái rét mùa đông nhưng hiếm khi đói lòng. Tôi thích nhất mùa hè mà địa điểm tụ tập là nơi bến Vực bày trò đá banh, thả diều. Chơi chán rồi lũ trẻ nhào xuống sông tắm, nước sông mát rượi, đứa nào cũng lội như rái cá chẳng lo gì hụt chân. Làng quê đem đến cho bọn trẻ chúng tôi một cuộc sống thật hồn nhiên. Đói bụng thì hái dưa ăn, khát thì bẻ mía, khi buồn ngủ ngã lưng trên bãi cỏ…

Bến Lớn gần ngã ba sông Yên quê tôi ngày xưa đầy cát vàng, dài và rộng, chớn nước lấp xấp không một vết bùn. Trên bãi cát vàng óng ấy vô số hến trú ngụ nên cứ chiều xuống bọn trẻ cầm rổ tre hì hục đãi cát bắt hến để chập choạng tối nấu canh.

Bến Lớn còn là điểm tập trung của đám đàn bà con gái giặt giũ, gánh nước. Những người đàn bà lam lũ sau một ngày lao động bưng thau quần áo ra bến sông vừa giặt đồ vừa trò chuyện râm ran. Những năm đi xa, học đại học nhưng mỗi lần về quê tôi đều ra bãi sông làng như để tìm lại kỷ niệm đời mình đã ẩn vào lớp cát ướt nơi bãi sông. Ngồi ở bến sông có thời tôi đã từng mơ làm thủy thủ bởi đơn giản lúc đó tôi đắm chìm cảm xúc riêng mình trong cuốn truyện “Hai vạn dặm dưới biển” theo thuyền trưởng Nemo và con tàu ngầm thần bí Nautilus.

Nhưng thật tiếc nay cái bãi cát rộng dài bừng lên sắc vàng óng khói sương ấy không còn nữa, giờ đã biến thành một bãi bùn đen xỉn. Người ta tận thu cát của bãi sông và chở về cho những công trình xây dựng chẳng biết nơi đâu. Bến sông làng không còn cát, chỉ toàn bùn ngập chân nên chẳng ai thèm ra đó làm gì. Lớp trẻ bây chừ dù sống nơi bến sông nhưng ít đứa biết bơi bởi chẳng bao giờ đám đặt chân xuống nước huống chi tận hưởng cái thú tắm sông ngày nào. “Một lớp người trẻ đã đánh mất tuổi thơ nơi ruộng đồng khi mà mỗi lúc rảnh rang, chúng chong đầu vào những tiệm nét”.

Tất cả đã lùi vào quá khứ, thành kỷ niệm ngậm ngùi của một thời đã qua. Bãi sông làng đẹp đẽ quê tôi nay chỉ còn trong tâm tưởng. Dòng sông quê nước dập dềnh nhưng trong lòng sông quặn những nỗi đau. Mùa hè nước sông mặn chát, những năm gần đây sứa biển tràn về. Mùa mưa, dòng sông ngầu đục, đầy rác và gỗ mục. Nhiều năm qua, vùng đất Cẩm Bình mất đi hẳn những trận lụt để đắp bồi những lớp phù sa. Câu chuyện về hai ông thông gia được anh Trần Lai kể: Ở làng Cẩm Bình có ông thông gia trên xã Hòa Phú xuống thăm anh. Thấy sui gia tất tả gặt lúa chạy lụt, ông này nói: “Nè anh sui, có cần tôi cho mượn sân phơi lúa không rứa?”. Vậy mà mấy năm nay lũ lụt lại tràn vô nhà ông sui ở tận vùng núi xã Hòa Phú, anh sui dưới đồng bằng nhớ chuyện xưa nhắn lại “Anh sui ơi, xuống tôi cho mượn sân phơi sắn hỉ”…

Trở lại bến Vực, tôi tìm gặp người bạn học trường làng ngày xưa. Hỏi thằng Két bây chừ làm chi ai cũng phì cười. “Hắn không còn tên Két, Đặng Két nữa mà là Đặng Duy Khánh”, anh Trần Lai nói thêm nhà hắn vẫn ở xóm Ghe. Tìm gặp người bạn xưa hỏi chuyện đổi tên, bạn cười kể: “Một dạo lội sông qua bên Cẩm Nê, Hòa Tiến rồi tụ tập đàn hát. Mấy cô con gái Cẩm Nê - Hòa Tiến nghe hát mùi quá gọi luôn tên Duy Khánh”. Đặng Két chỉ là cái tên nằm trên giấy khai sinh nhưng Đặng Duy Khánh, cái tên ngày nay không được pháp luật thừa nhận. Anh Ngô Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Thọ Tây xác nhận: “Kỳ cục thiệt, thằng Két sống ở đây mà chẳng có hộ khẩu, không chứng minh thư. Có việc liên hệ với chính quyền địa phương thì vợ làm đại diện”. Thằng Két phân trần: “Ai phạt hay bắt bớ chi tôi”. Mà thiệt rứa, gần 50 năm qua bạn tôi không một lần đi ra khỏi làng mà gắn đời mình với dòng sông quê làm nghề đánh cá trên sông. Ngày xa xưa thì thả lưới bắt cá nay thả hom bắt tôm càng xanh. Có đêm bắt được nhiều tôm kiếm được vài trăm nghìn nhưng cũng không ít đêm về lại tay không. Nghề đánh bắt cá mưu sinh trên sông giờ phó mặc vào may rủi. Cái sự may mắn mà không hi hữu chút nào khi không ít lần người đi làm đồng bỗng dưng bắt được cá vược nặng chục ký lô bị vướng đầu vào bao rác thải trôi trên sông.

Dọc dài nơi bờ bắc sông Yên, sông Túy Loan dự án tuyến đường ven sông Tuyên Sơn-Túy Loan tắt tị ngay dưới chân cầu Đỏ. Những ngôi làng ven sông lên tận Túy Loan rơi vào cảnh quy hoạch treo, nhiều diện tích đất ruộng, bãi bồi người dân đã nhận tiền đền bù nhưng tiếc đất bỏ hoang họ tranh thủ canh tác. Rơi vào cảnh quy hoạch treo nên nhiều hộ dân không được cấp nước sạch sinh hoạt. Những vạt đồi ven làng cũng bị vắt sạch để khai thác đất san lấp mặt bằng các dự án trong thành phố.

Bến Vực những năm trước được thành phố Đà Nẵng quy hoạch với dự án đầu tư xây dựng nhà máy cấp nước. Thật may, dự án dừng lại và đổi địa điểm lấy nước trên đập An Trạch nếu không nhà máy tại đây sẽ đóng cửa. Những đổi thay con nước nơi bến sông quê đang dần thay đổi cuộc sống con người nơi đây. Dòng sông quạnh quẽ, vơi điệu hò khoan và kéo dần xa ký ức của những đứa trẻ đang sống ven bờ.

TRIỆU VĂN TÙNG

;
.
.
.
.
.