.

Cơ hội phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao

Nâng cao chất lượng dân số để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những nội dung đặc biệt quan trọng trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội trong giai đoạn tới.

Theo phân tích và nhận định của các nhà nhân khẩu học kinh tế trong và ngoài nước, cơ cấu dân số Việt Nam đã bước vào giai đoạn “Cơ cấu dân số vàng”, đây là giai đoạn khi tỷ trọng trẻ em dưới 15 tuổi ít hơn 30% và tỷ trọng người già từ 65 tuổi trở lên ít hơn 15% trong tổng dân số. 

Đây cũng là giai đoạn liên quan mật thiết đến chương trình nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Cơ hội đã mở ra, vấn đề đặc biệt quan trọng là việc tận dụng hiệu quả được cơ hội này cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội hay để cơ hội trôi qua và không tận dụng được.  Kinh nghiệm của các quốc gia thành công trong việc tận dụng tốt cơ hội này là sớm có chiến lược phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.

Nhìn ra thế giới

Theo đánh giá của những nhà nhân khẩu học trong và ngoài nước, cửa sổ cơ hội nhân khẩu học nước ta đã mở ra trong giai đoạn từ năm 2005-2007 và sẽ chấm dứt vào những năm 2035 (khoảng 30 năm).

Bài học kinh nghiệm cho thấy, trong số những nước ở châu Á, chỉ có Nhật Bản đã trải qua giai đoạn cơ cấu dân số vàng và được coi như một bài học kinh nghiệm thành công trong việc tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Hai nước được gọi là những con rồng châu Á là Hàn Quốc và Singapore cũng được đánh giá là đã tận dụng tốt cơ hội cơ cấu dân số vàng cho việc phát triển kinh tế-xã hội và cũng còn khoảng 10 năm nữa  cơ hội này sẽ chấm dứt.

Theo kết quả phân tích này, giai đoạn cơ cấu dân số vàng của một số nước khu vực châu Á như sau: Nhật Bản từ 1965 đến 2005, kéo dài 40 năm; Singapore từ 1980 đến 2020, sẽ kéo dài 40 năm; Hàn Quốc từ 1990 đến 2025, sẽ kéo dài 35 năm; Trung Quốc từ 1990 đến 2030, sẽ kéo dài 40 năm...

Để có nguồn nhân lực chất lượng cao, có nhiều chỉ số để đánh giá vấn đề này, chúng ta điểm qua chỉ số tổng hợp chung nhất là Chỉ số phát triển con người (HDI). Đây cũng là chỉ tiêu mà Việt Nam đạt mức cao và hoàn thành mục tiêu trong Chiến lược dân số Việt Nam, giai đoạn 2001-2010. Theo số liệu công bố trong báo cáo phát triển con người của các nước ASEAN, in trong niên giám thống kê tóm tắt năm 2009 của Tổng cục Thống kê mới công bố, chỉ số HDI của các nước ASEAN như sau: Brunei 0,919, Campuchia 0,575, Indonesia 0,726, Lào 0,608, Malaysia 0,823, Myanmar 0,585, Philippines 0,745, Thái Lan 0,786, Singapore 0,918, Việt Nam 0,718. Như vậy, mặc dù đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực này nhưng ngay trong khối ASEAN, chỉ số HDI của chúng ta cũng chỉ cao hơn 3 nước là Lào, Campuchia và Myanmar. Cũng theo số liệu của đợt tổng điều tra dân số năm 2009, tỷ lệ lao động được đào tạo có trình độ từ sơ cấp trở lên cũng chỉ đạt 14,9%. Sơ bộ những điều này cho thấy, mặc dù đã đạt những thành tích nhất định nhưng để nâng cao chất lượng dân số, phát triển được nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng hiệu quả dự lợi nhân khẩu học, thì còn là một thách thức rất lớn đối với chương trình phát triển kinh tế-xã hội của nước ta trong giai đoạn tới.  

Đối mặt thách thức

Chất lượng dân số cũng liên quan chặt chẽ với chất lượng cuộc sống. Trong tổng dân số của cả nước, có 25.374.262 người (chiếm 29,6% so với 23,5% vào năm 1999) cư trú ở khu vực thành thị và 60.415.311 người cư trú tại khu vực nông thôn. Trong thời kỳ 1999-2009, dân số thành thị tăng với tỷ lệ tăng bình quân 3,4%/năm, trong khi ở khu vực nông thôn tỷ lệ tăng dân số chỉ có 0,4%/năm. Giữa hai cuộc Tổng điều tra 1999 và 2009, dân số cả nước đã tăng 9,47 triệu người.

Trong đó 7,3 triệu người (chiếm 77%) tăng lên ở khu vực thành thị và khoảng 2,17 triệu người (chiếm 23%) tăng lên ở khu vực nông thôn. Đô thị hóa ở Việt Nam cũng có sự khác biệt lớn giữa các vùng. Tỷ trọng dân số thành thị, nông thôn là một trong những chỉ tiêu quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước (để trở thành một nước công nghiệp, tỷ trọng dân số thành thị phải đạt trên 45%).

Trong gần hai thập kỷ qua, nước ta đã thực hiện thành công chương trình DS-KHHGĐ, mặc dù vậy trong thời gian qua chúng ta mới tập trung vào mục tiêu giảm sinh để giải quyết vấn đề quy mô dân số. Mục tiêu giảm sinh đã đạt được, nhưng để giải quyết vấn đề quy mô dân số cũng cần phải có một thời gian dài để khắc phục đà tăng dân số của nhiều năm trước đây. Một điều đặc biệt quan trọng trong giai đoạn tới  là phải nâng cao chất lượng dân số, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, trước mắt là giai đoạn 2011-2020. Đây là giai đoạn quan trọng của công cuộc công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước.

MINH TUẤN (Nguồn: Tổng cục Dân số-KHHGĐ)

;
.
.
.
.
.