.

Mô hình 3+1

.

Đó là 1 Chi hội Cựu chiến binh, 1 cảnh sát khu vực và 1 tổ dân phố đảm trách 1 thanh-thiếu niên chậm tiến. Mô hình mới với sự phối hợp nhịp nhàng của 3 bên mà Hội Cựu chiến binh (CCB) là “chủ công” đã giúp hàng chục thanh-thiếu niên hư ở phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu biết vươn lên trong cuộc sống.

Ba cây chụm lại nên hòn núi cao...

Mô tả ảnh.
Nguyễn Văn Thật (trái) đang phụ giúp mẹ dọn phế liệu để ngày mai đem bán.

Hai anh em Nguyễn Văn Thành (18 tuổi) và Nguyễn Văn Thật (16 tuổi) ở tổ 32, phường Hòa Cường Nam, quận Hải Châu thường hay trộm cắp vặt. Hàng xóm hễ sơ hở một chút là tiền bạc, điện thoại, đồng hồ… không cánh mà bay… vào túi của hai anh em Thành. Cha chết trong một lần uống rượu say, mẹ suốt ngày rong ruổi ngoài đường bán phế liệu để đắp đổi qua ngày. Thiếu sự quan tâm chăm sóc của gia đình, Thành và Thật như hai cây non bị cong veo, chậm phát triển. Thế rồi, Hội CCB phường Hòa Cường Nam nhận giúp đỡ 2 anh em. Với những đối tượng như Thành, Thật, việc cảm hóa, giáo dục không hề dễ dàng bởi chính mẹ các em cũng không quản lý được con mình.

Ông Trần Công Kinh, Chủ tịch Hội CCB phường Hòa Cường Nam cho biết: “Sau nhiều lần đến nhà không gặp được, tôi dò hỏi mãi mới lấy được số điện thoại của Thành, hỏi “Con đang làm gì?”, Thành nói: Ở nhà. Giữa trưa nắng, tôi chạy một mạch đến nhà, Thành không có, té ra cậu đang ngồi trong quán Internet…”. Nói vậy mới thấy sự vất vả, khó khăn của người làm công tác vận động. Các bác CCB dẫn các em đi uống nước, kể chuyện quá khứ phấn đấu rèn luyện của bản thân cho các em nghe. Tổ trưởng dân phố Đinh Văn Hóa thì nắm tình hình, địa bàn sát sao để “mật báo” lại cho CCB.

Cảnh sát khu vực Nguyễn Xuân Hùng còn thường xuyên răn đe đối tượng. “Mưa dầm thấm lâu”, hai em đã có sự chuyển biến tích cực. Biết rằng “nhàn cư vi bất thiện”, Hội CCB phường đã xin cho hai em làm bốc xếp trái cây ở chợ Đầu mối, một ngày được 50 ngàn đồng/người. Tuy nhiên, do quen tay, hai anh em lại tiếp tục bốc trộm một ít đem bán. Thấy trái cây “bốc hơi” nhiều, chủ sạp hàng đã định sa thải Thành và Thật. Vậy là CCB, Công an phường và tổ trưởng dân phố lại phải thuyết phục, cam kết giáo dục các em không tái phạm để giữ chỗ làm cho hai em. Ông Kinh cho biết, từ đó đến nay, hai anh em Thành không hề ăn cắp một cái gì nữa.

Còn Lê Công Tiến Tàu (17 tuổi) ở tổ 7, phường Hòa Cường Nam lại là một hoàn cảnh khác. Tàu có đủ cả tình thương của cha mẹ nhưng suốt ngày lại đi uống rượu, gây sự đánh nhau. Là “đại ca” của một đám trẻ hư nên Tàu ít sợ ai, kể cả cha mẹ mình. “Cảm hóa Tàu cực kỳ khó, không thể dùng biện pháp mạnh. Phải kiên trì thuyết phục, hiểu rõ tâm tư, nguyện vọng của cháu để từ đó khuyên nhủ, bảo ban. Dần dần, cháu đã thấy được vẫn còn nhiều người quan tâm đến mình, từ đó bớt đi những tính xấu“, ông Kinh cho biết. Chán học văn hóa, Tàu được các chú, các anh giới thiệu đi học nghề cắt tóc, đến nay Tàu đã học được hơn 7 tháng. Hội CCB phường đang đề nghị quận hỗ trợ cho Tàu một bộ đồ nghề cắt tóc và liên hệ mặt bằng để em làm nghề sau khi học xong.

Cần được nhân rộng

Giở sổ “vàng” danh sách, hồ sơ những thanh-thiếu niên chậm tiến, ông Kinh đọc vanh vách những đối tượng giờ đã hòa nhập cộng đồng và có cuộc sống ổn định như Nguyễn Đặng Hoàng và vợ đang mở tiệm bán phụ tùng ô-tô; Phan Văn Đức bán cà-phê, giải khát; Phạm Văn Giác mở tiệm Internet... Phần lớn trong hồ sơ của các em đều có điểm chung: Gia đình khó khăn về kinh tế, cha mẹ không quan tâm con cái nên các em học hành không đến nơi đến chốn, từ đó bị bạn bè xấu rủ rê, lôi kéo, dẫn đến sa vào con đường xấu. Để làm tốt việc cảm hóa đối tượng, các bác CCB phải thực hiện phương châm 6 biết: Biết mặt, biết tên, biết chỗ ở, biết hành vi, biết hoàn cảnh gia đình và biết tâm tư, nguyện vọng các cháu. Các CCB cho biết: Cái khó nhất là không phải gia đình nào cũng hiểu và hợp tác, thậm chí còn bao che cho con vì sợ mất sĩ diện.

Ông Đặng Thành Nhơn, Phó Chủ tịch Hội CCB quận Hải Châu cho biết: “Mô hình 3+1 là mô hình hay, phát huy được hiệu quả. Uy tín của người lính trở về đời thường cùng với sự sát sao của tổ trưởng dân phố, thêm cái “uy” của cảnh sát khu vực khiến các em chuyển biến nhanh. Thiết nghĩ, nhiều địa phương cần tham khảo cách làm này”. Với sự phối hợp có hiệu quả giữa 3 bên: Chi hội CCB, tổ trưởng dân phố và cảnh sát khu vực, 14 thanh-thiếu niên hư ở phường Hòa Cường Nam đã trở lại con đường lương thiện, có việc làm ổn định. Nhờ làm tốt công tác quản lý, giáo dục thanh-thiếu niên chậm tiến mà trong nhiều năm, Hội CCB phường đã được tặng nhiều giấy khen, bằng khen của Trung ương Hội CCB Việt Nam, Sở LĐ-TB&XH, Hội CCB thành phố… Đây cũng là cách để Chỉ thị 24 của Thành ủy dần đi vào cuộc sống.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.