.
KHAI MẠC TRỌNG THỂ ĐẠI HỘI LẦN THỨ XX ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ

Xây dựng Đà Nẵng xứng đáng là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung

.
* Thực hiện thí điểm Đại hội bầu trực tiếp Bí thư Thành ủy: Đồng chí Nguyễn Bá Thanh trúng cử với tỷ lệ 99,66% 

* Bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố gồm 55 đồng chí; Ban Thường vụ Thành ủy gồm 15 đồng chí 

* Các đồng chí Trần Thọ, Trần Văn Minh được bầu lại giữ chức Phó Bí thư Thành ủy

Ngày 28-9, tại Hội trường Trường Chính trị thành phố, Đại hội lần thứ XX Đảng bộ thành phố (nhiệm kỳ 2010-2015) đã chính thức khai mạc với sự tham dự của 299 đại biểu, đại diện cho gần 4 vạn đảng viên toàn Đảng bộ.

Đồng chí Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị (UVBCT), Thường trực Ban Bí thư dự và phát biểu chỉ đạo Đại hội.

Mô tả ảnh.
Quang cảnh phiên khai mạc. Ảnh: NGỌC HỢI
Tham dự Đại hội, về phía Trung ương, có đồng chí Trương Quang Được, nguyên UVBCT, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng (UVTWĐ): Nguyễn Đức Hạt, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tổ chức Trung ương, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam; Nguyễn Xuân Phúc, Bộ trưởng-Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam; Hoàng Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng…; đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương.

Về phía Đảng bộ thành phố, có các đồng chí: Nguyễn Bá Thanh, UVTWĐ, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố; Trần Thọ, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy; Trần Văn Minh, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố cùng các đồng chí trong Ban Thường vụ Thành ủy.

Dự Đại hội còn có các đại biểu lão thành cách mạng, các Mẹ Việt Nam anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động; các đồng chí nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Khu ủy viên Khu 5, nguyên Bí thư, Phó Bí thư, nguyên Chủ tịch HĐND, UBND, Ủy ban Mặt trận, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam-Đà Nẵng, thành phố Đà Nẵng qua các thời kỳ; các đồng chí nguyên lãnh đạo thành phố Đà Nẵng, huyện Hòa Vang thuộc tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng; đại diện lãnh đạo Đảng ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu 5, đại diện lãnh đạo Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị, xã hội thành phố…

Diễn văn khai mạc Đại hội do đồng chí Nguyễn Bá Thanh trình bày, nhấn mạnh: Đại biểu tham dự Đại hội cần ý thức sâu sắc vai trò của mình trong việc thảo luận, đề xuất, hiến kế giải pháp hay, những cách làm mới cho Đại hội để Đại hội thực sự là một sinh hoạt chính trị sâu rộng nhất. Bên cạnh việc phân tích kỹ những thuận lợi, thời cơ, thách thức tác động đến sự phát triển của thành phố thời gian tới, Đại hội kêu gọi và khuyến khích đại biểu không chỉ thảo luận, tham luận mà cần phải tranh luận một cách dân chủ, cởi mở, thẳng thắn, nghiêm túc để đi đến một Nghị quyết mang tính thống nhất cao về những kết quả đạt được, rút ra những bài học, định ra đường lối, chiến lược nhằm xây dựng và phát triển thành phố trong nhiệm kỳ 2010-2015 và tầm nhìn đến năm 2020.

Đồng chí cũng đề nghị các đại biểu công tâm, sáng suốt, phát huy dân chủ để bầu ra Ban Chấp hành Đảng bộ nhiệm kỳ mới đủ trí tuệ và bản lĩnh, năng lực, phẩm chất chính trị, đặc biệt chú trọng đến tính kế thừa cho các nhiệm kỳ tiếp theo, làm hạt nhân lãnh đạo, đưa sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố đi vào thời kỳ mới; thực hiện tốt chủ trương thí điểm Đại hội bầu trực tiếp Bí thư Thành ủy mà Bộ Chính trị tin tưởng giao phó cho Đảng bộ; đồng thời bầu Đoàn đại biểu thay mặt cho Đảng bộ thành phố có khả năng đóng góp xứng đáng vào sự thành công chung của Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. (Xem toàn văn diễn văn khai mạc Đại hội trong số báo này).

Thay mặt Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIX, đồng chí Nguyễn Bá Thanh trình bày tóm tắt Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIX. Báo cáo Chính trị đã đánh giá những kết quả đạt được, những hạn chế, khuyết điểm và rút ra những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo của Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ 2005-2010.
 
Theo đánh giá, kinh tế thành phố phát triển tương đối toàn diện, đạt tốc độ tăng trưởng khá; hiệu quả và sức cạnh tranh được nâng lên một bước; tổng sản phẩm nội địa (GDP) ước tăng bình quân 11%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2010 ước đạt 2.015 USD, gấp 2,2 lần so với năm 2005 và bằng 1,6 lần mức bình quân chung cả nước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp với tỷ trọng nhóm ngành Dịch vụ trong GDP năm 2010 ước đạt 50,5%; Công nghiệp-Xây dựng: 46,5% và Nông nghiệp: 3,0%.
 
Quan hệ đối ngoại và kinh tế đối ngoại ngày càng mở rộng đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới; chủ động thực hiện lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần nâng cao vị thế của thành phố đối với khu vực và thế giới. Các hoạt động hữu nghị, giao lưu, đối ngoại nhân dân được đẩy mạnh. Đến tháng  6 năm 2010, thành phố có 175 dự án FDI, tổng vốn đầu tư 2,7 tỷ USD, trong đó vốn thực hiện ước đạt 1,3 tỷ USD, chiếm hơn 50% tổng vốn đầu tư. Kết cấu hạ tầng phát triển khá nhanh và đồng bộ; công tác quản lý đô thị, tài nguyên và bảo vệ môi trường có nhiều chuyển biến tích cực; trong 5 năm qua, thành phố đã bố trí tái định cư khoảng 18.340 lô đất; thực hiện công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư cho nhân dân đúng chính sách, chế độ và tiến độ các công trình…
 
Nhờ thực hiện tốt các cơ chế, chính sách linh hoạt, thành phố đã tạo môi trường đầu tư thuận lợi để thu hút các nguồn lực cho phát triển. Nhờ đó, trong 3 năm liên tiếp (2005-2007) đứng nhì và 2 năm (2008, 2009) được công nhận dẫn đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đến giữa năm 2010, thành phố có trên 12.813 doanh nghiệp dân doanh, tổng vốn đăng ký đạt 35 ngàn tỷ đồng. Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn tăng bình quân 12,8% mỗi năm; tổng chi ngân sách địa phương tăng 9,5%/năm; tổng vốn đầu tư phát triển tăng 18,3% mỗi năm…
 
Trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và văn hóa - xã hội đã đạt được những kết quả quan trọng, tạo chuyển biến về chất trong quá trình phát triển của thành phố; chủ trương gắn phát triển kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội thực hiện có kết quả. Từ đó, Đà Nẵng ngày càng khẳng định vai trò, vị trí  là trung tâm giáo dục-đào tạo, khoa học-công nghệ lớn của khu vực miền Trung-Tây Nguyên và cả nước. Các vấn đề xã hội được quan tâm giải quyết, gắn với từng bước thực hiện công bằng xã hội, tạo chuyển biến rõ nét trong việc giải quyết những vấn đề trọng tâm, bức xúc; nhiều chính sách an sinh xã hội mang đậm tính nhân văn được triển khai thực hiện và đạt kết quả tốt; hằng năm, giải quyết việc làm mới cho 3,24 vạn người; giảm tỷ lệ thất nghiệp thành thị còn 4,9%.
 
Chương trình “5 không” cơ bản hoàn thành, được duy trì thực hiện (từ năm 2009, mục tiêu “không có hộ đói” và “không có người mù chữ” được điều chỉnh thành “không có hộ đặc biệt nghèo” và “không có học sinh bỏ học”); chương trình “3 có” đạt một số kết quả tích cực… Công tác quốc phòng và quân sự địa phương thường xuyên được tăng cường; thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân luôn được bảo đảm. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững; công tác phòng ngừa, đấu tranh, trấn áp các loại tội phạm có chuyển biến tốt. Phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc được triển khai sâu rộng… Dân chủ được phát huy, hệ thống chính trị và khối đại đoàn kết toàn dân luôn được củng cố.

Công tác xây dựng Đảng đạt kết quả đáng kể, lãnh đạo thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đạt được những kết quả bước đầu quan trọng. Trong đó, công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị tư tưởng luôn bám sát yêu cầu nhiệm vụ chính trị với chất lượng, hiệu quả được nâng cao. Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” được triển khai thực hiện nghiêm túc, với nhiều mô hình hay, cách làm tốt, xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình…
 
Bộ máy các cơ quan trong hệ thống chính trị được tập trung sắp xếp, củng cố. Công tác cán bộ được quan tâm chỉ đạo với nhiều cách làm mới, có tính  đột phá và đạt được kết quả tích cực như: Các đề án về phát triển, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho thành phố; đào tạo cán bộ dự nguồn đối với hai chức danh bí thư và chủ tịch UBND cấp xã, phường; mạnh dạn đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trẻ, cán bộ nữ, bổ nhiệm cán bộ vượt cấp; tổ chức thí điểm thi tuyển để bổ nhiệm một số chức danh cán bộ lãnh đạo, quản lý; thực hiện chủ trương thí điểm bí thư cấp ủy đồng thời là chủ tịch UBND cùng cấp. Công tác kiểm tra, giám sát của cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp được tăng cường; công tác dân vận của hệ thống chính trị được đẩy mạnh; phương thức lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy các cấp được đổi mới, góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của toàn Đảng bộ.

Đánh giá tổng quát thành tựu nhiệm kỳ qua, Báo cáo Chính trị nhấn mạnh: Nổi bật là tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị tạo được dấu ấn rõ nét; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển, quốc phòng-an ninh được củng cố và giữ vững; công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được tăng cường; nội bộ đoàn kết, nhân dân đồng thuận, góp phần tạo nên mối quan hệ đáng quý và đáng trân trọng ở Đà Nẵng là “Đảng nói-dân tin; Mặt trận, đoàn thể vận động-dân theo; Chính quyền làm-dân ủng hộ”.

Đại hội cũng nghiêm túc nhìn nhận những khuyết điểm, yếu kém còn tồn tại trong nhiệm kỳ qua như: Kinh tế tăng trưởng khá, nhưng chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố; quy mô còn nhỏ, tích lũy còn hạn chế; sức cạnh tranh và hiệu quả trên một số lĩnh vực còn thấp. Tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án do Trung ương quản lý trên địa bàn còn chậm. Lĩnh vực văn hóa-xã hội có mặt còn bức xúc do chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; đời sống văn hóa, tinh thần của một bộ phận nhân dân còn khó khăn. Công tác quốc phòng, an ninh, nhất là xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân chưa thật vững chắc, xây dựng khu vực phòng thủ chưa đáp ứng yêu cầu. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội còn tiềm ẩn nhiều nhân tố phức tạp. Công tác xây dựng chính quyền, chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện của một số cơ quan chính quyền còn bất cập so với yêu cầu. Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng ở một số tổ chức Đảng, cấp ủy Đảng chưa được chú trọng đúng mức; lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ công tác xây dựng Đảng chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ then chốt. Việc đổi mới công tác cán bộ chưa toàn diện và còn chậm so với đổi mới kinh tế-xã hội thành phố…
 

Mục tiêu tổng quát đến năm 2015 và tầm nhìn đến năm 2020

Mục tiêu và phương hướng tổng quát trong 5 năm đến là: Tiếp tục đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, giữ vững ổn định chính trị, phát huy dân chủ và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, phát triển kinh tế nhanh và bền vững; xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một đô thị lớn của cả nước; là trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung, là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng, an ninh của miền Trung và cả nước, tạo nền tảng để xây dựng thành phố trở thành thành phố công nghiệp trước năm 2020.

Phấn đấu đến năm 2020,  quy mô dân số không vượt quá 2 triệu người, trở thành thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành và đời sống văn hóa cao, làm giàu bằng kinh tế tri thức; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống. 

N.T (ghi)

 

Trên tinh thần “Đoàn kết, đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ, tiếp tục xây dựng thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, xứng đáng là trung tâm kinh tế-xã hội của miền Trung”, Đại hội đã thảo luận và xác định quan điểm phát triển và mục tiêu tổng quát phát triển Đà Nẵng đến năm 2015 và tầm nhìn 2020.

Năm hướng đột phá chiến lược về phát triển kinh tế-xã hội của Đà Nẵng là: Phát triển các ngành dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và thương mại; phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp công nghệ thông tin; xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ và hiện đại; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh và thực thi các chính sách xã hội giàu tính nhân văn; phát triển nhanh nguồn nhân lực chất lượng cao.

Để thực hiện đạt những chỉ tiêu chủ yếu đề ra đến năm 2015, Đại hội đã xác định những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về phát triển kinh tế, xã hội và quốc phòng-an ninh; xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời kỳ mới… Trong đó, Đảng bộ thành phố lãnh đạo phát triển kinh tế hài hòa, bền vững, vừa mở rộng quy mô, vừa chú trọng chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế; đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng: Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp; đặc biệt phấn đấu sớm trở thành một trong bốn trung tâm thương mại-dịch vụ lớn, vừa là trung tâm giao thương trong nước, vừa là cửa ngõ giao thương với nước ngoài. Ưu tiên phát triển và hiện đại hóa các ngành dịch vụ, phấn đấu tốc độ tăng trưởng của dịch vụ 17-18% mỗi năm. Tăng hàm lượng khoa học công nghệ trong sản phẩm công nghiệp; phát triển nông nghiệp toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững...
 
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch và quản lý đô thị; tạo đột phá về xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đô thị theo hướng đồng bộ và hiện đại; quản lý và sử dụng hiệu quả các nguồn tài nguyên; trong đó đầu tư tập trung, hoàn thành đúng tiến độ những kết cấu hạ tầng then chốt; tạo chuyển biến đáng kể trong thực hiện Đề án “Thành phố môi trường”. Thực hiện cơ chế, chính sách đồng bộ để thu hút đầu tư; khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển; đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế; đặc biệt có chính sách hợp tác, hỗ trợ thiết thực đối với tỉnh Quảng Nam anh em và các tỉnh Nam  Lào. Phát triển giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa và xã hội gắn liền với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân… Tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, đẩy mạnh cải cách tư pháp.

Về công tác Đảng, Đảng bộ tiếp tục đổi mới, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng bộ ngang tầm nhiệm vụ, tiếp tục đẩy mạnh và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao trên các lĩnh vực. Cùng với tăng cường công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng với việc chú trọng đi vào chiều sâu trong thực hiện Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, khơi dậy tinh thần tự giác “học tập” và “làm theo” tấm gương đạo đức của Bác trong toàn Đảng bộ và trong xã hội.
 
Đổi mới, nâng cao chất lượng công tác tổ chức xây dựng Đảng; đổi mới tư duy, phương thức lãnh đạo của Đảng về công tác cán bộ nhằm xây dựng một thế hệ cán bộ Đà Nẵng dám nghĩ, dám làm, biết làm và dám chịu trách nhiệm, không sợ khó khăn, không né tránh, biết dấn thân vì sự nghiệp chung của Đảng, của dân, có phong cách làm việc nói đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, và làm có hiệu quả… Xây dựng chính quyền các cấp trong sạch vững mạnh gắn với nâng cao năng lực quản lý, điều hành, và tổ chức thực hiện. Phát huy dân chủ và sức mạnh đồng thuận, nâng cao chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội, góp phần củng cố khối đại đoàn kết toàn dân.

Báo cáo kiểm điểm của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIX, nhiệm kỳ 2005-2010 do đồng chí Trần Thọ trình bày, nêu rõ những ưu điểm, thể hiện ở việc Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy đã lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện các Nghị quyết của Trung ương (khóa X) và Nghị quyết Đại hội lần thứ XIX Đảng bộ thành phố đạt những kết quả quan trọng với nhiều cách làm sáng tạo, đạt hiệu quả cao.
 
Thường xuyên quan tâm lãnh đạo công tác xây dựng Đảng và xây dựng hệ thống chính trị; trong đó, chú trọng công tác giáo dục phẩm chất, đạo đức lối sống cho cán bộ, đảng viên; có nhiều biện pháp đột phá trong công tác cán bộ; công tác kiểm tra, giám sát được tăng cường; công tác dân vận được quan tâm chỉ đạo thường xuyên; phương thức lãnh đạo của Đảng được đổi mới với việc xác định Đảng không chỉ ra nghị quyết mà còn phải lãnh đạo tổ chức thực hiện nghị quyết đạt hiệu quả cao nhất. Thực hiện đúng quy chế và nguyên tắc của Đảng, thể hiện rõ vai trò tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách; trong đó lãnh đạo chủ chốt thường xuyên duy trì đối thoại trực tiếp với nhân dân…
 
Về hạn chế, khuyết điểm, Thành ủy và Ban Thường vụ Thành ủy còn chậm hoặc chưa đầu tư thỏa đáng công tác lãnh đạo, chỉ đạo để tìm ra các giải pháp đột phá nhằm thúc đẩy phát triển trên một số lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội tương xứng với vị thế và tiềm năng của thành phố; công tác xây dựng Đảng tuy đã được chú trọng nhưng vẫn chưa ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ then chốt; công tác tổ chức thực hiện và kiểm tra việc tổ chức thực hiện các chủ trương, nghị quyết của Đảng nhìn chung vẫn còn nhiều bất cập…

Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội, thay mặt Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng chí Trương Tấn Sang ghi nhận và đánh giá cao những cố gắng, nỗ lực của Đảng bộ thành phố trong nhiệm kỳ qua. Đồng chí nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ qua, trong điều kiện phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Đảng bộ và nhân dân Đà Nẵng đoàn kết một lòng, có quyết tâm cao, cách làm sáng tạo, hiệu quả, tiếp tục giành được những thành tựu quan trọng, tạo nên những chuyển biến tích cực trên các lĩnh vực.
 
Đồng chí cũng chỉ ra những khuyết điểm, yếu kém cần khắc phục và những vấn đề cần tập trung trong lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ nhiệm kỳ mới; đề nghị Đại hội thực hiện tốt việc đóng góp ý kiến vào dự thảo văn kiện trình Đại hội XI của Đảng; sáng suốt lựa chọn những đại biểu xuất sắc, ưu tú bầu vào Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XX, nhiệm kỳ 2010-2015, thực hiện thành công chủ trương thí điểm Đại hội bầu trực tiếp Bí thư Thành ủy; bầu Đoàn đại biểu Đảng bộ thành phố dự Đại hội lần thứ XI của Đảng (Xem toàn văn bài phát biểu đăng trong số báo này).

Cũng trong chương trình làm việc ngày 28-9, Đại hội đã tiến hành thảo luận phương án nhân sự, giới thiệu 68 đại biểu để bầu Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XX (nhiệm kỳ 2010-2015) gồm 55 đồng chí; trong đó bảo đảm những tiêu chuẩn đề ra như: Cơ cấu, độ tuổi, giới tính, những đại biểu tham gia cấp ủy lần đầu phải tốt nghiệp đại học chính quy trở lên hoặc đã qua đào tạo trên đại học, có trình độ lý luận chính trị cao cấp…

Chiều cùng ngày, Đại hội đã tiến hành các bước theo đúng quy trình về thực hiện chủ trương Đại hội thí điểm bầu trực tiếp Bí thư Thành ủy theo quyết định của Bộ Chính trị. Qua các bước lấy phiếu giới thiệu tại Đại hội, giới thiệu của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XX và tại các tổ đại biểu, Đại hội đã thống nhất đề cử đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy khóa XIX để Đại hội trực tiếp bầu chức danh Bí thư Thành ủy khóa XX. Kết quả, có 298/299 đại biểu tại Đại hội đã bầu đồng chí Nguyễn Bá Thanh giữ chức vụ Bí thư Thành ủy khóa XX.

Tại phiên họp lần thứ nhất diễn ra vào chiều cùng ngày, Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XX đã bầu Ban Thường vụ Thành ủy khóa XX gồm 15 đồng chí. Các đồng chí Trần Thọ, Trần Văn Minh được bầu lại giữ chức Phó Bí thư Thành ủy.

Hôm nay, 29-9, Đại hội tiếp tục ngày làm việc thứ 2 với phần thảo luận Báo cáo Chính trị và Báo cáo kiểm điểm Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XIX; báo cáo tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XI của Đảng và tổng hợp ý kiến góp ý dự thảo Điều lệ Đảng (sửa đổi)…

N.Thành
 
;
.
.
.
.
.