Kinh tế

Khởi sắc tuyến du lịch đường sắt Đà Nẵng - Huế

21:40, 27/04/2024 (GMT+7)

Từ khi đưa vào hoạt động, đoàn tàu du lịch Đà Nẵng - Thừa Thiên Huế với tên gọi “Kết nối di sản miền Trung” dần thu hút người dân và du khách. Đây được xem là sản phẩm du lịch mới không chỉ kết nối giao thông của hai địa phương mà còn mang đến những trải nghiệm thú vị cho du khách khi đến với hai thành phố du lịch vừa cổ kính, vừa hiện đại.

Qua phương tiện đường sắt, du khách sẽ có thêm nhiều trải nghiệm thú vị tại cung đường đèo rất đẹp nối hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế.  Trong ảnh: Hành khách đến ga Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ
Qua phương tiện đường sắt, du khách sẽ có thêm nhiều trải nghiệm thú vị tại cung đường đèo rất đẹp nối hai địa phương Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế. Trong ảnh: Hành khách đến ga Đà Nẵng. Ảnh: THU HÀ

Đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng được Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam đưa vào khai thác đoàn tàu gồm 5 toa xe ghế mềm điều hòa và một toa sinh hoạt cộng đồng với không gian âm nhạc cung đình Huế. Tại ga Huế và ga Đà Nẵng mỗi ngày sẽ có 2 chuyến khởi hành sáng và chiều vào lúc 7 giờ 45 và 14 giờ 25, giá vé là 150.000 đồng/lượt. Trên chuyến này du khách có thể thưởng thức, trải nghiệm các món ăn nhẹ dân dã như ngô, khoai, sắn, bánh lọc, bánh ít…

Chị Marine, du khách Mỹ chia sẻ, chuyến đi từ Thừa Thiên Huế vào Đà Nẵng bằng đường sắt rất thú vị. Cảnh sắc hai bên đường rất hùng vĩ, nhất là đoạn qua đèo Hải Vân - ngọn đèo rất nổi tiếng được nhiều bạn bè chị nhắc đến mỗi khi đi du lịch qua Đà Nẵng và Huế. Ngoài ra, các món ăn cũng được chuẩn bị rất chu đáo, mang đậm nét truyền thống.

Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Hồ Thanh Tú đánh giá, đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng đưa vào khai thác đã mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm cung đường sắt rất đẹp của Đà Nẵng và Thừa Thiên Huế, nối với các vùng đất di sản, du khách có nhiều lựa chọn để tham gia vào tour kết nối hành trình di sản miền Trung. Sản phẩm này phù hợp với thị trường khách quốc tế đến Đà Nẵng (khách inbound), đặc biệt dòng khách từ thị trường Tây Âu ưa trải nghiệm, khám phá. Bên cạnh đó, với các nhóm khách nhỏ như khách gia đình, nhóm bạn bè, có thời gian đi tour trải nghiệm thì sản phẩm này cũng là một lựa chọn khá hay…

Theo thống kê của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, từ ngày khai trương (26-3) đến giữa tháng 4, chặng từ Đà Nẵng đi Huế (HĐ2/4) đã khai thác 41 chuyến tàu, vận chuyển khoảng 6.634 lượt khách; chiều từ Huế đi Đà Nẵng (HĐ1/3) đã khai thác 41 chuyến, vận chuyển khoảng 6.776 lượt khách.

Bà Huỳnh Thị Hương Lan, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm Xúc tiến du lịch Đà Nẵng cho biết, việc đưa vào khai thác tuyến đường sắt “Kết nối di sản miền Trung” đã đáp ứng nhu cầu rất lớn của du khách, nhất là khách quốc tế trong hành trình trải nghiệm du lịch miền Trung và thưởng ngoạn cảnh đẹp hùng vĩ của cung đường sắt qua đèo Hải Vân, cung đường vốn được mệnh danh là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Chuyến tàu “Kết nối di sản miền Trung” cũng góp phần đa dạng hóa loại hình du lịch, giảm áp lực cho du lịch qua đường hàng không và đường bộ. Với phương án di chuyển an toàn, thoải mái cho hành khách và được kỳ vọng là sản phẩm mẫu cho du lịch đường sắt trong thời gian tới; là sản phẩm du lịch đặc thù của miền Trung, tăng sự gắn kết giữa các địa phương trong hành trình khám phá di sản. Để tăng tính truyền thông quảng bá cho đoàn tàu du lịch Huế - Đà Nẵng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam có kế hoạch sơn mới 1 toa tàu mang hình ảnh đặc trưng của du lịch của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ông Đỗ Văn Hoan, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vận tải đường sắt Hà Nội nhìn nhận, sau thời gian khai thác, số lượng khách đi tàu có nhiều tín hiệu khả quan, trong đó nhiều khách quốc tế lựa chọn đây là phương tiện đi lại. Để thu hút khách đi tàu, ngành đường sắt đã có chủ trương, định hướng hợp tác với các doanh nghiệp du lịch và có những chính sách hợp tác cụ thể phù hợp với từng công ty du lịch. Qua đó kịp thời thích ứng và có sự chuyển mình tích cực, tập trung đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất, tăng tiện ích và dịch vụ cho hành khách đi tàu.

Ngoài tuyến Đà Nẵng - Huế, trong thời gian tới, ngành đường sắt hướng tới đưa vào khai thác thêm các đường tàu chặng ngắn tại một số địa phương khác để đáp ứng nhu cầu đi lại của hành khách. Ngành du lịch thành phố đã và đang nỗ lực tạo ra các sản phẩm mới để thu hút khách đến Đà Nẵng. Ngày 29-3 vừa qua, Sở Du lịch Đà Nẵng, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và Công ty CP Tập đoàn Mặt trời đã ký kết biên bản hợp tác về việc đồng hành phát triển sản phẩm du lịch tàu hỏa “Wow Train” gắn với trải nghiệm của du khách; giúp khách đi tàu thêm yêu cảnh sắc Việt Nam, tới các điểm du lịch nổi tiếng của Việt Nam.

“Chúng tôi hy vọng sự tham gia của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam và cộng đồng doanh nghiệp trong việc xây dựng sản phẩm mới sẽ góp phần vào sự phát triển du lịch Đà Nẵng trong thời gian đến”, bà Huỳnh Thị Hương Lan bày tỏ.

THU HÀ

.