Kinh tế

Kỷ niệm 49 năm ngày Giải phóng thành phố Đà Nẵng (29-3-1975 – 29-3-2024)

Phát triển thương mại văn minh, hiện đại

09:34, 27/04/2024 (GMT+7)

Với vị trí địa lý thuận lợi, Đà Nẵng được xác định là thành phố hạt nhân tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, tạo động lực phát triển khu vực miền Trung - Tây Nguyên trong tiến trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới. Trong bối cảnh đó, phát triển thương mại văn minh, hiện đại là yêu cầu quan trọng để tạo nên diện mạo đô thị khang trang.

Trung tâm thương mại Indochina Riverside là nơi tập trung nhiều cửa hàng thương hiệu cao cấp. Ảnh: P.V
Trung tâm thương mại Indochina Riverside là nơi tập trung nhiều cửa hàng thương hiệu cao cấp. Ảnh: P.V

Thương mại, dịch vụ tăng trưởng tốt

Doanh thu bán lẻ hàng hóa là một trong những chỉ số kinh tế mà Đà Nẵng luôn đạt mức tăng trưởng cao so với cùng kỳ. Dẫn chứng là năm 2022, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước đạt 65.823 tỷ đồng, tăng gần 15% so với năm 2021, đây là mức tăng cao nhất trong giai đoạn 2018-2022. Năm 2023, thương mại nội địa của thành phố tiếp tục giữ đà tăng trưởng với ước tổng doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 68.614 tỷ đồng, tăng 6,2% so với năm 2022. Mức tăng trưởng liên tục cho thấy mạng lưới kinh doanh, hạ tầng thương mại trên địa bàn cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế cũng như nhu cầu của người dân, bước đầu đảm nhận vai trò trung tâm phát luồng hàng hóa đối với khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Các chợ, siêu thị và trung tâm thương mại được đầu tư cả về chất lượng và số lượng, góp phần thay đổi rõ nét diện mạo hạ tầng thương mại với sự có mặt của các nhà phân phối trong nước như Co.opMart, Intimex, Vincom, Winmart+… và nước ngoài có MM Mega Market, Go!, Lotte Mart, Parkson. Hệ thống hạ tầng thương mại thành phố hiện có 8 trung tâm thương mại, 72 siêu thị tổng hợp, siêu thị chuyên doanh, hơn 400 cửa hàng tiện lợi, tự chọn, 9.300 cửa hàng, quầy hàng bán lẻ, hộ kinh doanh độc lập và 1 trung tâm hội chợ triển lãm tầm khu vực và quốc tế.

Hệ thống chợ được quy hoạch, nâng cấp và xây dựng mới cả ở thành thị và nông thôn với 74 chợ các loại, trong đó 2 chợ đầu mối, 6 chợ hạng 1. Các chợ truyền thống của thành phố duy trì được sức cạnh tranh so với các kênh phân phối hiện đại, thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước đến tham quan, mua sắm như chợ Hàn, chợ Cồn.

Trong phạm vi khu vực và quốc tế, Đà Nẵng là đầu mối giao thông nối vùng châu Á - Thái Bình Dương và thế giới, là một trong những cửa ngõ quan trọng ra biển của Tây Nguyên và các nước Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar đến các nước vùng Đông Bắc Á thông qua Hành lang kinh tế Đông Tây với điểm kết thúc là cảng Tiên Sa. Với lợi thế địa lý trên cùng với quá trình thực hiện cam kết trong khuôn khổ các hiệp định thương mại tự do khu vực, song phương (CPTPP, EVFTA, UKVFTA, RCEP...) đã góp phần thúc đẩy phát triển thương mại nói riêng và kinh tế thành phố nói chung. Đà Nẵng tiếp tục phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan đề xuất chủ trương xây dựng các chính sách phát triển dịch vụ logistics, tạo nền tảng thuận lợi để thu hút nguồn hàng hóa xuất nhập khẩu luân chuyển trên địa bàn thành phố.

Quý 1-2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa ước đạt 763,4 triệu USD, tăng 9,9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó: xuất khẩu ước đạt 462,8 triệu USD, tăng 5,6%; nhập khẩu ước đạt 300,6 triệu USD, tăng 17,1%. Cán cân thương mại hàng hóa 3 tháng đầu năm 2024 tiếp tục duy trì xuất siêu gần 162,2 triệu USD.

Chuyển dịch thương mại ngày càng hiện đại

Bên cạnh thương mại truyền thống, thương mại điện tử trên địa bàn thành phố tiếp tục phát triển. Sau nhiều năm triển khai, Sàn thương mại điện tử Đà Nẵng Danangtrade (danangtrade.gov.vn) hiện có hơn 1.920 doanh nghiệp tham gia với hơn 2.700 sản phẩm, dịch vụ niêm yết; số lượng doanh nghiệp đưa sản phẩm lên sàn tăng lên mỗi năm với tỷ lệ tăng 20-30%/năm. Ngoài vận hành sàn Danangtrade, Sở Công Thương còn phối hợp tổ chức các lớp tập huấn về thương mại điện tử cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh; hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ nông sản trên các sàn thương mại điện tử…

Năm 2023, Đà Nẵng lần thứ 2 liên tiếp lọt vào top 3 địa phương dẫn đầu về chỉ số thương mại điện tử (sau Thành phố Hồ Chí Minh và Hà Nội) theo báo cáo đánh giá của Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam năm 2023; sàn thương mại điện tử Selly của Công ty TNHH Selly đạt giải thưởng Sao Khuê năm 2023 hạng mục dành cho các sản phẩm, giải pháp khởi nghiệp số.

Ông Võ Văn Khanh, đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam tại miền Trung - Tây Nguyên đánh giá, Đà Nẵng đã và đang tận dung tốt lợi thế về công nghệ thông tin cũng như vai trò đầu mối giao thương để phát triển thương mại điện tử. Thời gian tới, hiệp hội tiếp tục phối hợp cùng các đơn vị liên quan hỗ trợ các doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố tiếp cận thương mại điện tử, chuyển đổi số và luật bảo vệ người tiêu dùng, qua đó tối ưu hóa nguồn lực và khai thác tối đa thị trường đa quốc gia, xuyên biên giới.

Bà Lê Thị Kim Phương, Giám đốc Sở Công Thương thông tin, năm 2024, sở tiếp tục triển khai chương trình xúc tiến thương mại, kế hoạch phát triển thương mại điện tử thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2025, chương trình quảng bá thương hiệu sản phẩm Đà Nẵng gắn với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”; triển khai đưa vào hoạt động Bản đồ mua sắm trực tuyến Đà Nẵng. Sở Công Thương tiếp tục thực hiện các giải pháp bình ổn thị trường, theo dõi sát diễn biến thị trường, triển khai kịp thời kế hoạch cung ứng hàng hóa. Về công tác nâng cấp hạ tầng các chợ, sở phối hợp với các quận, huyện để đầu tư nâng cấp các chợ, thuộc quận, huyện quản lý, từng bước bảo đảm yêu cầu văn minh thương mại, an toàn thực phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân và du khách; phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện thủ tục lựa chọn nhà đầu tư chợ đầu mối Hòa Phước sau khi UBND huyện Hòa Vang hoàn thành công tác giải tỏa, đền bù và tái định cư khu vực dự án.

MAI QUẾ

.