Nhiều kết quả chuyển đổi số năm 2022

.

Năm 2022, Đà Nẵng thể hiện vai trò tiên phong chuyển đổi số với việc hoàn thành nhiều chỉ tiêu chuyển đổi số; đồng thời đưa vào sử dụng nhiều ứng dụng số hóa, góp phần không nhỏ vào quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp. Trong ảnh: Đại biểu tham quan gian hàng về giải pháp chuyển đổi số tại hội nghị do Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp tổ chức. Ảnh: M.Q
Đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số cần sự vào cuộc của cơ quan quản lý, người dân và doanh nghiệp. TRONG ẢNH: Đại biểu tham quan gian hàng về giải pháp chuyển đổi số tại hội nghị do Ban quản lý Khu Công nghệ cao và các khu công nghiệp tổ chức. Ảnh: M.Q

Hoàn thành 19/20 chỉ tiêu chuyển đổi số

Theo Kế hoạch số 76/KH-UBND ngày 13-4-2022 của UBND thành phố về triển khai các nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn thành phố năm 2022, thành phố đặt ra 20 chỉ tiêu về chính quyền số, kinh tế số và xã hội số. Đến nay, thành phố hoàn thành 19/20 chỉ tiêu. Cụ thể, hoàn thành 7/7 chỉ tiêu chính quyền số gồm: tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến đạt 100% ngay từ cuối năm 2021; tỷ lệ dịch vụ công trực tuyến có phát sinh hồ sơ đạt 90,43% (chỉ tiêu là 85%); tỷ lệ hồ sơ trực tuyến đạt 71% (chỉ tiêu 65%); tỷ lệ dịch vụ sự nghiệp công trực tuyến mức 3, 4 đạt 30%; tỷ lệ số hóa hồ sơ, kết quả giải quyết thủ tục hành chính đạt 100%; tỷ lệ báo cáo của các cơ quan hành chính Nhà nước được thực hiện trực tuyến đạt 50% và tỷ lệ cơ quan Nhà nước cung cấp dữ liệu mở đạt hơn 50%.

Thành phố hoàn thành 5/5 chỉ tiêu kinh tế số, cụ thể tỷ trọng kinh tế số trong GRDP Đà Nẵng từ năm 2021 là 12,57% (chỉ tiêu 12%); tỷ trọng công nghiệp công nghệ thông tin (ICT) 6 tháng năm 2022 tăng 8,89% và là ngành có tỷ trọng đóng góp vào tăng trưởng GRDP cao nhất trong 21 ngành kinh tế cấp I, dự kiến đạt được chỉ tiêu tỷ trọng ICT chiếm trong GRDP năm 2022 là 8,7%; 100% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử từ ngày 1-7-2022; tỷ trọng doanh thu thương mại điện tử đạt 10% và thành phố có 3 trung tâm dữ liệu.

Về xã hội số, thành phố hoàn thành 7/8 chỉ tiêu, gồm: xấp xỉ 100% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh; trên 90% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; 100% người dân có mã ID y tế duy nhất và hồ sơ sức khỏe điện tử cá nhân; 100% cơ sở khám, chữa bệnh triển khai thanh toán viện phí trực tuyến không dùng tiền mặt; 100% học sinh có mã ID và hồ sơ học bạ điện tử; 100% trường học triển khai thanh toán học phí trực tuyến không dùng tiền mặt; tỷ lệ nhân lực công nghệ số trong lực lượng lao động đạt 7,7% (chỉ tiêu là 4,5%), tương ứng 47.500/579.000 người. Chỉ tiêu duy nhất chưa hoàn thành là tỷ lệ phủ sóng dịch vụ 5G  đạt 20%, lý do là Việt Nam chưa triển khai đấu giá băng tần 5G nên chưa thể triển khai rộng rãi.

Nâng cao trình độ nhân lực chuyển đổi số trong năm 2023

Phát huy kết quả chuyển đổi số năm 2022, các đơn vị, địa phương trên địa bàn thành phố tiếp tục thực hiện các giải pháp, kế hoạch đã được cụ thể hóa thông qua các Quyết định số 934/QĐ-UBND ngày 7-4-2022 của UBND thành phố về kế hoạch triển khai đề án “Xây dựng thành phố thông minh tại thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2018-2025, định hướng đến năm 2030” trong giai đoạn 2022-2025; Quyết định số 1095/QĐ-UBND ngày 20-4-2022 của UBND thành phố về kế hoạch phát triển chính quyền điện tử hướng tới chính quyền số trên địa bàn thành phố giai đoạn 2022-2025; Kế hoạch số 142/KH-UBND ngày 28-7-2022 của UBND thành phố về triển khai chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030... Trong đó, các kế hoạch, giải pháp đều nhấn mạnh vai trò của chuẩn bị nhân lực cũng như nâng cao nhận thức của mỗi người dân, doanh nghiệp, lấy người dân làm trung tâm của chuyển đổi số.

Về vấn đề đào tạo nhân lực, ông Lê Thành Bắc, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao về công nghệ thông tin có ý nghĩa quyết định để tạo nền tảng, cơ sở cho chương trình chuyển đổi số quốc gia của Chính phủ nói chung và Đà Nẵng nói riêng. Thời gian tới, thành phố cần có thêm chính sách đồng bộ, cơ chế để thúc đẩy, gắn kết hợp tác nhà trường - doanh nghiệp, tạo hành lang pháp lý, chính sách ưu đãi, khuyến khích các trường và doanh nghiệp tăng cường hợp tác trong việc tạo ra nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao.

Theo Phó Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Trần Ngọc Thạch, dựa trên kết quả 100% phường, xã đã thành lập tổ công nghệ số cộng đồng tại từng thôn, tổ dân phố với gần 2.500 tổ và 13.000 thành viên, sở tiếp tục phối hợp cùng UBND quận, huyện, phường, xã, các hội, đoàn thể triển khai các khóa học phổ cập kỹ năng số. Bên cạnh đó, UBND phường, xã tiếp tục phát động, triển khai các thành viên tổ công nghệ số cộng đồng “đi từng ngõ, gõ từng nhà, hướng dẫn từng người dân” sử dụng các ứng dụng công nghệ số. Ngoài ra, tổng đài và các kênh truyền thông hướng dẫn, hỗ trợ về chuyển đổi số vẫn đang hoạt động hiệu quả để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Thành phố tiếp tục triển khai kế hoạch phát triển doanh nghiệp công nghệ số; phát triển các nền tảng, sản phẩm “Make in Da Nang”. “Thành phố xác định đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đào tạo, tập huấn nhằm nâng cao nhận thức, thay đổi thói quen, tạo sự đồng thuận giữa cơ quan quản lý, người dân, doanh nghiệp trong thực hiện chuyển đổi số, nhất là trong việc sử dụng các phương tiện thông minh để tương tác với chính quyền, hình thành công dân điện tử, tạo mắt xích quan trọng để xây dựng thành công chính quyền số, kinh tế số và xã hội số”, ông Thạch nói.

MAI QUẾ

;
;
.
.
.
.
.