Thúc đẩy phát triển nông nghiệp bằng ứng dụng công nghệ

.

Trong những năm qua, hoạt động sản xuất nông nghiệp tại Đà Nẵng gặp nhiều khó khăn. Diện tích đất nông nghiệp hạn chế, ngày càng bị thu hẹp do quá trình đô thị hóa và công nghiệp hóa, trong khi đó, đây lại là lĩnh vực có nguồn nhân lực lớn, tập trung ở địa bàn nông thôn, miền núi.

Trước yêu cầu của thực tiễn, Đà Nẵng tập trung tái cơ cấu sản xuất lại nền nông nghiệp. Năm 2017, UBND thành phố ban hành Quyết định số 1936/QĐ-UBND phê duyệt 7 địa điểm quy hoạch vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn thành phố. Trên cơ sở đó, ngành khoa học và công nghệ (KH&CN) thành phố đã phối hợp với các tổ chức, các địa phương và các ngành triển khai nhiều hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao tiến bộ KH&CN trong sản xuất nông nghiệp, qua đó, đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Hơn 10 năm trước đây, việc nghiên cứu và ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp vẫn còn bỡ ngỡ với người nông dân, nhưng hiện nay đã trở thành nhu cầu, yếu tố quan trọng và thường xuyên, nhằm nâng cao giá trị hàng hóa nông sản và năng suất cây trồng trên cùng một đơn vị diện tích. Hàng trăm hộ nông dân đã được trang bị kiến thức qua các buổi tuyên truyền, các lớp tập huấn và cán bộ kỹ thuật các ngành, đơn vị chức năng còn trực tiếp cùng làm để giúp bà con nông dân thạo việc, thạo nghề.

Tại xã Hòa Ninh (huyện Hòa Vang), 21 hộ nông dân đã tham gia trồng bưởi da xanh để phát triển kinh tế theo chương trình dự án nông thôn, miền núi được sự hỗ trợ của Bộ KH&CN với diện tích trên 10 ha. Mục tiêu dự án là ứng dụng tiến bộ kỹ thuật để phát triển bưởi da xanh có năng suất, chất lượng tốt, hiệu quả kinh tế cao trở thành cây ăn quả chủ lực trên địa bàn huyện. Cùng với việc được đầu tư giống, các vật tư và hệ thống nước tưới, các hộ dân còn được hướng dẫn cụ thể cách trồng phù hợp, nhờ đó, cây bưởi sinh trưởng và phát triển tốt, vụ đầu tiên đã cho quả to và mọng.

Bên cạnh đó, hoạt động sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu cũng đóng vai trò quan trọng và được triển khai tại hầu hết các xã vùng nông thôn Hòa Vang. Từ những ngày đầu, khi bắt đầu chuyển giao công nghệ làm nấm, các cán bộ thuộc Trung tâm Công nghệ sinh học Đà Nẵng đã trực tiếp tới tận cơ sở “cầm tay chỉ việc” cho nông dân. Có thể nói, sự thành công của việc chuyển giao kỹ thuật làm nấm không chỉ tạo thu nhập ổn định quanh năm cho nhiều hộ gia đình mà có ý nghĩa lớn hơn là giải quyết được bài toán lao động ở nông thôn. Đó là khi diện tích đất sản xuất ngày càng thu hẹp và mọi lứa tuổi đều có thể tham gia sản xuất được.

Không dừng lại ở những loại cây trồng, sản phẩm nông sản, Sở KH&CN, Trung tâm Công nghệ sinh học và các đơn vị liên quan trong nhiều năm qua đã tập trung nghiên cứu và thực nghiệm các loại cây thuốc quý trên địa bàn như: Trinh nữ hoàng cung, Kim tiền thảo, Đinh lăng; cây thuốc thượng, Sâm cau, Sâm đại hành… Cùng với hai vùng trồng cây thuốc tại Hòa Phú và Hòa Ninh theo quy hoạch của thành phố, việc trồng thực nghiệm và ứng dụng khoa học kỹ thuật cho các loại cây thuốc còn được triển khai tại Trung tâm Công nghệ sinh học.

Việc triển khai đồng bộ các chính sách đất đai, nguồn vốn và nhất là triển khai các công trình phụ trợ cho sản xuất ở những vùng có địa hình phức tạp và hỗ trợ kỹ thuật cho việc canh tác từng bước góp phần nâng cao hiệu quả tái cơ cấu nông nghiệp tại Đà Nẵng. Mô hình cấp nước bằng công nghệ bơm va tại khe Hội Yên (xã Hòa Bắc) là một trong những công trình phụ trợ có giá trị thực tiễn cao. Dự án này nằm trong khuôn khổ đề tài “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ khai thác nước ở các sông, suối nhỏ phục vụ cấp nước sinh hoạt và nước tưới cho các loại cây ăn quả vùng sườn đồi huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng”. Quy mô dự án cung cấp nước sạch sinh hoạt cho 100 hộ dân và tưới tiêu cho hơn 10ha cây trồng trên địa bàn xã Hòa Bắc.

 Chỉ tính riêng 10 năm lại đây, tại Đà Nẵng, có khoảng 50 nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện trong lĩnh vực nông nghiệp và nông thôn, trong đó có 6 dự án thuộc Chương trình nông thôn, miền núi. Thông qua các nhiệm vụ này, các giống cây trồng, vật nuôi mới đã được du nhập về địa phương góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng, nâng cao trình độ sản xuất và thay đổi tập quán sản xuất của người dân. Nhờ đó, nhiệm vụ tái cơ cấu nông nghiệp đạt nhiều thành tựu.

Nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong phát triển nông nghiệp là nhu cầu tất yếu không chỉ ở Đà Nẵng. Tuy nhiên, việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp của thành phố hay nghiên cứu, ứng dụng KH&CN vào sản xuất nông nghiệp là cả một quá trình dài. Việc thực hiện còn nhiều khó khăn, thách thức, đòi hỏi có những giải pháp, cơ chế, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ hơn nữa từ chính quyền địa phương và Trung ương. Riêng Đà Nẵng cần phải có sự vào cuộc đồng bộ hơn nữa của Nhà nước, nhà nghiên cứu, nhà sản xuất và nhà tiêu thụ nhằm phát huy tiềm năng, lợi thế của nông nghiệp địa phương trong một bối cảnh phát triển mới.

XUÂN BÌNH

;
;
.
.
.
.
.