Khi đám cưới người Ca Dong gặp... 'điềm xấu'

.

Cũng như nhiều dân tộc thiểu số khác đang sống trên địa bàn miền núi tỉnh Quảng Nam, dân tộc Ca Dong còn lưu giữ được nhiều nét văn hóa đặc sắc và độc đáo riêng biệt. Trong đó, lễ cưới xin được coi là một nghi lễ quan trọng nhất, thể hiện sự khác biệt và rõ nét bản sắc văn hóa của người Ca Dong, khi gặp điềm xấu họ cũng biết “giải” theo cách của mình.

Nam, nữ thanh niên Ca Dong hẹn hò bên suối. Ảnh minh họa: A.T
Nam, nữ thanh niên Ca Dong hẹn hò bên suối. Ảnh minh họa: A.T

Những già làng và những vị cao niên người Ca Dong kể rằng, người con gái Ca Dong khi đến tuổi mười tám đôi mươi thì bắt đầu tìm hiểu và kiếm cho mình một người chồng. Sau khi đã tìm được ý trung nhân, cô gái báo cho người con trai về nói với bố mẹ tìm người mai mối. Người mai mối là người được chọn trong số bạn bè đàn ông hay anh em họ hàng am hiểu phong tục tập quán, được cộng đồng dân làng kính trọng.

Trong lễ dạm hỏi, lễ vật mang theo chỉ có trầu cau và một con gà cúng trình tổ tiên nhà gái, ít ngày sau khi được phép của nhà gái, nhà trai tổ chức lễ ăn hỏi. Đoàn nhà trai gồm có ông mối, cha mẹ, anh em, chú bác và chàng rể mang theo rượu, trầu cau, chè, thịt khô và cá sang nhà gái. Đến nơi, mọi người đứng ngoài sân đợi nhà gái thu xếp, chuẩn bị đâu vào đó rồi ra mời mới được vào. Thăm hỏi và trình tổ tiên nhà gái xong, hai bên tổ chức cho đôi trai gái trao trầu cau, thề nguyền sống suốt đời bên nhau, không bỏ nhau dù bất cứ hoàn cảnh nào.

Ăn uống xong, cô gái theo đoàn nhà trai về thăm gia đình chồng và ở lại đó từ 1 đến 2 ngày để đi làm nương rẫy. Trên đường về nhà trai, ông mối bao giờ cũng đi trước, chàng trai đi ở giữa và cô gái đi sau cùng. Sau 1 đến 2 ngày cô gái trở lại nhà mình, chàng trai về theo và ở lại gia đình cô gái từ 3 đến 6 ngày rồi về. Trong thời gian tiếp theo, hai bên trai gái qua lại nhà nhau nhiều lần. Sau hai tháng đến một năm đi lại như vậy mới làm lễ cưới.

Bà Hồ Thị Doách (73 tuổi) ở thôn 1, xã Trà Vân, huyện Nam Trà My, nói thêm rằng: Lễ cưới hay còn gọi là lễ đón dâu chỉ được tổ chức vào nửa đầu tháng, tức là vào tuần trăng lên, tốt nhất là đúng vào ngày rằm. Đoàn đi đón dâu thường rất đông, gồm có bố mẹ, họ hàng, bạn bè và chàng rể. Nếu trên đường đi gặp điềm xấu thì quay trở lại tìm ngày khác, nếu không muốn quay lại thì làm lễ giải điềm xấu ngay bên đường rồi đi tiếp.

Lễ vật mang theo phải có 2 con heo (một heo đực và một heo cái), 2 con gà (một trống, một mái), ít nhất 1 bó trầu, 1 buồng cau, 2 đốc rượu và 100 cái bánh. Ở nhà gái, sau khi làm các thủ tục dâng lễ vật, trình tổ tiên... xong thì chờ cho tối đến rồi mới bắt đầu làm lễ ăn uống. Mâm chính trong lễ cưới gồm có cặp cô dâu chú rể, bố mẹ vợ và bố mẹ chồng.

Trong dịp này lại tổ chức một lần nữa lễ ăn thề không bỏ nhau của cặp vợ chồng mới cưới. Hai vợ chồng trao cho nhau 9 miếng trầu, 9 miếng cau, tượng trưng cho việc chúc nhau sức khỏe và sum họp mãi mãi. Tiếp đó chú rể trao cho cô dâu cườm và ngược lại cô dâu trao cho chú rễ vòng đồng với ý nghĩa công nhận nhau là vợ chồng. Vợ chồng còn vắt cơm nắm bôi lên đầu nhau, ý muốn hồn hai người nhập vào nhau và bôi máu gà lên trán, ý muốn xua đuổi hồn dữ ra khỏi thể xác của nhau.

Đêm hôm đó, toàn đoàn nhà trai nghỉ lại nhà gái sau khi đã làm xong mọi thủ tục và ăn uống no say. Các vị già làng người Ca Dong vui miệng kể, nếu sáng dậy, cô dâu hay chú rể chiêm bao thấy sông suối đầy nước, cây cối tốt tươi, bắp to, lúa nhiều... thì đó là báo hiệu của điềm lành. Ngược lại nếu mơ thấy cá bị mắc lưới, cây cối gãy đổ, sấm nổ, sét đánh... thì đó là điềm xấu. Đã có nhiều trường hợp lễ cưới bị hủy bỏ bởi những giấc mơ xấu đó.

Thông thường, nếu cô dâu hay chú rể chiêm bao thấy những điềm xấu thì nhà gái phải cúng 2 - 3 con gà để “giải”. Sau khi ăn uống xong thì làm lễ đưa dâu. Trên đường về nhà trai, cô dâu phải mang theo một bó củi, tượng trưng cho việc chuyển mọi sinh hoạt, nấu nướng, ăn uống... của cô dâu sang gia đình nhà chú rể.  Khi về đến nhà trai, chú rể bước lên trước, cô dâu theo sau cùng họ hàng. Nghi lễ cúng nhận dâu tại nhà trai cũng diễn ra trình tự như ở nhà gái: trình tổ tiên, ăn uống vui chơi, dâu rể trao tặng vật phẩm, bôi cơm nắm máu gà cho nhau, làm lễ hợp cẩn...

Bà Hồ Thị Doách hồi tưởng lại đám cưới của mình cách đây mấy mươi năm: “Ngày hôm sau, chú rể và cô dâu đều phải kiêng không được ra khỏi nhà, không được đi sản xuất, săn bắt... Con gái kiêng không được múc nước, không được ra máng nước của làng. Bó củi cô dâu mang về nhà chồng được dùng để đốt lửa ngay hôm đó. Ngày tiếp theo, người chồng bắt đầu mang ná vào rừng săn bắt, người vợ đeo gùi lên nương làm rẫy. Những ngày tiếp theo họ lần lượt đi thăm hết họ hàng hai bên để thông báo cho họ hàng biết họ chính thức trở thành vợ chồng...”

AN TRƯỜNG

;
;
.
.
.
.
.