Người học trò tài danh trường làng Bất Nhị

.

Đó là Võ Hoành, người lưu tấm gương sáng cho hậu thế về ý chí vượt khó vươn lên trong học tập và tinh thần tôn sư trọng đạo của học trò xứ Quảng.

Chân dung cụ Võ Hoành. (Ảnh do gia đình cung cấp)
Chân dung cụ Võ Hoành. (Ảnh do gia đình cung cấp)

Trường làng Bất Nhị

Trần Quý Cáp, trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình (ông là một trong ba lãnh tụ của phong trào Duy Tân), đã có hơn 12 năm làm nhà giáo. Trừ  2 năm làm Giáo thọ (Thăng Bình và Ninh Hòa), phần còn lại ông dạy ở ngôi trường quê mình là trường Bất Nhị. Theo các nhà nghiên cứu thì ngôi trường này có thể tồn tại khoảng 10 năm, từ 1896 đến năm 1906, khi Trần Quý Cáp làm Giáo thọ Thăng Bình.

Phan Thị Mỹ Khanh trong Nhớ cha tôi Phan Khôi (NXB Đà Nẵng, 2001) cho biết: “Sau khi cân nhắc kỹ, ông tôi quyết định đưa cha tôi ra thôn Thái La làng Bất Nhị để gửi gắm cho cụ tú Trần Quý Cáp đang mở trường học tại nhà…”. Chi tiết, Phan Khôi được cha dẫn ra trường Bất Nhị để học với cụ Trần Quý Cáp là vào năm 1897, lúc ông 10 tuổi!

Ngôi trường này cũng được Phan Khôi mô tả trên tạp chí Sông Hương số 23, năm 1937 như sau: “Ở trong một xóm cuối làng, dân cư lơ thơ, nhà ở xen với những đám ruộng thổ, một nếp nhà tranh đôi khi ở trong rừng mía rậm, ấy là nhà của thầy tôi và cũng là trường học.

...Duy thầy tôi là trang quân tử thanh  bần, thiên hạ đều biết, quân trộm cướp cũng đã thấy mà chê rồi, nên dù ở đó cũng chẳng ngại chi. Còn có một lẽ nữa là cái cảnh tĩnh mịch đìu hiu lại rất lợi cho sự học.

Cái nhà ba gian hai chái, sườn bằng gỗ, rộng lòng căn. Trong nhà trừ ba gian bàn thờ và một cái buồng ở góc, còn thì liệt ván cả. Một bộ ván cao ở giữa là chỗ thầy ngồi; còn bao nhiêu ván thấp, cho học trò.

Đây tôi nói vào những năm từ Thành Thái nguyên niên đến thất niên, là những năm mà ở trường đó có đông học trò hơn hết. Những người thường ngày đi “nghe sách” có đến một trăm rưỡi, hai trăm. Còn có một hạng không đi nghe sách, chỉ tới kỳ thi tập bài, cũng có đến bảy tám chục, một trăm nữa. Vậy kể hết thảy, bấy giờ học trò trường thầy tôi tới ba trăm...”.

Trường làng Bất Nhị đã đào tạo nhiều người nổi tiếng, trong số đó là Võ Hoành, một trong “lục tuyệt” Quảng Nam. (Lục tuyệt là 6 người Quảng đỗ thủ khoa trong 6 khoa thi Hương).

Người học trò tài danh

Trần Quý Cáp là người học rất giỏi nhưng lại là người nổi tiếng lận đận trong khoa cử. Cả 3 khoa thi Hương (các năm 1897, 1900, 1903) ông đều chỉ đỗ tú tài.

Trong khoa thi Hương năm Quý Mão 1903 tại trường thi Thừa Thiên thầy Trần Quý Cáp cũng đi thi với các môn đồ. Ai cũng nghĩ với tài học và kinh nghiệm trường thi thế nào ông cũng đỗ thủ khoa. Chuyện kể, khi nghe xướng danh biết mình hỏng còn học trò Võ Hoành đỗ thủ khoa, Trần Quý Cáp đã vừa cười vừa nói với các môn đồ trong sự tự hào: “Khoa này ta không cần đỗ, ta nhường học vị thủ khoa cho môn đệ của ta vậy, để khoa sau thôi”. Đúng vậy, khoa sau thầy Trần Quý Cáp được đặc cách đi thi Hội và đậu Á khoa Tiến sĩ Đệ tam giáp.

Về người học trò Võ Hoành, ông tự là Tử Bình, sinh năm 1882, tại làng Long Phước, tổng Mỹ Khê, nay là thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên.

Cha mẹ ông rất nghèo, không có nhà, phải ở nhờ sau chái nhà người bác ruột. Mãi đến khi biết ông đỗ Giải nguyên bà con trong họ mừng quá, mới xúm nhau dựng cho gia đình ông một ngôi nhà nhỏ để có chỗ đón tiếp, đãi đằng quan khách. Cha ông ngày ngày phải gánh dầu phụng lên tận trên “nguồn” để bán. Từ nhỏ Võ Hoành rất thông minh và ham học. Ông là học trò “cưng” của hai cụ tú Trần Thế Thân (ở làng Phi Phú, Gò Nổi, Điện Bàn) và Trần Quý Cáp. Thấy hoàn cảnh của ông, hai thầy đã cho ông ở trong nhà, nuôi cơm để ăn học.

Không phụ lòng hai thầy, năm 1903, ông đỗ thủ khoa, khoa thi Hương ở trường thi Thừa Thiên. Mấy khoa sau vì nhà nghèo ông không đi thi Hội, mãi đến năm 1910 ông mới đỗ phó bảng.

Hoạn lộ của ông khá suôn sẻ. Ông đã trải qua các chức vụ tri huyện Hương Thủy (Thừa Thiên), Phù Cát (Bình Định); tri phủ Thạch Hà (Hà Tĩnh), Ninh Thuận, Diễn Châu (Thanh Hóa), Tư Nghĩa (Quảng Ngãi); Án Sát (Bình Định); Tham tá Nội các kiêm Giám đốc Cổ học viện (Huế). Năm 1933, dưới thời Bảo Đại, khi đang giữ chức Thị Lang bộ Lại, người Pháp phát hiện trong nhà ông có bàn thờ của “tử tù” Trần Quý Cáp, nên bị triều đình “nhắc nhở”. Ông bảo trò thờ thầy mà không cho thì thà bỏ quan. Sau đó ông làm đơn xin về hưu non như một cách phản đối, mặc dù lúc này ông chỉ mới 51 tuổi.

Ông mất ngày 5-7-1947, thọ 67 tuổi. Mộ ông hiện ở tại Nổng Bồ, xã Duy Trung,  huyện Duy Xuyên.

Đậm đặc chất Quảng

Dù Võ Hoành chỉ học với thầy Trần Thế Thân một thời gian ngắn nhưng năm nào đến ngày giỗ thầy dù làm quan ở xa ông đều gửi lễ vật về để cúng. Năm 1928, khi đang làm chức lớn ở kinh đô Huế, được về quê làm lễ “phần huỳnh”(*) cho cha mẹ, ông không quên sang làng Phi Phú để làm lễ tế, cảm tạ công ơn của thầy học cũ. Từ Long Phước sang Phi Phú, ông được dân hai làng võng lọng chiêng trống đưa rước. Nhưng khi đến đầu làng ông cho dừng lại, một mình đi bộ đến nhà thầy để tỏ sự kính trọng. Sau lễ tế, gia đình thầy mời ông ngồi phản giữa để dùng cơm. Ông đã từ chối chỉ xin ngồi phản bên. Ông bảo chỗ ấy chỉ để dành riêng cho thầy.

Còn đối với thầy Trần Quý Cáp, Võ Hoành luôn một mực cung kính.

Sau khi đỗ Giải nguyên, về lại trường, trước các đồng môn ít khi Võ Hoành đề cập đến chuyện đỗ đạt. Hằng ngày ông luôn hầu hạ thầy như khi chưa đỗ. Đến bữa ông vẫn ngồi ở phản bên cùng các đồng môn khác để nghe thầy giảng kinh sách!

Không chỉ giữ đạo thầy - trò, Võ Hoành còn là người rất khảng khái, rất Quảng. Một đồng khoa của ông, Tiến sĩ Nguyễn Sĩ Giác kể: “Trong khoa thi năm 1910, trước khi về quê, các tân khoa được mời đến tòa Khâm sứ Pháp tại Huế nhận vé tàu hỏa miễn phí để hồi hương. Nhân viên phụ trách tòa Khâm tỏ vẻ hách dịch đối với các vị tân khoa. Võ Hoành liền bảo với nhân viên ấy rằng chúng tôi đã đi bộ từ quê đến kinh để ứng thí được, thì chúng tôi cũng có thể đi bộ trở về quê được. Nói xong, mặc dầu có người can gián, ông vẫn bỏ đi, không thèm nhận vé tàu hỏa ấy...”.

LÊ THÍ

(*) Lễ phần huỳnh (phần là đốt cháy, huỳnh là màu vàng hay giấy màu vàng) là lễ đốt bản sao trên giấy màu vàng Chiếu Dụ của vua ban ân về phẩm trật quan giai dành cho cha mẹ đã quá cố của một đại quan.

;
;
.
.
.
.
.