Nghĩa hội Quảng Nam đánh Pháp

.

Nghĩa hội Quảng Nam chỉ tồn tại 3 năm (1885 - 1887), tuy căn cứ chính đóng ở Trung Lộc (huyện Nông Sơn), còn gọi là Tân Tỉnh, nhưng uy thế và địa bàn hoạt động của Nghĩa hội lại lan rộng khắp cả vùng đất Quảng Nam.

Buổi sáng trên sông Thu Bồn. (Ảnh minh họa:  V.T.L)
Buổi sáng trên sông Thu Bồn. (Ảnh minh họa: V.T.L)

Ở Đại Lộc, Nghĩa hội chọn địa bàn “Chín xã sông Con” làm căn cứ án ngữ; lấy động Hà Sống, một nơi có địa hình hiểm trở bên núi bên sông làm tiền đồn bảo vệ hậu cứ “Chín xã sông Con”.

Theo một số tư liệu sưu tầm được của nhà giáo Hứa Văn Tỵ (tác giả 2 tập sách Đại Nghĩa đất và người và Từ vùng đất này), chạy suốt dọc các ngả đường truông dài theo dãy núi Sơn Gà từ động Hà Sống đến Trà Cân, đến Phong Thử của Điện Bàn, nghĩa quân đã xây dựng được những căn cứ xương sống tạo thế phòng thủ vững chắc để ngăn bước quân thù.

Trong đó, phải nói đến căn cứ làng Đại Lợi (Đại Nghĩa) với địa thế được bao bọc bởi các ao bàu như là tuyến phòng thủ trời cho, khi cần có thể rút vào núi, dựa vào các khe suối để tổ chức đánh địch và bảo tồn lực lượng; xây dựng chiến lũy với các ụ súng thần công. Tại Trà Cân (Đại Hiệp), đã xây dựng trại lương, nơi luyện quân, lập lò rèn để sản xuất vũ khí…

Trong suốt ba năm (1885-1887), kẻ thù nhận ra những nơi này như cái gai trong mắt chúng và thường xuyên cho quân tấn công. Có hàng chục trận đánh lớn nhỏ của giặc Pháp với nghĩa quân.

Trận Bãi Chài trên sông Thu Bồn

Khi quân Khâm sai bị thua trận ở Phong Thử, quá hoảng sợ, quan lại Nam triều ở Quảng Nam liên tiếp báo về Huế xin cứu viện. Để trấn an tinh thần quân Khâm sai, quân Pháp sử dụng 7 ca-nô chở đầy lính ngược sông Vĩnh Điện, theo nhánh Thu Bồn ngược về hướng thượng lưu đến bãi Chài (làng Vân Ly) neo lại.

Nhận được tin quân Pháp đến bãi Chài, Tán tương Trần Huy liền cho mời Bang tá Nguyễn Đình Tán từ đồn Phong Thử lên bàn kế hoạch tập kích. Nghĩa quân sử dụng ghe tam bản và ghe lườn ba mặt giáp công vào quân Pháp đang tập kết tại đây. Trên bộ, nghĩa quân từ bến đò đánh ra bãi Chài. Trên thượng nguồn, các bè hom dâu đã chuẩn bị trước được thả trôi xuống.

Loại bè này có người điều khiển, đến gần các ca-nô thì đứt dây lao thẳng vào đội hình quân địch, lúc phát hiện ra thì chúng trở tay không kịp. Trên bè nghĩa quân đặt trái phá với liều thuốc nổ cực mạnh. Những bè hom dâu phóng vun vút đâm sầm vào các ca-nô nổ tung lật úp ngay 3 trong 7 chiếc của giặc. Nghĩa quân dùng ghe tam bản xông vào lấy câu liêm cán dài móc đầu giặc hất nhào xuống nước. Bọn giặc phần lớn bị chết chìm, số còn lại bị thương trên mặt nước bị nghĩa quân dùng giáo đâm chết, xác trôi đầy sông nghẽn cả dòng nước chảy.

Cay cú trước trận đánh bất ngờ, Pháp đưa quân theo đường bộ tiến lên tiếp viện, chúng kéo thẳng vào phốc Hóa Mộc (làng Hoán Mỹ). Tán tương quân vụ Trần Huy đã cho Thương biện Tỉnh vụ Bùi Xuân Bảng tập hợp dân giỏi võ nghệ dùng côn, trượng phục kích trên đoạn đường dài 2 cây số tại truông Gò Muồng đánh úp quân cứu viện làm cho chúng không thể tiến lên được, phải lui về Phong Thử.

Chiến trường thắng lợi giòn giã đưa tin về Trung Lộc. Nghĩa hội quyết định tổ chức khao quân tại đồn Bình Yên, có cả chủ tướng Nguyễn Duy Hiệu và phụ tá Phan Bá Phiến về dự. Chủ tướng Nguyễn Duy Hiệu đã trao cho quân dân địa phương một vuông vải điều ghi câu ca dao thể hiện tình yêu thương, đoàn kết của người Việt Nam: “Nhiễu điều phủ lấy giá gương/Người trong một nước phải thương nhau cùng…”.

Trận đánh đồng Gia Cốc

Theo những người già ở làng Phú Mỹ - Gia Cốc (xã Đại Minh, huyện Đại Lộc) kể lại, trận đánh đồng Gia Cốc, nghĩa quân bị thất bại. Một phần do trang bị vũ khí quá thô sơ (súng hỏa mai, gươm, giáo,…), chiến thuật lạc hậu. Trong khi đó, quân Pháp ngoài vũ khí hiện đại, có cả súng máy, lại chủ động phục kích trước nên có lợi thế hơn.

Một nho sĩ đương thời đã có câu đối cảm thán: “Quân tả tây kéo thắng hai tua, lên trăm hai xuống cũng đủ trăm hai, trách trời đất nỡ sao binh vị nó/ Đồng Gia Cốc thử chơi một trận, chết hăm mốt, bị thương hơn hăm mốt, nợ quân vương trả bớt bấy nhiêu người”.

Người ta còn kể rằng, đêm trước khi xảy ra trận đánh, nhân dân các làng Gia Cốc đã giết heo, bò để khao cho nghĩa quân. Từng nhà nấu cơm xôi bó vào mo cau để nghĩa quân lót dạ trước khi xung trận. Trận đánh diễn ra nửa buổi sáng, quân Nghĩa hội áo chàm, chân đất, đầu quấn khăn đỏ, gươm giáo tuốt trần xông lên giữa đồng. Giặc Pháp chủ động dùng súng máy và súng trường ngắm bắn từ xa, nghĩa sĩ hy sinh và sớm vỡ đội hình, chỉ đưa người bị thương rút về căn cứ ở Động Hà Sống.

Để tránh mắt dòm ngó của bọn hương lý trong làng làm tay sai cho giặc, mãi đến đêm, lợi dụng lúc tối trời, nhân dân kéo ra khiêng xác các nghĩa sĩ về mai táng tập trung vào một chỗ, mà sau này người ta gọi là Nghĩa trủng. Hằng năm vào ngày kỵ, người dân địa phương thường tổ chức lễ cúng cầu hồn các tử sĩ. Việc cúng bái gặp rất nhiều khó khăn do chính quyền Nam triều thời bấy giờ gọi Nghĩa hội là “giặc” nên không cho phép.

Nhiều năm sau đó, khi xây dựng được miếu Văn Thánh trên cồn đất gần Nghĩa trủng (nhân dân gọi là Cồn Văn Thánh), thì người dân đã khôn khéo kết hợp việc cúng tế hằng năm để tôn vinh những người đỗ đạt với việc cầu hồn nghĩa sĩ, tưởng nhớ đến những người đã chẳng tiếc máu xương, vì nước quên thân trong trận đồng Gia Cốc.

Bước qua năm 1887, Nghĩa hội Quảng Nam đi vào thoái trào. Nguyễn Duy Hiệu nghi ngờ một số thuộc hạ phản bội, ông triệu Tán tương quân vụ Trần Đỉnh lên Trung Lộc và xử chém. Căn cứ “Chín xã sông Con” tan rã. Quân Pháp và Nam triều lợi dụng thời cơ đưa quân tấn công Trung Lộc, Phan Bá Phiến tuẫn tiết, Nguyễn Duy Hiệu bị giặc bắt và bị xử chém. Nghĩa hội tan rã hoàn toàn.

Dù đã hơn 130 năm đi qua, những trận đánh của Nghĩa hội Quảng Nam trên đất Đại Lộc những năm tháng ấy vẫn mãi là những dấu son chói ngời ghi dấu ấn ý chí kiên cường, tinh thần yêu nước rạng ngời của cha ông một thời giữ nước.

Nguyễn Hải Triều
 

;
;
.
.
.
.
.