Đà Nẵng cuối tuần

VĂN HÓA LÀNG BIỂN

Vững bền giữa đời sống đương đại

15:38, 02/03/2024 (GMT+7)

Đầu xuân cũng là thời điểm nhiều lễ hội truyền thống miền biển được tổ chức tại các quận, huyện của thành phố. Được mở rộng cả về quy mô, số lượng với nhiều hoạt động hấp dẫn, lễ hội truyền thống vẫn luôn duy trì sức sống bền bỉ cùng thời gian, thu hút đông đảo người dân và du khách tham gia.

Lễ Cầu ngư tại bãi biển phường Mân Thái (quận Sơn Trà) năm 2023. Ảnh: K.H
Lễ Cầu ngư tại bãi biển phường Mân Thái (quận Sơn Trà) năm 2023. Ảnh: K.H

Gắn kết tình làng, nghĩa xóm

Về phường Xuân Hà (quận Thanh Khê) những ngày này vẫn cảm nhận được sự rộn ràng của xuân mới khi lễ hội Cầu ngư truyền thống quận Thanh Khê năm 2024 vừa diễn ra. Đây là một trong những lễ hội truyền thống lớn của thành phố với nhiều nghi thức tế lễ cổ truyền và hoạt động phần hội sôi nổi. Trước đó hơn một tuần, tại quảng trường Hà Khê, nằm trên đường Nguyễn Tất Thành (phường Xuân Hà), lực lượng công nhân viên ngành văn hóa quận hối hả với những công đoạn cuối cùng để dàn dựng sân khấu, tổng duyệt các tiết mục biểu diễn cho lễ khai mạc. Lễ hội kéo dài trong 3 ngày (27 đến 29-2, nhằm ngày 18 đến 20 tháng Giêng).

Lễ hội Cầu ngư được những nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định không chỉ là tín ngưỡng của ngư dân vùng biển mà còn là một hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt. Đây là dịp để bà con động viên nhau bám biển, giúp người dân địa phương gần gũi, tăng cường đoàn kết, chung tay xây dựng nếp sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa.

Trong không khí rộn ràng của mùa lễ hội đầu năm, nét mặt của ông Trần Ngọc Dũng (SN 1962, phường Xuân Hà) đầy hoan hỉ: “Lễ hội Cầu ngư là lễ hội truyền thống lâu đời của địa phương chúng tôi, gắn với tín ngưỡng thờ cúng cá Ông - vị thần biển hộ mệnh của ngư dân. Hằng năm, lễ hội được tổ chức chu đáo, trang nghiêm với đầy đủ phần lễ và phần hội. Trong đó, phần lễ thể hiện trọn vẹn những nghi thức, nét đẹp của một lễ hội Cầu ngư truyền thống, còn phần hội ngày càng có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn". Tiếp lời ông Dũng, ông Trần Đình Sắc (SN 1960, phường Xuân Hà) cho hay, phần lớn các hộ dân đang sinh sống ở phường Xuân Hà đều có gốc gác ông cha là người đi biển, sống và gắn bó với nghề biển nên đến đời con cháu, dù không còn sống bằng nghề biển nhưng vẫn luôn quan tâm và hân hoan tham gia vào lễ hội.

Hằng năm, trước, trong và sau khi diễn ra các lễ hội Cầu ngư, người dân miền biển ở các địa phương nói trên đều tham gia tích cực, đóng góp công sức để bảo vệ an ninh trật tự, dọn vệ sinh ở khu vực bãi biển đường Nguyễn Tất Thành, bãi biển Mân Thái, Nam Ô; treo cờ Tổ quốc và cờ hội trong suốt thời gian diễn ra lễ hội; đồng thời, tham gia vào Lễ Nghinh thần và dự lễ hội Cầu ngư. Là một trong những người dân địa phương vinh dự được trực tiếp tham gia vào các công việc chuẩn bị cho lễ hội truyền thống, ông Đỗ Văn Hùng (SN 1958, phường Xuân Hà) xúc động nhớ lại ngày ông bà nội còn sống, năm nào trong số bánh chưng, bánh tét được gói để ăn Tết, ông bà luôn dành lại vài cặp đặt cúng ở Lăng Ông.

Đây cũng là một nét văn hóa thể hiện sự đoàn kết, gắn bó tình làng nghĩa xóm ở cộng đồng dân cư; cũng là lời hứa luôn bảo bọc nhau khi ra đi biển của người ngư dân. Truyền thống này vẫn được ông và xóm giềng trân quý, gìn giữ cho đến tận bây giờ. Ông Hùng tự hào khi gần 20 năm nay luôn tham gia vào công tác bảo vệ an ninh trật tự trong những ngày diễn ra lễ hội.

Làm mới để gìn giữ

Lễ hội Cầu ngư diễn ra hằng năm như một lời tri ân đối với công sức lao động của tổ tiên, ông bà cũng như thể hiện lòng biết ơn đối với sự ưu ái mà thiên nhiên ban tặng cho người dân miền biển qua bao thế hệ. Chẳng thế mà, mỗi năm, sau Tết Nguyên đán, người dân quận Thanh Khê lại náo nức, chộn rộn chờ đến ngày khai hội lễ Cầu ngư truyền thống. Cùng với phường Xuân Hà, từ tháng Giêng đến tháng 3 âm lịch, lễ hội Cầu ngư còn được tổ chức long trọng, trang nghiêm ở những vùng ven biển của thành phố như: Mân Thái, Thọ Quang (quận Sơn Trà), Thanh Lộc Đán (quận Thanh Khê), Nam Ô (quận Liên Chiểu)...

Gìn giữ cho những giá trị truyền thống luôn mãi trường tồn với thời gian cũng như phát huy những điều tốt đẹp từ truyền thống mà ông cha để lại đã ăn sâu vào tiềm thức, lối sống của người dân miền biển hôm nay. Cho đến nay, tinh thần đoàn kết ấy vẫn luôn được những ngư dân phát huy trong mỗi chuyến đi biển. Những lễ hội truyền thống như lễ hội Cầu ngư vẫn luôn giữ được bản sắc vốn có cho đến ngày nay thì ngoài nỗ lực của các cấp, ngành chức năng còn là tâm huyết và đóng góp không nhỏ của nhân dân địa phương cả về vật chất lẫn tinh thần.

Bên cạnh các lễ hội, những vết tích của văn hóa truyền thống miền biển cũng được gìn giữ hoặc phục dựng. Tận mục sở thị mô hình cá Lăng Ông (hay còn có tên gọi khác là cá Voi) tại tổ 12 phường Mân Thái (quận Sơn Trà) chúng tôi hiểu hơn về tín ngưỡng của người dân miền biển gửi gắm vào lễ hội Cầu ngư hằng năm. Ông Bùi Văn Quý (SN 1954, phường Mân Thái) kể, tùy mỗi địa phương mà lễ hội được tổ chức trong vòng 2 hoặc 3 ngày.

Công tác chuẩn bị rất công phu, dịp này, các tàu thuyền đánh cá, ngư dân miền biển đều tập trung về neo đậu gần bờ, treo cờ Tổ quốc đồng thời tích cực cùng ban tổ chức và nhân dân dựng sân khấu, trang trí bàn thờ rực rỡ và trang nghiêm tại nơi diễn ra lễ. Lễ hội Cầu ngư được những nhà nghiên cứu văn hóa khẳng định không chỉ là tín ngưỡng của ngư dân vùng biển mà còn là một hình thái sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt. Đây là dịp để bà con động viên nhau bám biển, giúp người dân địa phương gần gũi, tăng cường đoàn kết, chung tay xây dựng nếp sinh hoạt văn hóa đầy ý nghĩa.

Ông Nguyễn Hữu Công, Phó Chủ tịch UBND quận Thanh Khê cho biết, với mục tiêu gìn giữ bản sắc truyền thống của lễ hội, góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh phát triển du lịch - văn hóa tâm linh của địa phương, ban tổ chức có nhiều nỗ lực để làm mới phần hội. Bên cạnh các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao mang tính cộng đồng, dân gian phù hợp với cư dân vùng biển như: hô hội bài chòi, hát tuồng, thi dân vũ, vẽ tranh, đan lưới, ẩm thực, chưng mâm ngũ quả, trò chơi gánh cá… còn có các gian hàng trưng bày giới thiệu các sản phẩm OCOP, trưng bày mô hình nghề biển, sản phẩm đặc trưng vùng biển, trưng bày mô hình, hình ảnh về “Hoàng Sa, Trường Sa”, các gian hàng ẩm thực, các trò chơi vận động và các môn thi đấu thể thao trên bờ biển như đẩy gậy, kéo co, ngoáy thúng, cà kheo, chèo thuyền buồm...

Cứ như vậy, với sự chung tay, góp sức của nhân dân, lễ hội truyền thống của cư dân miền biển vẫn luôn có sức sống vững bền trong đời sống đương đại.

KHÁNH HÒA

.